Kích cầu du lịch nội địa: Doanh nghiệp phải biết cách chinh phục khách Việt

Ngành du lịch Việt Nam đang đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, tuy nhiên để đạt hiệu quả, vấn đề giá không còn là yếu tố hấp dẫn mà buộc phải tăng chất lượng dịch vụ, xây dựng được các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được xu hướng của khách hàng.

Tại Diễn dàn Du lịch nội địa toàn quốc mới đây, ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours đã có cuộc chia sẻ bên lề về vấn đề trên với phóng viên.

Kích cầu du lịch nội địa: Doanh nghiệp phải biết cách chinh phục khách Việt
Cần có những sản phẩm mới, riêng biệt để tăng hiệu quả cho chiến dịch kích cầu du lịch nội địa

Thưa ông, thị trường nội địa hiện được coi là bệ đỡ của ngành công nghiệp không khói Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài yếu tố giá thì để tăng sức hút với thị trường yếu tố nào sẽ đóng vai trò quyết định?

Trước đây, khi nói đến kích cầu du lịch là chúng ta thường đặt yếu tố giá rẻ lên hàng đầu, nhưng bây giờ yếu tố này không còn hấp dẫn nữa bởi vì dư địa để giảm giá không còn; mặt khác, hiện du khách đã không còn cảm thấy cú sốc khi mà chúng ta giảm giá nữa.

Theo đó, thay vì chạy khuyến mãi giá rẻ dành cho tất cả mọi người, giai đoạn hiện tại doanh nghiệp phải chia ra thành nhiều tệp khách hàng khác nhau, bởi mỗi người có những nhu cầu, điều kiện khác nhau. Doanh nghiệp cần xây dựng những dòng sản phẩm riêng đặc thù cho từng nhóm đối tượng khách hàng để cho du khách thấy rằng những sản phẩm của công ty du lịch đưa ra dường như là dành cho chính họ và họ được trân trọng.

Từ thực tế đó, quan điểm của tôi về khẩu hiệu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” chỉ nên coi đó là tình yêu quê hương đất nước chứ không xem là một kiểu kêu gọi giải cứu tình thế. Theo đó, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam là bởi vì Việt Nam rất đẹp bởi, vì xứng đáng để đi và chúng ta đi để hiểu, để yêu thêm quê hương đất nước. Đây chính là ý nghĩa sâu xa nhất của khẩu hiệu dành cho du khách Việt.

Còn đối với mỗi công ty du lịch, với những đơn vị làm dịch vụ phải luôn có khẩu hiệu là du lịch Việt Nam chinh phục du khách Việt. Doanh nghiệp phải không ngừng chinh phục bởi du khách Việt chính là đối tượng mình cần và hướng tới.

Kích cầu du lịch nội địa: Doanh nghiệp phải biết cách chinh phục khách Việt
Ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours

Vậy để chinh phục du khách Việt, các doanh nghiệp cần phải thay đổi, phải có cách làm như thế nào, theo ông?

Để làm được điều đó, trước hết phải nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm và cá biệt hóa sản phẩm, nghĩa là khi xây dựng sản phẩm phải đo được nhu cầu khách hàng, hiểu tâm lý khách hàng và tạo điểm nhấn cho sản phẩm.

Thực ra một sản phẩm du lịch không cần quá nhiều điểm hấp dẫn nhưng chỉ cần một điểm đinh mà du khách thấy hấp dẫn thì họ sẽ mua.

Mặt khác, bản thân các hãng lữ hành nếu chỉ đơn thuần là phép cộng giữa phòng khách sạn với lưu trú, ăn và xe vận chuyển thì du khách không cần đến. Theo đó, đơn vị lữ hành phải là tổng hợp của tất cả dịch vụ khác lạ, tạo ra sản phẩm riêng, có sự sáng tạo bằng cách sắp xếp dịch vụ hợp lý, bổ sung các giá trị gia tăng khác mà tự các cơ sở dịch vụ rời rạc không có.

Đặc biệt với những công ty lữ hành thì phải tranh thủ tất cả những tài nguyên của tất cả những hạ tầng, tận dụng tất cả những điểm sẵn có sắp xếp tính toán lại; thổi hồn cho từng sản phẩm, dịch vụ và đẩy lên thành cơ hội, kích thích nhu cầu mua sản phẩm của khách hàng, xóa bỏ tâm lý đợi giảm giá mới chi tiêu của khách hàng. Nếu làm được điều đó, người dân mới đi du lịch Việt Nam và lựa chọn đặt dịch vụ thông qua công ty lữ hành.

Ngoài ra, chúng ta thúc đẩy kích cầu du lịch nhưng chúng ta cũng phải tạo ra thông điệp tới thị trường rằng, kích cầu thông qua việc cộng thêm các giá trị cho sản phẩm chất lượng chứ không phải chỉ là giảm giá, điều này cũng tránh tạo ra một tiền lệ xấu trong tâm lý đi du lịch của du khách. Hơn nữa, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, nếu du khách cứ chờ đợi giảm giá và bản thân doanh nghiệp hiện đã không còn sự lựa chọn để giảm giá, do nếu tiếp tục giảm giá, rất nhiều doanh nghiệp thà không cung cấp dịch vụ còn hơn vì họ càng làm càng lỗ, các mức giá đưa ra đã dưới giá thành rồi. Chiến dịch kích cầu du lịch vì thế sẽ không đạt hiệu quả.

Gần đây lượng khách đến với khu nghỉ dưỡng của Flamingo tăng mạnh vào dịp cuối tuần dù giá cao. Ông có chia sẻ nào về mức chi tiêu của du khách Việt Nam hiện nay?

Trong thời gian qua, dù nhiều khách sạn 5 sao, khu lưu trú khác giá phòng bán ra thị trường giảm giá sâu nhưng ở Flamingo vẫn giữ mức giá khá ổn định nhưng lượng khách vẫn đều, thậm chí tăng cao vào cuối tuần. Điều đó chứng tỏ sức tiêu dùng của du khách trong nước rất lớn và nhu cầu của mọi người rất cao chẳng qua là chúng ta chưa chạm tới được nhu cầu mong muốn của du khách.

Để có được điều này, Flamingo đã đầu tư những tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn với tiện ích rất nhiều ở các khu nghỉ dưỡng tại Vĩnh Phúc hay Cát Bà. Chính việc dành phần lớn diện tích cho các tiện ích, dịch vụ nên cho dù chi tiêu tiền phòng thấp hơn rất nhiều so với những tiện ích khác nhưng các khu nghĩ dưỡng đều mang lại các giá trị gia tăng khác, đây chính là yếu tố hấp dẫn khách hàng.

Thực tế, điều kiện đời sống của người dân đã rất cao vì vậy, các doanh nghiệp muốn kéo được khách hàng thì buộc phải tạo được sự hứng khởi, mang lại cảm xúc so với những gì khách hàng đang có. Cho nên, giai đoạn hiện nay và thời gian tới, chúng tôi đều tập trung đầu tư cho các tiện ích như ẩm thực, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe qua đó tăng được cơ hội và mang lại cho khách hàng những khoảnh khắc, giây phút trải nghiệm, nghỉ dưỡng ý nghĩa nhất.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Theo Báo Công Thương Điện Tử

Từ khóa : Kích cầu, du lịch nội địa