MDEC- Hậu Giang 016: Tăng quan hệ, thu hút đầu tư

(DĐDN) – Với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – chủ động hội nhập và phát triển”, diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Hậu Giang 2016 (MDEC- Hậu Giang 2016) sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, qua đó, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa của vùng.

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Hậu Giang 2016 (MDEC- Hậu Giang 2016) sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, qua đó, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa của vùng

Trao đổi tại buổi họp báo “Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Hậu Giang năm 2016” được tổ chức ở Hậu Giang vào 30/6, ông Đồng Văn Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết mục tiêu của diễn đàn năm nay là tăng cường mối quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, qua đó, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa cho ĐBSCL.

Ông Nguyễn Hữu Tình – Trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng MDEC- Hậu Giang 2016 là hoạt động liên kết mở nhằm bàn giải pháp giúp khu vực ĐBSCL chủ động hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng với các địa phương trong cả nước và với quốc tế, tạo thuận lợi xuất khẩu sản phẩm chủ lực của ĐBSCL, nhất là lúa gạo thủy sản và cây ăn trái.

Để cụ thể hóa mục tiêu đề ra, theo ông Tình, MDEC- Hậu Giang 2016 sẽ có 14 hoạt động chính, trong đó, có 7 hoạt động trọng tâm “và tại đây các nhà khoa học, nhà chuyên môn và chuyên gia trong cả nước và quốc tế sẽ ngồi lại, cùng nhau bàn bạc và đưa ra những giải pháp để thực hiện mục tiêu này” – ông cho biết.

Cụ thể, ngoài lễ khai mạc diễn ra lúc 20 giờ ngày 11/7/2016, MDEC- Hậu Giang 2016 còn diễn ra nhiều hoạt động quan trọng khác trong suốt thời gian diễn ra sự kiện này (từ ngày 11/7 đến 15/7/2016), gồm hội nghị ĐBSCL – chủ động hội nhập và phát triển bền vững; hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL; diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2016; hội thảo các biện pháp kiểm soát hạn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL…

Ông Trần Công Chánh – Bí thư Tỉnh Uỷ Hậu Giang cho biết, khi được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giao cho Hậu Giang nhiệm vụ tổ chức MDEC – Hậu Giang 2016, chúng tôi đắn đo công tác chuẩn bị sao cho tốt nhất trong điều kiện còn khá nhiều khó khăn, trong khi MDEC – Hậu Giang 2016 yêu cầu cao. “Chúng tôi nhận thức rằng hội nghị MDEC 2016 lần thứ 9 sẽ là một cơ hội đẩy mạnh những lợi thế về Du lịch, Tiềm năng kinh tế nông nghiệp, Các cơ chế chính sách đặc thù, vùng đất và con người Hậu Giang,… để bè bạn gần xa trong nước và quốc tế có thông tin và hình ảnh để hiểu sâu sắc hơn về Hậu Giang, về ĐBSCL, từ đó thu hút các nhà đầu tư đến Hậu Giang ngày càng nhiều hơn”.

Về thúc đẩy kinh tế, trong 14 sự kiện diễn ra lần này, tỉnh đặc biệt quan tâm tới 3 nội dung: hội nghị “ĐBSCL – chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, hội thảo “Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị” và diễn đàn “Doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long 2016” – đã nói lên được tâm huyết và mong muốn cũng như kỳ vọng của nhân dân vùng ĐBSCL là không chỉ phát triển mà phát triển bền vững. Hậu Giang đánh giá rất cao vai trò của doanh nghiệp đối với việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương. “Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ rất lớn, chủ đề đặt ra rất lớn, Hậu Giang phải hành động thật chặt chẽ, quy chuẩn” – ông Trần Công Chánh nhấn mạnh.

Một vấn đề đặt ra nữa, theo ông Chánh, tỉnh đang quan tâm là vấn đề liên kết vùng. Chính liên kết này Hậu Giang có thể tách để đưa chuỗi giá trị vào từng mặt hàng cụ thể là một việc làm không hề đơn giản. Nếu từng tỉnh chỉ liên kết một cách chung chung thì vẫn không hiệu quả, mà sự liên kết này nhà nước cần có chính sách cơ chế đặc thù cho vùng  ĐBSCL. Đây là chiến lược rất quan trọng về mặt cấp quốc gia, cần có sự chỉ đạo của Chính phủ thì địa phương mới triển khai chứ không phải nay liên kết chỗ này mai liên kết chỗ kia, vì đó chỉ là hợp tác làm ăn thôi. Đây là một bài toán không dễ, phải có những nhà chiến lược ở tầm vĩ mô thì mới giải được bài toán này. Có như vậy Việt Nam mới giải quyết được căn cơ của nền nông nghiệp quốc doanh.

Về công tác chuẩn bị, theo ông Tình, cho đến nay, việc chuẩn bị cho MDEC-Hậu Giang 2016 cơ bản đã hoàn thành ở tất cả mọi khâu.

MDEC-Hậu Giang 2016 được tổ chức tại Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang và sẽ chính thức khai mạc vào ngày 11/7 và kết thúc vào ngày 15/7/2016.

Theo Song Nhi (enternews.vn)

Từ khóa : MDEC