Doanh nghiệp du lịch đương đầu thử thách mới
Các hoạt động du lịch gần như phải ngủ đông khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 bùng phát vào đầu mùa hè, mùa cao điểm du lịch nhất năm của ngành công nghiệp không khói nên đã tác động trực diện tới tất cả các công ty du lịch.
Chênh vênh
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Công ty AZA Travel tính tuyển thêm nhân viên để mở rộng khi du lịch trong nước có dấu hiệu "hồi" lại nhưng kế hoạch này đã phải dời lại. Ông Nguyễn Tiến Đạt – Ceo AZA Travel - cho hay, nhiều dịch vụ mới được doanh nghiệp triển khai để đón mùa vàng du lịch dịp hè, nhưng mọi thứ lại bị “đóng băng”. Bán được tour cho một khách đã vất vả, giờ cả nghìn khách huỷ, cảm giác lúc này là oải. “Sau những "cú đấm bồi liên tiếp" từ các đợt dịch trước, sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ, lữ hành và cả sản xuất vốn đã yếu, nay lại thêm lao đao”- ông Đạt bày tỏ.
Các hoạt động du lịch phải tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19 |
Hiện, tất cả các tour khởi hành trong tháng 5 của AZA Travel với hơn 1.000 khách hàng đã tạm hoãn và hủy. Công ty này cũng đang nỗ lực, làm việc hết công suất để giải quyết ổn thỏa cho tất cả các khách hàng, đảm bảo khách hàng không bị mất tiền và sẽ được bảo lưu tiền để có thể sử dụng dịch vụ hoặc chuyển đổi sang các tour khác sau khi dịch được kiểm soát. Ngoài ra, đa số các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng là đối tác của AZA Travel đã có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch cũng như khách hàng.
Tại Công ty VietSense Travel, ngay từ sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp này đã dành toàn bộ nguồn lực, tâm huyết để chuẩn bị hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới với mức giá hợp lý nhằm đón đầu mùa du lịch hè 2021 với tất cả niềm tin, hi vọng sẽ có một “mùa vàng bội thu” nhằm cứu vãn chút ít những mất mát sau 3 đợt “sóng thần” Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, VietSense Travel không có giao dịch mới. Đau đầu hơn là gần 1.000 khách hàng tham gia các tour khởi hành trong tháng 5 đều yêu cầu hoãn, hủy tour. Ông Nguyễn Văn Tài - CEO VietSense Travel - cho hay, vì nguồn lực đã cạn kiệt nên doanh nghiệp buộc phải cho một số nhân viên tạm nghỉ, chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt để làm việc với các đối tác nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho khách hàng.
Có thể thấy, đợt Covid-19 thứ tư đang khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành thiệt hại rất nặng nề, do đã có sự đầu tư rất lớn vào công tác marketing, quảng cáo, chi phí nhân sự... Cùng với đó là chi phí thuê văn phòng và những chi phí để hỗ trợ cho du khách hoãn, hủy tour. Nhiều doanh nghiệp còn lo ngại, nếu dịch kéo dài thị trường sẽ đóng băng đến hết tháng 6, 7, 8, trong khi các hãng hàng không cũng như khách sạn chưa có chính sách hỗ trợ gì cho tour khởi hành thời điểm sau 31/5.
Trước thách thức mới, Lux Group - vốn là doanh nghiệp khá tiềm lực của ngành du lịch khi vững vàng đi qua 3 mùa dịch bùng phát, nhưng với đợt dịch này, CEO Lux Group Phạm Hà đã bộc bạch rằng, ông cảm thấy thật sự chênh vênh, bởi, liên tiếp các đợt dịch bùng phát đã khiến doanh nghiệp sắp hết tài sản. “Con thuyền” càng lớn theo ông Phạm Hà thì càng bị tác động mạnh. “Là lãnh đạo doanh nghiệp có 250 nhân sự, kể từ khi Covid-19 ập đến, tôi đã phải đưa ra vô số quyết định từ táo bạo, đau đớn đến mạo hiểm, được tính theo ngày, theo tuần”- ông Hà chia sẻ.
Thay đổi để tồn tại
Nhìn ở khía cạnh khác, theo nhiều chuyên gia du lịch, dịch Covid-19 có thể không phải “kẻ hủy diệt” mà nó đặt ngành công nghiệp không khói vào thế buộc phải chuyển mình, thậm chí thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh nhạy thích ứng với các tác động; tăng tốc chuyển đổi số, cơ cấu lại guồng máy hoạt động…
Ông Đạt - chia sẻ, AZA Travel đang tiếp tục động viên tinh thần nhân viên trong công ty, quyết tâm bám trụ với nghề, đợi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Để làm được điều đó, lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục cơ cấu công ty nhỏ gọn, chính sách quản trị linh hoạt và hiệu quả để sống chung với đại dịch. Đồng thời, liên tục xây dựng những kịch bản phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Khi dịch bệnh bùng lên, AZA Travel sẽ lập tức thu hẹp hoạt động và tạm thời ngủ đông. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi lại lập tức tăng tốc.
