Cách nào để xuất khẩu hàng Việt đón đầu xu thế hậu Covid-19?
Gần đây khi đại dịch dần được khống chế tại nhiều quốc gia trên thế giới đã tạo lực cầu lớn, giúp thị trường xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trong các ngành hàng nông, thủy sản, gỗ… tăng trưởng mạnh hơn. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, vấn đề cần quan tâm của doanh nghiệp lúc này đó là làm sao “nâng chất” cho sản phẩm để các đối tác yên tâm, tin tưởng, từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội hậu Covid.
Xuất khẩu phục hồi rõ nét
Thông tin từ các hiệp hội thủy sản, nông sản, gỗ… cho biết, kể từ tháng 4/2021 tới nay, giá trị xuất khẩu hàng Việt đi các thị trường đã tăng mạnh trở lại, đặc biệt là tại thị trường Mỹ, EU. Đơn cử với thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, xuất khẩu tôm sang Mỹ 5 tháng đầu năm đạt 270 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ; với cá tra cũng đang trên đà phục hồi khi đạt mức tăng 136% trong tháng 4 và tăng khoảng 200% trong tháng 5, đạt 33 triệu USD, đưa kết quả 5 tháng đầu năm 2021 lên 135 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ. Cùng với Mỹ, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU tháng 5 tiếp tục tăng 30%, đạt gần 95 triệu USD, sau khi tăng mạnh 36% trong tháng 4 với 97 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang EU đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra gần đây có nhiều tín hiệu tốt hơn |
Phân tích nguyên nhân những thị trường này có xu hướng tăng trở lại, đại diện của VASEP chỉ ra: Việc triển khai nhanh và rộng rãi chiến dịch tiêm phòng Covid cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời đã mang lại động lực để nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các nước này hồi phục “thần tốc” không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí… Ngoài ra, sau một thời gian bị “kìm nén” do hạn chế, giãn cách chống Covid, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng “bùng nổ” không chỉ với những mặt hàng như tôm, cá ngừ, cá hồi vốn là sở thích và thói quen tiêu dùng của họ mà sẽ tăng mạnh với cả các loài thủy sản khác như cá tra, mực, bạch tuộc, cua ghẹ…
Tương tự, với ngành hàng gỗ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu nhóm hàng này đạt 6,63 tỷ USD, tăng mạnh 62% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 5,13 tỷ USD, chiếm 77,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, tăng 80,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ khi chiếm tới 60,6% với 4,02 tỷ USD, tăng 99,4% so với cùng kỳ năm trước.
“Các công trình xây dựng ở những thị trường này vẫn tiếp diễn; dịch bệnh khiến người dân ít ra đường chính vì vậy, người tiêu dùng thế giới có thêm thời gian và nguyện vọng mua sắm, tìm kiếm các sản phẩm, đồ gỗ nội thất trên mạng. Những yếu tố đó khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường”, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) - chia sẻ.
Trong khi đó, với hàng nông sản, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, kể từ tháng 4/2021 tới nay, lượng hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi nhu cầu thị trường đang tăng trở lại. “Chúng tôi đã làm việc với nhiều doanh nghiệp và họ đều lạc quan về những đơn hàng trong các tháng tới. Từ đó các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị về nguồn cung nguyên liệu, phương án sản xuất để đáp ứng đơn hàng ký kết với nhà nhập khẩu” - ông Nguyên thông tin.
Cách nào đón đầu cơ hội?
Theo các chuyên gia, mặc dù nhu cầu thị trường đang phát đi những tín hiệu lạc quan hơn song có một số thay đổi trong xu hướng tiêu dùng mà doanh nghiệp Việt phải lưu ý. Cụ thể, sau cú shock Covid-19, người tiêu dùng tại EU, Mỹ ngày càng quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như các yếu tố liên quan đến vấn đề lao động trẻ em. Theo đó, khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh và đảm bảo lợi ích cho người lao động. Nắm bắt yêu cầu đó, các “ông lớn” đầu ngành như Minh Phú, Thuận Phước, Việt Úc… tăng tốc đầu tư nhà máy chế biến thủy sản, đồng thời chú trọng vùng nguyên liệu đạt chuẩn để nâng chất lượng thủy sản.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Cẩn - Phó Tổng giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Việt Úc - cho biết: Trong giai đoạn này, tập đoàn chú trọng vào đầu tư cho công nghệ, liên tục cập nhật, nghiên cứu các giải pháp công nghệ trong nuôi trồng. Mục đích không chỉ nâng cao chất lượng tôm giống qua từng thế hệ, mà còn mang đến các giải pháp công nghệ, mô hình nuôi phù hợp cho bà con. Theo ông Cẩn, điều Việt Úc mong muốn là lan tỏa thành công đến với bà con nuôi nhiều hơn, để cùng nhau chung tay nâng tầm tôm Việt trên thị trường thế giới.
Hay với lĩnh vực nông sản, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, kể từ khi dịch bùng phát xu thế sử dụng trái cây ở nhiều thị trường có sự thay đổi nhiều hơn. Theo đó người tiêu dùng không còn mua số lượng nhiều mà mua theo bao gói nhỏ. Vì thế doanh nghiệp Việt đã có hướng thích nghi như: Không xuất khẩu nguyên trái mà chia bao gói nhỏ để dễ sử dụng hoặc chế biến nông sản đông lạnh thay vì xuất tươi để bảo quản được lâu hơn. “Nhiều doanh nghiệp nông sản đã lên kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến sâu trong giai đoạn tới để đón đầu cơ hội của thị trường đang tăng lên; đồng thời đây cũng là hướng thích nghi hậu Covid” - ông Nguyên cho biết thêm.
Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các thị trường như EU, Mỹ đã tăng khả quan trong mấy tháng trở lại đây. Cụ thể tại EU - trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 12,55 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được cho là kết quả của việc doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Còn tại thị trường Mỹ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam sang quốc gia này đạt 37,6 tỷ USD, tăng mạnh 49,8% so với cùng kỳ. Các mặt hàng tăng trưởng mạnh gồm gỗ, thủy sản, dệt may… |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Từ khóa : xuất khẩu hàng Việt, hậu Covid-19