Tại sao các công ty lớn và lâu đời lại khó thành công khi phát triển sản phẩm công nghệ?
Sẽ ra sao nếu một ngày đẹp trời, ban lãnh đạo của một công ty đã IPO tuyên bố với cổ đông của mình rằng họ sẽ cắt giảm lãi của mình, thậm chí chấp nhận lỗ để phát triển một sản phẩm mới? Liệu có bao nhiêu cổ đông sẽ hưởng ứng điều này?
Trước Covid, từ khóa “chuyển đổi số” nói chung và việc dịch chuyển các mô hình kinh doanh từ offline sang online vốn đã rất hot. Sau covid, nhu cầu này còn tăng cao hơn nữa, vì hành vi người dùng cũng bắt đầu có sự thay đổi mạnh mẽ. Những tưởng các công ty truyền thống với nguồn vốn, dòng tiền khủng mới là những người có lợi thế trong sự thay đổi này. Nhưng thực tế, cuộc chơi đa phần lại bị dẫn dắt bằng những công ty thấp bé nhẹ cân với tuổi đời non trẻ. Ở Mỹ có rất nhiều bài học như thế ví dụ như Walmart vs Amazon hay các công ty ô tô như Ford, GM vs Tesla v..v... Ở Việt Nam cũng không thiếu bài học như Mai Linh, VinaSun vs Grab. Bài viết dưới đây phần nào có thể giải thích lý do chính của nghịch lý trên.
1. Nguyên nhân bởi sự kỳ vọng
Ông chủ Jeff Bezos của Amazon từng bày tỏ rằng, các quyết định của công ty thường dựa vào việc dẫn đầu thị trường mới chứ không quan tâm đến lợi nhuận hay giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Thật vậy. Sẽ ra sao nếu một ngày đẹp trời, ban lãnh đạo của một công ty đã IPO tuyên bố với cổ đông của mình rằng họ sẽ cắt giảm lãi của mình, thậm chí chấp nhận lỗ để phát triển một sản phẩm mới? Liệu có bao nhiêu cổ đông sẽ hưởng ứng điều này? Ở Việt Nam cũng vậy. Điều này còn khó khăn hơn cả với các công ty đã lên sàn. Bởi lợi nhuận quý hay lợi nhuận năm thường là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu.
Trong khi ở các startup thì thường quan tâm đến giá trị mà họ tạo ra vì họ tin rằng sản phẩm có giá trị mới thực sự được người dùng tin tưởng và sử dụng lâu dài. Trong giai đoạn sơ khai xây dựng doanh nghiệp, các chỉ số kinh doanh mà các công ty này thực sự quan tâm rất khác với các công ty truyền thống. Ví dụ như với Uber là tổng số chuyến đi, với Tinder là số lượng “tương hợp - matching”, hay Amazon là số đơn hàng v..v…Họ chấp nhận chịu lỗ nhiều năm trời để có thể giúp người dùng tin và hiểu giá trị mình mang lại nhiều hơn quan tâm, đến việc kiếm tiền và tạo ra lợi nhuận khủng trong thời gian ngắn hạn.
Điều này cũng khiến số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm ra đời ngày càng nhiều với mục đích: giúp các startup tăng tốc nhanh hơn trong việc phát triển. Bởi hầu hết các công ty này chưa đạt đủ quy mô và lợi nhuận để có thể vay vốn ngân hàng hay nhận các khoản đầu tư tài chính khác. Họ chủ yếu đầu tư vào tầm nhìn, vào giá trị mà các startup khởi nghiệp hướng tới và lợi ích từ những cuộc cách mạng như vậy mang lại.
2. Nguyên nhân bởi tốc độ
Nếu nghĩ rằng các startup tuy xuất phát muộn nhưng về đích rất nhanh thậm chí vượt qua cả các công ty lâu đời khác là nhờ tính hiệu quả thực tế chúng ta đã rất sai. Các công ty khởi nghiệp thường chú ý tới tốc độ nhiều hơn tính hiệu quả. Trong cuốn Lean Startup (khởi nghiệp tinh gọn) thì đa phần các doanh nghiệp này tin vào việc cho ra mắt sản phẩm càng nhanh càng tốt, chỉ đến khi người dùng sử dụng nó, người ta mới đánh giá được cảm nhận và kiểm thử các giả định kinh doanh.
Trong khi đó ở các công ty lớn, lâu năm, họ sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc để đưa ra nghiên cứu báo cáo thị trường, với rất nhiều cuộc họp khác nhau để đi đến đồng thuận là có phát triển các sản phẩm mới hay không. Điều này không sai, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, sẽ có nhiều nhu cầu của khách hàng không thể được hiển thị thông qua các con số hay các báo cáo này. Thời Grab và Uber mới phát triển, liệu có ai thực sự cần đặt xe qua một ứng dụng điện thoại không? Hay họ chỉ cần đi ra đầu phố để tìm xe ôm hoặc gọi tổng đài đặt taxi?
Nên trong khi các công ty lớn còn đang loay hoay đi tìm mô hình “siêu lý tưởng” để phát triển thì các startup vẫn đang băng băng chạy hết tốc lực theo “niềm tin” của người lãnh đạo.
