Hội nghị kết nối giao thương quốc tế: Trọng tâm của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 từ 10-14/3, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế.
Cơ hội quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cà phê
Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ là đơn vị cùng UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023. Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk sẽ là đơn vị thực hiện.
Hội nghị được tổ chức với mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh năm 2023 và thời gian tới.
Họp báo công bố Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 |
Hội nghị kết nối giao thương quốc tế cũng là cơ hội quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cà phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP của tỉnh nói riêng và các địa phương nói chung; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, các địa phương, các thương lái có cơ hội tiếp xúc, tăng cường hiểu biết, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê của tỉnh. Góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và nhận diện cà phê Buôn Ma Thuột đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phát triển sản xuất cà phê bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống của người nông dân trồng cà phê.
Đa dạng các hoạt động sẽ diễn ra tại Hội nghị kết nối giao thương quốc tế như: Gặp mặt nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước tại TP. Buôn Ma Thuột năm 2023; Tham luận của các chuyên gia, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu về tiềm năng xuất khẩu của cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng; trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp bên lề hội nghị; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê của tỉnh và các tỉnh/thành; tổ chức giao thương để kết nối các đơn vị sản xuất cà phê với các đơn vị xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại và đặc biệt là các nhà nhập khẩu nước ngoài; Tổ chức ký kết hợp đồng ghi nhớ, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm giữa các đối tác tại hội nghị.
Tại Hội nghị kết nối giao thương quốc tế này sẽ có thêm sự xuất hiện của các nhà nhập khẩu nước ngoài tham dự.
Ban tổ chức cũng cho biết, sẽ vận động các doanh nghiệp tham gia thông qua đa dạng hình thức như gửi thư mời trực tiếp, các nhóm trao đổi online, zalo, email, điện thoại, fax, các fanpage trên facebook...
Thúc đẩy đưa cà phê Việt lên sàn quốc tế
Để Hội nghị kết nối giao thương quốc tế diễn ra thành công, Ban tổ chức đã làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương như: Phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ Thị trường trong nước mời đại diện các Trung tâm phân phối, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối tới tham dự Hội nghị; Phối hợp với Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi mời Đại sứ quán, Thương vụ các nước tại Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại các nước tham dự Hội nghị.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng phối hợp với Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư các tỉnh Tây Nguyên và các địa phương, các Hiệp hội ngành hàng; các doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu; các đơn vị phân phối, bán lẻ tại địa phương; các Đại sứ quán, Thương vụ các nước tại Việt Nam hỗ trợ mời các doanh nghiệp thương mại, nhập khẩu có đại diện tại Việt Nam tham gia kết nối.
Hội nghị còn có sự tham gia của hơn 100 đại diện các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trong và ngoài tỉnh; các doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu đi các nước: Anh, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazin... Các doanh nghiệp thu mua cà phê cung cấp cho các hệ thống siêu thị và hệ thống nông sản sạch trên toàn quốc; Giám đốc và cán bộ phụ trách thu mua của các hệ thống siêu thị và chuỗi nông sản sạch: Lotte, AEOn, BigC Go, Winmart, Co.op Mart, Mega Maket... Đại diện một số Hợp tác xã, Hiệp hội, trang trại, hộ sản xuất kinh doanh trong tỉnh.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và xúc tiến công tác xuất khẩu, Hội nghị cũng sẽ có sự tham dự của đại diện các sàn thương mại điện tử như Alibaba, SenDo, Shopee, Voso, Tiki, Lazada...; Đại diện các đơn vị chuyển đổi số như VNPT, Viettel, FPT...; Đại diện các đơn vị logistisc...
Ban tổ chức cho biết, tại Hội nghị sẽ có khu trưng bày các sản phẩm tham gia kết nối: cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê. Các sản phẩm tham gia trưng bày đều là các sản phẩm lợi thế, đặc sản cần kết nối, tiêu thụ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, nhất là an toàn thực phẩm, có đầy đủ thông tin về đơn vị sản xuất, trưng bày đẹp mắt, tập trung các sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh, ưu tiên sản phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, OCOP...
Từ khóa : Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Lắk, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế