Ngày đầu tiên năm mới 2023, 4 luật chính thức có hiệu lực thi hành
Từ 1/1/2023, 4 luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi).
Chiều 15/6/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 449/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2023, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được nhiều cử tri, nhân dân và các nhà quản lý, giới chuyên môn đánh giá là có nhiều điểm mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ vào ngày 16/6/2022 |
Việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006, Luật mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung các khái niệm thuật ngữ quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và bổ sung thuật ngữ “Công nghiệp điện ảnh”, “Phân loại phim”, “Phim Việt Nam”, “Trường quay” và “Địa điểm chiếu phim công cộng”.
Luật đã thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước đồng thời khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh. Đồng thời, Luật quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ Luật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2022 với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,58% tổng số đại biểu Quốc hội.
Có hiệu lực từ 1/1/2023. Luật đã sửa đổi, bổ sung 101 điều, trong đó có 13 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật; bổ sung mới 14 điều; bãi bỏ 2 điều (Điều 5, Điều 215); đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan (Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Luật đã có một số điểm mới đáng chú ý bao gồm: Tạo cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký trực tuyến quyền tác giả, quyền liên quan; phân luồng ý kiến người thứ ba để đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn; đơn giản hóa bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; giới hạn việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế; cho phép trì hoãn công bố đơn kiểu dáng công nghiệp; bổ sung một số quy định đặc thù về thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp...
Cũng có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2023, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có 7 Chương, 157 Điều, quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm đúng theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, cụ thể, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài. Do đó, để đảm bảo rõ ràng, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Luật cũng đã bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ,... để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Là một trong các luật hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023, Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Cảnh sát cơ động là bổ sung thêm một số quyền hạn của lực lượng cảnh sát cơ động trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Theo đó, Luật quy định vị trí của cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân, với chức năng là lực lượng “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động trong Luật.
Đây chính là đặc thù và sự khác biệt của cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân. Ngoài ra, Luật còn nêu rõ nhiều nội dung quan trọng về nhiệm vụ, quyền hạn và các hành vi bị nghiêm cấm…
Từ khóa : Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi)