Doanh nghiệp bán lẻ lên phương án giành "miếng bánh" thị trường 200 tỷ USD

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất và hấp dẫn nhất trên thế giới và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh nghiệp bán lẻ đã lên phương án giành "miếng bánh" thị trường 200 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 mức tăng thị trường bán lẻ Việt Nam dù không bằng mức tăng 12,7% của năm 2019, nhưng quy mô của thị trường này đã tăng thêm hơn 11 tỷ USD.

Không chỉ tăng trưởng về quy mô, tâm lý thị trường, tâm lý tiêu dùng đã dần ổn định sau một thời gian chống dịch. Các chuyên gia cho rằng, lối sống của người Việt với thói quen sử dụng thực phẩm tươi, văn hóa chuộng giao lưu và sở thích mua sắm hàng hóa trực tiếp là những đòn bẩy cho thị trường ngay sau khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Các chuyên gia dự báo, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ trong 2 năm nữa thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD.

3 Người tiêu dùng hào hứng trải nghiệm mua sắm tại GO!
Người tiêu dùng hào hứng trải nghiệm mua sắm tại GO!

Thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và ngành dịch vụ nói riêng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất và hấp dẫn nhất trên thế giới. Các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước cũng đã lên phương án nhằm chiếm lĩnh thị phần miếng bánh thị trường 200 tỷ USD này.

Mới đây, Central Retail Corporation Public Company Limited (CRC) đã công bố kế hoạch tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, và chính thức công bố kế hoạch 5 năm tại Việt Nam có tổng giá trị đầu tư khoảng 35 tỉ Bath (1,1 tỉ USD) với mục tiêu mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh thành trên toàn quốc.

Ông Philippe Broianigo- CEO của Central Retail tại Việt Nam- chia sẻ: Kế hoạch 5 năm của chúng tôi sẽ tập trung phát triển đa ngành, đa nền tảng để gia tăng sự hiện diện từ thành thị đến nông thôn, xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm gắn kết chặt chẽ hơn và tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng; phát triển các thương hiệu phi thực phẩm cũng như nền tảng đa kênh.

Năm 2021, tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh phát triển mở rộng với tổng giá trị đầu tư khoảng 6,6 tỉ Bath (211 triệu USD), dự định mở mới 4 trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! tại Thái Nguyên, Bà Rịa, Thái Bình và Lào Cai và 1 siêu thị mini go! ở Tây Ninh. Bên cạnh đó, Central Retail sẽ tiến hành chuyển đổi 8 đại siêu thị Big C thành đại siêu thị GO! và chuyển đổi 7 siêu thị Big C thành siêu thị Tops Markets. Và, tập đoàn sẽ tiếp tục đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh với mảng phi thực phẩm. Kế hoạch lâu dài của Central Retail là mở rộng hoạt động kinh doanh để tăng sự hiện diện tại 55 tỉnh thành toàn quốc trong vòng 5 năm để cung cấp những dịch vụ toàn diện hơn và tạo ra nhiều công việc và thu nhập ổn định cho người Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2020, CRC đã mở mới 4 trung tâm thương mại GO! tại Trà Vinh, Quảng Ngãi, Buôn Ma Thuột và Bến Tre; tái định vị thương hiệu Big C thành GO! tại 5 chi nhánh, mở mới 1 siêu thị mini Go! ở Tam Kỳ Quảng Nam để phục vụ người dùng ở những khu vực ngoại ô.

Về phía doanh nghiệp trong nước, vào tháng 6/2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đã thành lập Công ty Cổ phần The CrownX. Trong báo cáo thường niên của Masan Group vừa phát hành, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group cho biết, việc thành lập The CrownX là bước đầu tiên của tập đoàn này nhằm đạt tham vọng trở thành tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ với quy mô phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng trong 5 năm tới; doanh thu đạt 7-10 tỷ USD và lợi nhuận gộp gia tăng hai con số vào năm 2025 tại lĩnh vực bán lẻ. The CrownX được lãnh đạo Masan Group kỳ vọng sẽ trở thành "kỳ lân" trong ngành hàng tiêu dùng.

Việt Nam có quy mô dân số lớn với gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, chi tiêu hộ gia đình theo dự báo của WorldBank tăng trung bình 10,5%/năm kèm tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu cho thấy tiềm năng cơ hội cho ngành bán lẻ tại Việt Nam trên con đường phía trước còn rất lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam mặc dù là "miếng bánh" đầy tiềm năng nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt được cơ hội chiếm lĩnh thị phần. Trên thực tế, đã có những thương hiệu rút khỏi thị trường Việt Nam như Auchan, hay việc thu hẹp mạng lưới hoạt động của Parkson.

Ngoài yếu tố tiên quyết là lựa chọn được vị trí có mật độ dân số và sức mua tốt, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, cũng như sự cạnh tranh từ thương mại điện tử, đã khiến việc phát triển được một mô hình bán lẻ phù hợp với thị trường mục tiêu trở thành yếu tố quyết định sự thành bại của một thương hiệu.

Với dự báo là thị trường sôi động nhất thế giới, Việt Nam sẽ thu hút sự đầu tư hoặc mở rộng đầu tư của cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong mảng bán lẻ. Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ ngoại mạnh về công nghệ, quản trị thì các doanh nghiệp bán lẻ nội lại có lợi thế về mức độ am hiểu người tiêu dùng Việt Nam. Và với sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp ngoại và nội, người tiêu dùng cũng sẽ là đối tượng được hưởng lợi.

Theo số liệu của Tổng cục Tống kê, trong quý I/2021, khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I/2021 phải kể đến bán buôn và bán lẻ tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước, là ngành dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,67 điểm phần trăm).

Theo Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Doanh nghiệp bán lẻ, miếng bánh thị trường