Làng tre Phú An vườn thực vật nổi tiếng thế giới

Từ xa xưa, cây tre đã là hình bóng của con người và quê hương Việt Nam, gắn bó thân thiết với cuộc sống của người dân Việt từ vật dụng hàng ngày, cho đến những nông cụ, nhạc cụ và cả vũ khí để bảo vệ xóm làng.

TẠI LÀNG TRE PHÚ AN, GIÁ TRỊ CỦA CÂY TRE KHÔNG CHỈ CÓ THẾ…


Nằm trên địa phận xã Phú An, thuộc Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm TPHCM khoảng 42 km, Khu Bảo tàng Sinh thái Tre và Bảo tồn thực vật Phú An (gọi tắt là Làng Tre Phú An) không chỉ là một nơi thú vị cho mô hình du lịch sinh thái - văn hoá, mà còn là một địa chỉ cho những ai quan tâm tìm hiểu hay nghiên cứu về các chủng loại tre - bởi nơi đây có bộ sưu tập Tre được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á.


Ngày 14/5/2016 mới đây, Làng Tre Phú An còn mang đến niềm tự hào cho người Việt khi được công nhận là thành viên của Hiệp hội các Vườn thực vật nói tiếng Pháp trên thế giới.


Nói đến Làng Tre Phú An không thể không nhắc đến Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh - người sáng lập Làng Tre, đã đưa ý tưởng “Biến tam giác sắt thành tam giác xanh”, mang tiến bộ khoa học về một làng tre vào hiện thực từ năm 1999.

Trong suốt 17 năm hoạt động và phát triển, Làng Tre Phú An đã trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua do những khó khăn về tài chính, quản lý và đòi hỏi nhiều tri thức chuyên môn trong việc bảo tồn thực vật,…Nhưng với quyết tâm, tình yêu dành cho cây tre và con người tại vùng đất quê hương của mình, TS. Mỹ Hạnh nhờ sự hỗ trợ của chương trình giảm nghèo căn cứ trên việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Helvetas năm 1999, sau đó đến dự án “Bảo tàng Sinh thái tre và Bảo tồn thực vật Phú An”, chương trình hợp tác bốn bên (từ 2003- 2008) của Tỉnh Bình Dương, Vùng Rhône - Alpes (Pháp), Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp.HCM), đến tháng 4/2008, dự án đã được khánh thành và chia thành 2 Trung tâm hoạt động độc lập.


Làng Tre Phú An tiếp tục hoạt động với tên gọi chính thức là Trung tâm nghiên cứu bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên, trực thuộc trường Đại học Khoa Học Tự nhiên, thuộc Đại Học Quốc gia TP HCM, theo cơ chế tự lực của Nghị định 115. 

 

TS. MỸ HẠNH ĐÃ PHÁT TRIỂN LÀNG TRE PHÚ AN VỚI 3 NHIỆM VỤ CHÍNH:


- Nghiên cứu khoa học cơ bản về Sưu tập và Bảo tồn Tre, nghiên cứu ứng dụng để chế tạo những sản phẩm thân thiện môi trường từ Tre và nâng cao giá trị cây Tre Việt Nam trong vai trò  ứng phó với biến đổi khí hậu - vì cây tre sinh trưởng nhanh, có sinh khối lớn nên khả năng cố định carbon rất cao.


- Đào tạo, hướng dẫn thực tập cho sinh viên trong và ngoài nước về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ.


- Giáo dục cho học sinh về kỹ năng sống, thông qua chương trình LỚP HỌC XANH. Đây cũng là nơi tham quan cho cộng đồng để truyền thông về lợi ích của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Làng Tre Phú An đã tập trung và bảo tồn trên 1.500 bụi tre của 17 giống, với hơn 300 mẫu Tre, Trúc, Nứa thu thập khắp trong Nam ngoài Bắc, chiếm gần 90% giống Tre ở Việt Nam: Bambusa, Dendrocalamus, Gigantochloa, Phyllostachys, Schizostachyum,Teinostachyum,... với các loài Lộc Ngộc, Mai ống, Vàng sọc, Tre Vuông, Mạy muồi, Luồng, Vầu, Trúc Cao Bằng, Tre Mét, Hóp. Đặc biệt , sau thời gian nghiên cứu, Làng Tre Phú An đã đề xuất đổi tên cây Tre - được người dân gọi theo tên thông thường là Tre tàu, thành tên Tre Nam Bộ (Gigantochloa cochinchinensis), phù hợp với tên khoa học đã được định danh bởi E.G. Camus từ những năm 1890 (nguồn gốc cây Tre này là từ Gia Định).


