Tổng Liên đoàn Lao động nói gì khi doanh nghiệp “than” đóng BHXH quá cao?
BizLIVE - Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cho người lao động trên nền lương thấp nên tỷ lệ đóng hơn 32% không phải là cao.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: GVP |
Ngày 8/6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.
Về ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cộng đồng doanh nghiệp “than vãn” về tỉ lệ đóng bảo hiểm cao (hơn 32%) gây khó cho doanh nghiệp, Phó tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cho người lao động trên nền lương thấp.
Theo ông Mai Đức Chính, hiện doanh nghiệp chỉ đóng bằng mức lương tối thiểu vùng, ví dụ mức này là 3,5 triệu đồng, cộng thêm 7% chi phí qua đào tạo là 3,6 triệu. Việc này là hợp pháp, nhưng 30 năm sau người lao động chỉ được hưởng tối đa 75% của mức lương này thì mức sống thấp, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Ở góc độ công đoàn, doanh nghiệp làm 2 bảng lương, một là bảng lương tối thiểu gửi cho BHXH, còn bảng lương quyết toán thuế trả cho người lao động hiện nay là 5,5 triệu đồng, ở TPHCM và Bình Dương là 6,5 triệu đồng. Khoảng chênh lệch 2 triệu đó đã chiếm 22% thu nhập, do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị doanh nghiệp đóng quyết toán thuế bao nhiêu thì đóng cho BHXH bấy nhiêu trên nền lương.
Ngoài ra, ông Chính cho rằng, BHXH cần phải liên thông về số liệu thu nhập với cơ quan thuế nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và nguồn thu của BHXH. “Nếu doanh nghiệp làm đúng thì người lao động sau 30 năm nữa mới có lương đủ sống”, ông Chính khẳng định.
Về vấn đề này, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết, cơ quan này đang cùng Bộ Tài chính, cơ quan thuế phối hợp, thí điểm thu hộ BHXH ở 5 tỉnh và trên cơ sở đó sẽ nhân rộng trên toàn quốc.
Nợ BHXH đã tăng lên gấp đôi năm trước
Theo ông Đỗ Văn Sinh, tính đến hết tháng 5/2016, cả nước mới có 12,3 triệu người tham gia BHXH, chiếm 23,3% lực lượng lao động và 10,5 triệu người tham gia BHTN, chiếm 19,6% lực lượng lao động.
Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định BHXH Việt Nam không có thẩm quyền khởi kiện nợ BHXH nên Tòa án không giải quyết các đơn kiện của BHXH. Do vậy, theo ông Sinh, trong 5 tháng đầu năm, nợ BHXH đã lên tới 14.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015.
Ông Sinh cho biết, phải đợi tới 1/7 khi Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thì Tòa án mới chấp nhận lại đơn kiện của BHXH Việt Nam. Do đó trong khoảng thời gian “trống” pháp lý này, các doanh nghiệp đã gia tăng tình trạng nợ BHXH.
"Qua các đợt khảo sát do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốcViệt Nam phối hợp với bộ, ngành mấy năm qua thấy, do không giao chỉ tiêu cụ thể nên lãnh đạo một số địa phương “lơ là” trong thực hiện chỉ tiêu này", ông Đỗ Văn Sinh cho biết.
Trong khi đó ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ BHXH đạt dưới 10%, do đó chỉ tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH là thách thức rất lớn.
Ông Diệp phân tích, số lao động có tiền lương, tiền công mới chiếm 41% lực lượng lao động, trong khi có khoảng 50% là lao động ở khu vực phi kết cấu (những đơn vị sản xuất kinh doanh có dưới 10 lao động, hoạt động hợp pháp nhưng có thể không đăng ký, đa số là các doanh nghiệp mang tính gia đình hoặc có thuê một ít lao động bên ngoài, lao động ít qua đào tạo chính quy, vốn ít - PV).
Bộ luôn cập nhật bảng lao động thì thấy mỗi quý thêm nửa % vào số lao động có quan hệ tiền công, tiền lương. Do đó, một năm chỉ tăng khoảng 2% và 3 năm nữa thì chưa đạt tới 50% người lao động ở khối có tiền lương”.
Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc thực hiện chỉ tiêu của Bộ Chính trị là khó khăn và đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết, giao chỉ tiêu bắt buộc thực hiện BHXH với người lao động.
Đối với phát triển bảo hiểm thất nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng BHXH Việt Nam không nên quá coi trọng việc chi trả mà phải tìm các giải pháp để giữ người lao động trong hệ thống, chứ không để họ rời hệ thống bảo hiểm.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành chủ động rà soát, tích cực hoàn thiện sớm hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH và BHYT (sửa đổi).
Theo MẠNH NGUYỄN (BizLive.vn)
Từ khóa : Tổng Liên đoàn Lao động,BHXH