Khơi thông nguồn lực từ doanh nghiệp kiều bào

5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ là cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đây còn là cầu nối quan trọng để truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tân tiến, xanh, bền vững.

5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ là cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đây còn là cầu nối quan trọng để truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tân tiến, xanh, bền vững.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các địa phương kết nối cung cầu hàng hóaKết nối cung cầu cho các sản phẩm nông sản đạt chứng nhận sinh thái công bằng

"Cầu nối" từ doanh nghiệp kiều bào

Chia sẻ tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức tối ngày 14/2, ông Diệp Văn Tỷ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Thực phẩm East Asian Food tại Thụy Điển – cho hay, các sản phẩm nông sản Việt Nam những năm gần đây đã dần có mặt nhiều hơn trên thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng.

Diễn đàn
Diễn đàn kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp tại đầu cầu Bộ NN&PTNT

Tuy nhiên, Thụy Điển cũng như các nước Bắc Âu là các nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, là thị trường tiềm năng, nhưng dân số ít, thị trường tiêu thụ quá nhỏ, mức cầu không nhiều nếu so sánh với các thị trường khác. Ngoài ra, vị trí địa lý xa, thời gian vận chuyển dài, chi phí vận tải cao, và khó nhập khẩu các sản phẩm tươi sống. Do vậy, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu hàng lẻ, số lượng ít dẫn đến chi phí cao, không mang lại hiệu quả kinh tế.

"Để giải quyết vấn đề này, Hội chúng tôi đang lên kế hoạch kêu gọi đầu tư trung tâm hàng Việt Nam tại thành phố Malmo để tập trung nhập khẩu hàng Việt Nam số lượng lớn, rồi tiếp tục phân phối cho các nước Bắc Âu hay các nước châu Âu khác, như vậy mới có thể giảm giá thành, giúp hàng Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại khu vực này. Chúng tôi rất mong Bộ NN&PTNT có thể giới thiệu các doanh nghiệp nông sản lớn có thể cùng chung tay với chúng tôi thực hiện dự án này" - ông Tỷ đề xuất.

Ngoài ra, việc cải thiện hình thức, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm cũng cần được nhà nước quan tâm để cạnh tranh với các hàng hóa cùng chủng loại của các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Về vướng mắc khi đầu tư về Việt Nam làm nông nghiệp, ông Diệp Văn Tỷ đánh giá, việc này khá khó khăn do quy chế và quy trình qua quá nhiều trung gian và sản phẩm khi đến được tay người mua cuối thì giá quá cao. Việc quản lý và tổ chức khâu sản xuất và tiêu thụ đầu ra chưa hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư. “Ở Thụy Điển, họ sắp xếp việc sản xuất theo thế mạnh của vùng miền và đảm bảo tính độc quyền. Ở Việt Nam thì khác, cùng một sản phẩm có quá nhiều nhà sản xuất. Một sản phẩm nếu ước thấy việc khả thi thì ai ai cũng đổ xô làm, dẫn đến cung nhiều hơn cầu. Vì thế các nhà đầu tư trên thực tế họ không nhìn thấy tính khả thi về kinh tế”, ông Diệp Văn Tỷ nếu ví dụ.

Còn theo TS. Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, Việt Nam có nguồn nông lâm sản phong phú, đa dạng, có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu vào các nước châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp trong nước ngoài việc bán hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp của các nước sở tại, cần phải hướng tới chinh phục được thị trường này. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường, pháp luật, văn hóa… “Cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu sẽ là nguồn thông tin hết sức quý giá, sẵn sàng cung cấp thông tin xác thực, nhanh chóng cho các doanh nghiệp trong nước, sẵn sàng là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các đơn vị phân phối ở châu Âu”, ông Hoàng Mạnh Huê cho hay.

Hiện nay mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các doanh nghiệp đang đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Để giải quyết việc này, ông Hoàng Mạnh Huê cho rằng, cần phát huy vai trò tổ chức, Hiệp hội ngành nghề trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp người Việt ở châu Âu. Về phía các cơ quan quản lý, nên tạo một trung tâm dữ liệu chung để các kiều bào và doanh nghiệp có thể truy cập để trao đổi thông tin được chặt chẽ, thuận lợi. Ngoài ra, cần tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ. “Hiện, đã có hệ thống trung tâm thương mại ở hầu hết các nước Đông Âu, trong các trung tâm thương mại này có người chủ là người Việt Nam, 80% doanh nghiệp hoạt động trong đó là người Việt, trong khi hàng hóa Việt Nam được bày bán ở đây chỉ chiếm 10-15%, đây là lợi thế rất lớn mà các doanh nghiệp cần tận dụng, cải thiện”, Hoàng Mạnh Huê nêu vấn đề.

Đánh thức tiềm năng nguồn lực từ kiều bào

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỉ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – nhận định, dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước. Đóng góp của kiều bào còn phải kể đến tri thức và kinh nghiệm quý báu đang giúp ngành nông nghiệp chuyển mình thông qua chia sẻ và đưa nhưng công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp.

Ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – đánh giá, các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp khẳng định, đây là thời điểm vàng để bà con kiều bào tại các nước kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam. Bởi lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại… giúp mở rộng cánh cửa thị trường đối với lĩnh vực nông nghiệp. Đó là điều kiện rất tốt để Việt Nam đưa nông sản sang các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Bà con Việt kiều chính là cầu nối, kết nối, thổi hồn những giá trị văn hóa của người Việt vào trong các sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa của Việt Nam. Đây không chỉ là câu chuyện về mối quan hệ tình cảm quê hương mà cả những người sản xuất trong nước cũng như Việt kiều trên các nước đều có thể hưởng lợi từ nguồn nông sản rất có giá trị của Việt Nam.

“Chúng tôi rất mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia Mỗi làng một sản phẩm của Việt Nam; đây là sản phẩm có tiềm năng, có chất lượng và mang đậm nét văn hóa bản sắc của vùng miền nông thôn Việt Nam”, ông Trần Thanh Nam cho biết.

Nguyễn Hạnh
Theo congthuong.vn

Từ khóa : nguồn lực, doanh nghiệp kiều bào