Cuộc đua trên bầu trời: Nhìn từ những chỉ số tài chính

Những chỉ số tài chính (tại thời điểm tháng 4/2022) cho thấy bức tranh thú vị về cuộc đua giữa hai ông lớn Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Ở chỉ số tài chính đầu tiên là doanh thu thuần, số liệu cho thấy cuộc đua kể từ năm 2015 đến năm 2021, tỷ lệ giữa Vietnam Airlines và Vietjet dường như luôn cố định theo đó Vietnam Airlines luôn có mức gấp 200% Vietjet, có chăng chỉ dao động không đáng kể.

Về tỷ lệ chuyến bay đúng giờ, không có sự khác nhau giữa hai thương hiệu này. Theo đó tỷ lệ đúng giờ của Vietnam Airlines là 95%, còn Vietjet là 93,5%. Tuy nhiên trên thực tế, những con số này cũng không hoàn toàn làm yên lòng khách bay với tâm lý bị “delay”, dồn chuyến còn chưa được trút bỏ.

Tuy nhiên những chỉ số tải chính khác đã cho thấy những khác biệt rõ rệt giữa hai ông lớn của Việt Nam trên bầu trời. Tuy mang danh là hãng hàng không quốc gia song Vietnam Airlines chỉ chiếm 47% thị phần. Vietjet là hàng hàng không giá rẻ lại “sinh sau đẻ muộn” song cũng đã chiếm 32% thị phần. Bức tranh này có sự thay đổi đôi chút khi ở thời điểm 2019 phần thắng nghiêng về Vietjet.

Phân khúc trung gian với 21% thuộc về hãng Bamboo Airway và một số thương hiệu khác.

Về lợi nhuận sau thuế, đáng chú ý sự sụt giảm ở thời điểm 2019 và 2020 (khi bắt đầu có dịch Covid-19), mức sụt giảm của Vietnam Airlines khá năng nề, từ 2.537 tỷ đồng xuống tới (âm) 11.178 tỷ đồng, trong khi Vietjet từ 3.807 tỷ đồng xuống còn 69 tỷ đồng. Sang tới thời điểm năm 2021, đường cong lợi nhuận của Vietjet “ngóc” lên đôi chút, lên 100 tỷ trong khi Vietnam Airlines tiếp tục “bắt đáy” khi để âm tới 13.338 tỷ đồng.

Cuộc đua trên bầu trời: Nhìn từ những chỉ số tài chính
Cuộc đua thương hiệu trên bầu trời giữa hai thương hiệu Vietnam Airlines và Vietjet Air - Ảnh minh hoạ

Đi sâu phân tích các chỉ số tài chính khác càng thấy rõ sự khác biệt giữa hai thương hiệu hàng không này, một thương hiệu do Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, nghĩa là Vietnam Airlines phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban này, trong khi một thương hiệu do các cổ đông quản lý, nghĩa là chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Liên quan đến chỉ số ROE, chỉ số này thể hiện mức độ hiệu quả khi sử dụng vốn của doanh nghiệp, hay nói cách khác 1 đồng vốn bỏ ra thì thu được bao nhiêu đồng lời. Về mặt lý thuyết, ROE càng cao thì khả năng sử dụng vốn càng có hiệu quả. Những cổ phiếu có ROE cao thường được nhà đầu tư ưa chuộng hơn. Và tất yếu những cổ phiếu có chỉ số ROE cao cũng có giá cổ phiếu cao hơn.

Ở đây chỉ số ROE của Vietnam Airlines là (âm) 2.630% còn của Vietjet là 0,59%- một sự chênh lệch rất đáng kể.

Liên quan đến chỉ số ROA- khả năng sinh lời của tài sản, chỉ số này cho ta biết được 1 đồng tài sản của doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu ROA càng cao thì hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp càng lớn, hay nói cách khác, khả năng sinh lời của tài sản doanh nghiệp càng lớn.

Chỉ số này của Vietnam Airline là (âm) 21,14% còn của Vietjet là 0,19% cũng thể hiện một mức chênh lệch nhất định.

Sự chênh lệch giữa hai chỉ số ROE cũng như ROA của hai ông lớn hàng không này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chênh lệch giá cổ phiếu (thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 18/4/2022) với Vietnam Airlines chỉ là 22.550 đồng/cổ phiếu trong khi Vietjet lên tới 138.300 đồng/cổ phiếu

Đó cũng là lời giải thích cho giá trị vốn hoá thị trường của Vietjet lên đến 72.447 tỷ đồng trong khi của Vietnam Airlines chỉ là 49.935 tỷ đồng.

Mặc dù bức tranh kinh doanh có sự chênh lệch đáng kể như vậy song một cuộc thăm dò thị trường cuối năm 2021 cho thấy Vietnam Airlines được đánh giá cao về hình ảnh chất lượng như “tin tưởng”, “dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt”, trong khi VietJet Air liên quan nhiều hơn về giá thành. VietJet Air được đánh giá “trẻ trung” có thể do hiệu ứng từ các chương trình khuyến mãi hoặc hoạt động về thương hiệu.

Cuộc đua giữa hai thương hiệu kinh doanh này sau khi dịch Covid-19 với số lượng khách du lịch bùng nổ qua đường hàng không cho thấy cả hai thương hiệu đều nằm trong sự lựa chọn của khách hàng ở các phân khúc và cho thấy cuộc đua giữa hai thương hiệu này sẽ còn hứa hẹn nhiều điều thú vị song cũng không kém phần khốc liệt.

 

Theo Quang Lộc
(congthuong.vn)

Từ khóa : chỉ số tài chính, Vietnam Airlines, Vietjet Air