Đồng quan điểm, CEO Lux Group xem tác động của dịch Covid-19 như là dịp để doanh nghiệp nhìn lại mình, cấu trúc lại, tạo những sản phẩm tốt hơn cho mùa tới, đào tạo thêm, nâng cao năng lực, kỹ năng, hiểu biết, đặc biệt là thái độ phục vụ khách của nhân viên. Ông Phạm Hà - cho rằng, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, ngay cả việc co cụm lại cũng không giúp giữ được doanh nghiệp nên các nhà kinh doanh buộc phải thay đổi. "Nếu như trước đại dịch, chúng tôi khá thụ động, bởi chỉ tập trung khai thác dòng khách quốc tế. Tuy nhiên, dịch bệnh đến đã chặn đứng luồng khách quốc tế buộc chúng tôi phải thay đổi và trở lên linh hoạt hơn, đa di năng hơn trong lĩnh vực du lịch nội địa, vận tải, du thuyền sang trọng. Đây chắc chắn là con đường mà chúng tôi cần tiếp tục triển khai"- ông Hà nói.
Cùng với chiến lược dài hơi, trước mắt, để có "sức khỏe" để chống chọi với dịch bệnh tại AZA Travel một phần nhân sự chuyển sang sản xuất và kinh doanh bia thủ công Euro Beer chính giám đốc điều hành. Do nguồn cầu là nhà hàng, khách sạn sụt giảm, công ty này đã chuyển sang bán online, chuyển đến tận nhà cho khách hàng. Phản ứng của thị trường rất tốt, AZA Travel còn lên kế hoạch tuyển cộng tác viên bán bia trong chính nhân sự ngành du lịch. “Chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với những người làm du lịch tạm chuyển sang bán hải sản, chế biến đồ ăn sẵn để họ bán đồ ăn kèm bia, còn mình quảng cáo đồ ăn cho họ hoặc bán bia kèm đồ ăn để khách mua được đồ ăn và đồ uống đều ngon” - ông Đạt cho biết.
Còn CEO VietSense Travel thì tập trung kinh doanh nhà hàng ăn uống, cũng chủ yếu bán cho khách mang về, bán online, ship tận nhà cho thực khách. Theo ông Nguyễn Văn Tài, dù mang về lợi nhuận rất nhỏ, vì trong kinh doanh nhà hàng, bán đồ uống mang về lợi nhuận cao nhất thì lại không thể làm được vì khách hàng thường đã chuẩn bị ở nhà. Covid-19 bùng phát nhanh như vậy nằm ngoài sự tính toán của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, cơ hội kinh doanh nhà ở Việt Nam vẫn rất lớn, nên doanh nghiệp vẫn tiếp tục chuyển sang kinh doanh thêm lĩnh vực này.
Mặc dù các doanh nghiệp đang rất kiên cường, cố gắng không bỏ cuộc và quyết tâm không gục ngã, song để có thể bật dậy khi dịch được kiểm soát, họ cũng đang cần sự quan tâm, tiếp sức rất lớn từ nhà nước. Ông Nguyễn Văn Tài - cho hay, hiện doanh nghiệp đang được hưởng chính sách giãn nộp thuế 5 tháng và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp gần như không có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp du lịch vì kinh doanh thua lỗ thì không có lời để nộp thuế. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế VAT cho các đơn vị du lịch, nhất là các công ty lữ hành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có những chính sách thiết thực hơn nữa đến các lao động ngành du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng vay vốn để giữ lực lượng lao động nòng cốt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong Chính phủ có những cơ chế giúp họ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, dễ dàng, sát thực tế hơn. Bởi thực tế các gói hỗ trợ đã có nhưng doanh nghiệp du lịch chưa chạm được vào. Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đề nghị Chính phủ cho tháo khoán khoản ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế 500 triệu đồng hoặc có cơ chế, chính sách dùng số tiền đó làm tài sản để đảm bảo cho doanh nghiệp vay lại từ ngân hàng để có nguồn tiền duy trì hoạt động.
CEO AZA Travel thì kiến nghị, các đối tác như hàng không, khách sạn, nhà hàng có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho những tour khởi hành trong tháng 5 rồi nhưng với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp thì cũng xem xét gia hạn hoặc bảo lưu các tour đã gặp trong tháng 6 tháng 7 để hỗ trợ khách hàng, cũng như các công ty du lịch. “Tôi nghĩ rằng, đây là việc rất cần thiết để đảm bảo uy tín của tất cả các bên cũng như sự hợp tác về lâu dài. Đồng thời, tạo niềm tin cho khách hàng để người Việt sẵn sàng xách ba lô lên và đi ngay khi dịch bệnh được kiểm soát”- ông Đạt nói.
Từ khóa : Doanh nghiệp du lịch, thử thách mới