Kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa Ấn Độ- Tiểu vùng sông Mekong

Ngày 19/8, với vai trò đối tác chính thức, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tham gia Chương trình kết nối giao thương Ấn Độ- Mekong seri 1: Thương mại xuyên biên giới.

Chương trình nhằm mục đích tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại giữa Ấn Độ và các nước GMS (Tiểu vùng sông Mekong mở rộng - Thái Lan, Việt Nam và Campuchia) và nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kết nối Ấn Độ - Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Chương trình được thiết kế để cung cấp hỗ trợ đào tạo, cố vấn và kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ở những vùng này. Phiên kết nối đầu tiên “Thương mại xuyên biên giới” là nơi các SME và khách mời tham gia có cơ hội kết nối với các nhà xuất nhập khẩu, nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ và chuyên gia EXIM từ Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia.

Phát biểu tại sự kiện, ông Sanjay Bhatia, Đại diện Liên đoàn các Phòng Thương mại và công nghiệp Ấn Độ, nhấn mạnh, SME ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia tại Ấn Độ và toàn cầu. SME đang đóng góp 40% GDP ở các quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi và có thể cao hơn nữa trong các thị trường khác nếu tính toán cả những thành phần kinh tế khác.

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19 nhiều SME đã bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều doanh nghiệp (DN) trong số đó đã không thể đứng vững do thiếu nguồn vốn. Chính phủ các nước đang hỗ trợ các DN này bằng nhiều cách. Chung bối cảnh đó, thời điểm hiện tại, các SME tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Ấn Độ cần hợp tác, tìm ra phương thức kinh doanh mới phù hợp, nhằm tăng cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế và gia tăng lợi nhuận của DN. Tình hình thị trường đang bị thu hẹp, ngoài sự hỗ trợ từ phía các Chính phủ bằng chính sách khuyến khích, bản thân các SME cần cải thiện nâng tầm chất lượng sản phẩm.

Kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa Ấn Độ- Tiểu vùng sông Mekong

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Ấn Độ và các nước Tiểu vùng sông Mekong

 

Tại sự kiện, bà Bùi Thị Thanh An- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) cũng đã nêu những điểm cơ bản của SME Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có khoảng 700.000 SME, chiếm khoảng 97,5% tổng số DN đang hoạt động thực tế, đóng góp tới 45% trong GDP, đóng góp trên 31% tổng số thu ngân sách nhà nước và thu hút hơn 5 triệu lao động. SME đã có mặt ở hầu hết các vùng, địa phương, tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ. Mặc dù có số lượng áp đảo song cũng là khu vực gặp nhiều thách thức về cạnh tranh và dễ bị tổn thương trong thương mại quốc tế nhất là độ mở nền kinh tế và mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam rất cao.Theo bà Alka Nangia Arora, Thư ký chung, Bộ MSME, Chính phủ Ấn Độ, Bộ MSME của Ấn Độ cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho các SME. Trong đó hình thành trung tâm xúc tiến xuất khẩu dành cho SME với hướng dẫn cụ thể. DN sẽ biết cụ thể cần làm gì, xu hướng thị trường hiện nay như thế nào. Cơ quan này cũng xây dựng hệ thống thu thập thông tin thương mại toàn cầu, cố gắng mang lại nhiều nhất thông tin cho DN.

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các SME và đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của DN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh nguồn lực của Chính phủ Việt Nam còn hạn chế, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các thể chế quốc tế nhất là các định chế lớn như Ngân hàng phát triển châu Á.

Đối với thị trường Ấn Độ, lãnh đạo Cục XTTM cũng cho biết, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng tưởng mạnh mẽ, với những kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ có bước tăng trưởng tích cực trong ba tháng đầu năm 2021 đạt 3,3 tỷ USD tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tiếp tục giữ được đà tăng trưởng như hiện tại, thương mại song phương giữa hai nước sẽ đạt hơn 13 tỷ USD trong năm nay.

Khẳng định mục tiêu của Chính phủ Thái Lan trong tương lai là phát triển SME, tạo môi trường bền vững để DN các quốc gia có thể hợp tác với nhau một cách chặt chẽ. Thái Lan luôn là cánh tay đắc lực hỗ trợ cho các quốc gia và đưa ra sang kiến mới, ông Adul Chotinisakorn- Nguyên Vụ trưởng Vụ Ngoại Thương, Bộ Thương mại Thái Lan, cho rằng, một trong cách dễ nhất giúp SME Ấn Độ hợp tác với DN Thái Lan là thông qua xuất khẩu. Thành lập cổng thông tin trực tuyến dành cho SME để giúp DN Ấn Độ có được thông tin về bên mua bên bán từ phía Thái Lan. Ngoài ra, Thái Lan định hướng đẩy mạnh hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng giúp DN Ấn Độ thuận lợi hơn khi hợp tác với DN Thái Lan.

Từ kinh nghiệm thực tế và hiệu quả đạt được trong hỗ trợ các SME tại Campuchia, đại diện Bộ Thương mại Campuchia, chia sẻ, Campuchia có 13 tổ công tác, mỗi tổ tập trung vào 1 lĩnh vực khác nhau, vấn đề lớn nào không được giải quyết được tại cấp độ tổ công tác sẽ được chuyển lên Thủ tướng Chính phủ; có cơ chế phối hợp giữa thương vụ và phòng thương mại, do vậy những vấn đề liên quan đến thuế, hải quan, xuất nhập khẩu sẽ được giải quyết nhanh chóng và trực tiếp.

Chính phủ Campuchia tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên, đồng thời là những ngành quan trọng để thúc đẩy phát triển SME: Ngành sản xuất thiết bị y tế, bao bì đóng gói… Ngoài ra, quốc gia này cũng tập trung vào nông nghiệp, du lịch, xây dựng và bất động sản…Với Ấn Độ , Campuchia đang hợp tác nhiều trong ngành nông nghiệp, chế biến dược phẩm và có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác.

SME trong khu vực đã có nhiều mối quan hệ đầu tư hợp tác song phương với sự hỗ trợ của các Chính phủ. Chúng ta tiếp tục có cơ hội hỗ trợ SME phát triển hơn thông qua các phương pháp tiếp cận tốt, trong đó có chương trình giao thương ngày hôm nay. Sự kiện này vừa giúp phát triển SME vừa có được mối quan hệ giữa các quốc gia khác nhau và chuẩn bị 1 kế hoạch tốt nhất cho phát triển kinh tế, đại diện Ngân hàng phát triển châu Á nhấn mạnh.

 Theo Việt Nga (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ấn Độ, Tiểu vùng sông Mekong