“Cửa hẹp” phục hồi của doanh nghiệp sản xuất chế biến thịt

Doanh nghiệp sản xuất chế biến thịt đang chịu tác động nặng từ giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá sản phẩm không thể tăng theo giá đầu vào do cầu yếu.

Thế khó của sản xuất chế biến thịt

So với các ngành hàng khác, sản xuất chế biến thịt đang được đánh giá chưa phục hồi mạnh bởi khó khăn nối tiếp khó khăn. Nhìn vào kết quả kinh doanh của các công ty sản xuất chế biến thịt niêm yết trên sàn chứng khoán trong quý I/2022 vừa qua cho thấy, tổng doanh thu của các công ty này đã giảm 39,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng cũng giảm ở mức 37,4%. Trong đó Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã ghi nhận mức lợi nhuận âm 97,6%, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam lợi nhuận âm 7,8% và doanh thu âm 36,9%, Công ty CP Masan MeatLife (doanh thu giảm mạnh 80,2%). Ngoài ra, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan)… cũng nằm trong nhóm các doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận âm.

“Cửa hẹp” phục hồi của doanh nghiệp sản xuất chế biến thịt
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thịt ghi nhận kết quả kinh doanh chưa như kỳ vọng do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi cầu còn yếu.

Lý giải kết quả kinh doanh của công ty sản xuất thịt giảm, Hà Thu Hiền, chuyên viên phân tích của Công ty CP Chứng khoán VnDirect cho rằng, do giá nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh và giá lợn hơi giảm 30,7% so với cùng kỳ trong quý I vừa qua được xem là nguyên nhân chính kéo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp xuống.

Cụ thể, giá ngũ cốc toàn cầu đã tiếp tục tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2022 trước lo ngại về nguồn cung bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong khi giá lợn hơi trong nước đi ngang (miền Bắc mức giá trung bình cao nhất là 54.400 đồng/kg và miền Trung ghi nhận 53.722 đồng/kg). Việc giá ngũ cốc tăng còn kéo theo lượng lúa mì, ngô và đậu tương nhập khẩu giảm mạnh 30,8% so với cùng kỳ trong tháng 3/2022 vừa qua khi chỉ đạt mức 1,147 triệu tấn (theo số liệu của Tổng cục Hải quan).

“Theo quan điểm của chúng tôi, giá lợn hơi không thể tăng mạnh theo giá nguyên vật liệu đầu vào, do nhu cầu tiêu thụ thịt chưa phục hồi hoàn toàn so với mức trước Covid-19. Trong khi đó, nguồn cung thịt lợn vẫn ổn định và đang trên đà phục hồi sau dịch tả heo Châu Phi (ASF)”- chuyên gia phân tích Hà Thu Hiền đánh giá.

“Cửa hẹp” trong năm 2022

Nhận định về triển vọng trong năm 2022 của các doanh nghiệp sản xuất chế biến thịt, nhiều ý kiến cho rằng khó khăn vẫn còn ở phía trước do giá ngũ cốc toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao, tạo áp lực lên chi phí thức ăn chăn nuôi.

Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dự trữ lúa mì toàn cầu được dự báo sẽ giảm 3,9% so với năm ngoái, do nhu cầu tăng cao cùng với sự gián đoạn thương mại do xung đột của hai quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn là Nga và Ukraine. Ngoài ra, ngày 13/5 vừa qua, Ấn Độ - nước sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới, thông báo tạm thời cấm xuất khẩu lúa mì để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước. Nhiều ý kiến quan ngại lệnh cấm trên sẽ đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức cao mới.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp sản xuất chế biến thịt, chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Vì thế giá ngũ cốc toàn cầu tăng sẽ có tác động tiêu cực đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất thịt, tăng khoảng 15-20% (theo ước tính của VnDirect). Chưa kể, cầu thị trường thịt vẫn còn thấp dẫn tới giá thịt lợn khó tăng. Trong một dự báo gần đây của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá heo hơi dự báo sẽ khó tăng bật trong thời gian tới và chỉ dao động quanh mức 60.000 đồng/kg bởi bất lợi thời tiết, nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm. Mặt khác, dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, họ vẫn hạn chế với các hoạt động ăn uống ngoài gia đình nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh.

Thừa nhận thực tế này, Ban lãnh đạo Vissan cho biết, với những biến động khách quan hiện nay trên thế giới và trong nước như giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, khiến người dân thắt chặt chi tiêu làm cho sức mua của người tiêu dùng tiếp tục giữ ở mức thấp. Ngoài ra, đối thủ cạnh trạnh xuất hiện ngày càng nhiều với tiềm lực tài chính mạnh mẽ sẽ khiến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành ngày càng khốc liệt. “Chúng tôi cho rằng những yếu tố nêu trên sẽ làm tăng chi phí; ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của công ty trong năm nay”- đại diện của Vissan nói.

Được biết, năm 2022 Vissan dù dự kiến doanh thu thuần đạt 4.974 tỷ đồng, tăng 16% nhưng do chi phí sản xuất tăng nên lợi nhuận dự kiến giảm 9% so với thực hiện năm 2021, còn 170 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Vissan cũng cho biết, doanh nghiệp này đang chịu áp lực kinh doanh rất lớn do phải cạnh tranh cũng như áp lực giữ ổn định giá cho người tiêu dùng. Vì vậy Vissan đang phải tiết giảm mọi chi phí để hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo doanh thu.

Đối với những doanh nghiệp khác, theo dự của VnDirect, lợi nhuận ròng Dabaco giảm 29,6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuân ròng của Masan MeatLife giảm mạnh 66,2%...

Mai Ca
Theo congthuong.vn

Từ khóa : doanh nghiệp sản xuất chế biến thịt