3. Nguyên nhân bởi sự thích nghi
Agile là một triết lý quản trị được nhiều startup áp dụng và bắt đầu được nhiều ngân hàng lớn ở Việt Nam triển khai. Triết lý này nhấn mạnh về việc việc phản ứng với các phản hồi của người dùng hơn là bám theo các kế hoạch. Thật vậy, như đã nói ở trên các công ty truyền thống mất rất nhiều công sức và thời gian để triển khai sản phẩm mới. Lỗi không phải nằm ở các công ty này mà ngành nghề truyền thống càng lâu đời thì các tiêu chuẩn của khách hàng càng cao. Do đó, các công ty này thường cố gắng phát triển đồng đều mọi thứ với nguồn lực và kinh phí lớn.
Để làm được điều này họ phải xây dựng kế hoạch chuẩn bị tiền của và con người trước đó rất lâu, đồng thời cố gắng bám rất sát kế hoạch để tránh rủi ro. Giống như mở một quán cafe vậy chúng ta phải làm tốt nhất có thể từ không gian, menu đến đội ngũ phục vụ v..v.. Nếu không khách hàng sẽ tìm đến những lựa chọn tốt hơn.
Trong khi đó ở startup họ thường tập trung ra mắt các tính năng quan trọng trước với tốc độ nhanh nhất có thể. Rồi từ đó xem đánh giá và phản hồi của người dùng để thay đổi và phát triển sản phẩm một cách phù hợp hơn. Điển hình như Facebook, ban đầu mạng xã hội này chỉ có tính năng chủ yếu là xem profile của một người khác. Sau này theo mong muốn của người dùng thì có thêm các tính năng bài post, đăng ảnh, video hay comment. Hoặc như Grab, ban đầu mảng chủ lực của công ty này là tập trung về việc gọi taxi. Sau vài năm phát triển, hiện tại, công ty này lại đang phát triển mạnh nhất ở mảng xe máy và giao đồ ăn.
Facebook ban đầu chỉ được dùng như lưu trữ danh bạ và xem profile bạn bè
Có thể nói tốc độ thay đổi và thích nghi của các công ty startup thường được tính theo tuần, thậm chí là theo ngày. Còn ở các công ty truyền thông, sự thay đổi thường diễn ra chậm hơn rất nhiều.
4.Văn hóa và con người
Ở các công ty lớn, lâu năm chúng ta thường thấy có rất nhiều quy định ngặt nghèo, thậm chí rất khắc nghiệt. Đơn giản là bởi vì họ muốn tránh các rủi ro không đáng có, ảnh hưởng đến hình ảnh trong mắt cổ đông, đại chúng. Hoặc các rủi ro liên quan đến chi phí, thất thoát ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty.
Các công ty khởi nghiệp thì lại tự do và ít quy định hơn rất nhiều. Netflix, công ty được cho rằng có môi trường làm việc tốt nhất trên thế giới đề cao tính tự do, tự chủ. Công ty này gỡ bỏ mọi quy định về công ty tác phí, thời gian làm việc, nghỉ ngơi thậm chí các quy trình làm việc họ cũng không mong muốn phải xét duyệt qua nhiều cấp. Thay vì tăng rủi ro cho công ty thì ngược lại họ nhận thấy nhân viên thường làm việc có trách nhiệm và hiệu quả cao hơn hẳn. Sau này các công ty khởi nghiệp đã học theo và phát triển các văn hóa vô cùng thú vị, độc đáo đề cao tính tự do và trách nhiệm nhiều hơn là ép buộc và yêu cầu nhân viên.
Điều này khiến cho các công ty start up tuy nhỏ nhưng có thể thu hút nhân tài, tạo lợi thế với các công ty truyền thống có tiếng vang trên thị trường tuyển dụng. Thậm chí họ còn có thể có được những nhân viên thực sự nhiệt huyết, sáng tạo không thích cảm giác gò bó khi làm tại các công ty lớn. Đặc biệt ở Việt Nam hiện nay khi ngành công nghệ thông tin bắt đầu mới được đưa vào giáo dục chưa lâu, số lượng nhân sự còn ít nên sự cạnh tranh nhân sự sẽ cao hơn những ngành được đào tạo hàng chục năm nay như ngân hàng, tài chính v..v…
Netflix cũng chứng minh rằng, việc sở hữu một đội ngũ giỏi, tính sáng tạo cao giúp công ty vượt qua rất nhiều giai đoạn khác nhau trong kinh doanh của họ ví dụ như từ giai đoạn chỉ là một website thuê DVD sang một công ty xem phim trực tuyến như hiện nay.
Kết luận
Sẽ thật thiếu công bằng khi nói các công ty lớn đều thất bại trong việc triển khai và phát triển sản phẩm công nghệ mới. Bởi có một số ngành đặc thù, với cơ chế và chính sách vô cùng nghiêm khắc thì lợi thế lại nằm ở các công ty lâu năm, ví dụ như ngành ngân hàng với các ứng dụng liên quan đến “ngân hàng số”. Hoặc một số ngành về cơ sở hạ tầng đòi hỏi đầu tư lớn về thiết bị vật chất lớn. Tuy nhiên ở các lĩnh vực mới hiện nay thì hầu hết các công ty đang vươn lên dẫn đầu lại là những “lính mới’. Nhưng ngay cả với giới startup, thì không phải công ty nào cũng thành công, và để có một công ty thành công thì cũng đã có một rừng các startup gục ngã. Điều duy nhất tích cực mà chúng ta cảm nhận được ở đây là sự cạnh tranh này mang lại các giá trị mới, thực tiễn hơn cho tất cả người dùng hiện nay.
Trần Huyền Trang
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : công ty lớn, sản phẩm công nghệ