Ngoài ra, còn có khu vực dành cho sinh viên và các nhà nghiên cứu tìm hiểu về Tre, kỹ thuật trồng, nhân giống Tre thông qua hình ảnh và phim tư liệu… Các bộ sưu tập Tre được bố trí theo từng khu vực, với những chỉ dẫn cụ thể như tên địa phương, tên khoa học, tọa độ tìm thấy, thời gian, tên người sưu tập và bảng mô tả khoa học bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh.

Tham quan Làng Tre Phú An, du khách sẽ có cảm giác thích thú khi đi vào mê cung Tre với nhiều giống Tre lạ, quý hiếm hay dạo bước trên con đường làng mát rượi dẫn đến dòng sông Rạch Chùa uốn lượn hiền hòa hoặc nghỉ chân bên những tảng đá cuội giữa tiếng chim hót líu lo... Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học và tạo môi trường du lịch sinh thái như thế, Làng Tre Phú An còn quan tâm đến đời sống của bà con địa phương, từ việc tổ chức các buổi hội thảo nhằm giúp người dân nhận thức sự tác hại của các loại rác  thải và lý do phải bảo vệ môi trường… đến việc hướng dẫn họ cách cải tạo môi trường cùng đất trồng trọt, làm du lịch sinh thái, tiếp đãi khách bằng những sản vật địa phương và cả việc tổ chức dạy tiếng Pháp miễn phí cho trẻ em từ môi trường thực tế.

Hiện nay, Làng Tre Phú An đã hình thành mô hình trồng rau an toàn để có thực phẩm sạch từ những vật liệu đơn giản và đang nghiên cứu để phát triển trồng nấm từ lục bình, vừa có thực phẩm vừa giải quyết được vấn nạn lục bình trong sông. Sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền, đã tạo cho đa số người dân địa phương bắt đầu có ý thức về việc bảo vệ môi trường sinh thái là bảo vệ cuộc sống và hạnh phúc của chính mình.


Ngày 21-9-2010, Làng Tre Phú An đã trở thành một ngôi làng mang tầm vóc quốc tế khi được UNDP trao giải thưởng Xích đạo (Prix Equateur) về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển  bền vững cho cộng đồng, trở thành một trong 21 ngôi làng trên thế giới được trao giải thưởng này.


Hiện nay, TS. Mỹ Hạnh đang ấp ủ 2 nguyện vọng nhỏ nhưng hứa hẹn sẽ đem lại kết quả to lớn cho mọi người. Đó là phát triển phong trào trồng Tre kiểng cho mọi gia đình tại TPHCM. Mỗi bụi Tre kiểng trồng trong chậu để ở góc nhà hay hành lang trên lầu có thể hấp thu được 3kg CO2. Như vậy, nếu vận động được 1 triệu người trồng 1 triệu bụi Tre kiểng sẽ giảm được 3 triệu kg CO2 cho môi trường sống, phóng thích được 18.000 tấn Oxygen cho chính chúng ta và người thân của mình.

Việc thứ 2 là giới thiệu hoạt động Lớp học Xanh ở Làng Tre thông qua “CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC YÊU MẾN THIÊN NHIÊN VÀ KỸ NĂNG SỐNG” (LOVE NATURE & LEARNING FOR LIFE - NALI), nhằm giúp cho học sinh nâng cao khả năng quan sát, yêu mến thiên nhiên và xây dựng lòng yêu nước cho trẻ em với hình bóng Tre quê nhà.


Xây dựng được một vườn thực vật xứng tầm quốc tế đã khó, bảo tồn và phát triển lại càng khó hơn. Nhưng nhìn cách TS. Mỹ Hạnh say sưa nói về từng cây Tre trong ngôi làng này, dường như tâm huyết dành cho Làng Tre Phú An trong cô vẫn còn nguyên vẹn như lúc đầu - dù con đường phía trước vẫn còn khá nhiều gian nan đang chờ đợi, như muốn thử thách tình yêu và sự cống hiến của cô dành cho đất, cho người và cho cây Tre Việt Nam.

VÀI NÉT VỀ TS. DIỆP THỊ MỸ HẠNH


- Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật môi trường thuộc Đại học Paris 12 Val de Marne (Pháp) hạng tối danh dự.
- Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, vì sự nghiệp giáo dục và bảo tồn đa dạng sinh học (2009).
- Giải thưởng Xích đạo UNDP (2010). - Đại Học Quốc gia TP HCM trao tặng danh hiệu cán bộ giảng dạy và nghiên cứu xuất sắc (2010).
- Chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu trọng điểm về tre, biến đổi khí hậu của Đại học Quốc Gia TP HCM, đề tài SEP Tre Đông Dương với IRD Pháp và hợp tác song phương với Đại học Savoie, với các kết quả đạt hạng xuất sắc.

Thực hiện : Trúc Thụy

Theo Ngày Mới Sài Gòn - NXB Thanh Niên

 

Từ khóa : Làng tre Phú An,Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh