Thêm kênh quảng bá đặc sản miền Tây

PGS-TS Nguyễn Phú Son, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao công nghệ - Trường ĐH Cần Thơ, thông tin: “Cửa hàng giới thiệu và phân phối đặc sản ĐBSCL đã được khai trương với hơn 300 sản phẩm từ 30 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trong khu vực. Đây là những đặc sản được chế biến, đóng gói, chất lượng bảo đảm sạch”

Trường ĐH Cần Thơ đang phối hợp với nhiều DN nhỏ và vừa ở ĐBSCL nâng cao sức cạnh tranh, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đặc sản ĐBSCL được bày bán trong cửa hàng của Trường ĐH Cần Thơ

Theo anh Nguyễn Minh Kiêm, quản lý cửa hàng giới thiệu và phân phối đặc sản ĐBSCL, đặc sản của nhiều địa phương được quy tụ về đây như gạo thơm ST 20 (Sóc Trăng); mắm cá lóc Bà Giáo Khỏe, khô cá tra phồng (Châu Đốc); rượu nếp Phú Lễ Ông Già Ba Tri, dầu dừa tinh khiết (Bến Tre); khô cá khoai Tiến Hải, mắm tép Hảo Ngon, chả hoa Năm Thụy (Trà Vinh); khô cá Tứ Quý (Đồng Tháp)…

Ông Son cho biết ngoài giúp quảng bá sản phẩm, Trường ĐH Cần Thơ còn hỗ trợ nhiều DN xây dựng phần mềm, cách quản trị và làm thương hiệu, chuyển giao công nghệ để họ làm ra sản phẩm mới hoặc hoàn thiện đặc sản đã có. Chẳng hạn, nước chấm của một DN bán trong cửa hàng bị phản ánh quá mặn, trường sẽ chuyển thông tin này cho DN. Nếu DN không có cách điều chỉnh, trung tâm sẽ giao cho bộ môn công nghệ thực phẩm nghiên cứu, sau đó sẽ chuyển giao công nghệ xử lý cho DN. Công nghệ bảo quản khô các loại được lâu hơn cũng được trường chuyển giao cho nhiều cơ sở...

Nhiều cơ sở có hàng hóa trưng bày tại trung tâm cho biết sản phẩm của họ rất khó đưa vào siêu thị do làm theo mùa, sản lượng không nhiều, kinh nghiệm tiếp thị yếu… Muốn vào các kênh phân phối hiện đại, sản phẩm phải có thời gian bảo quản 1-2 tháng, trong khi nhiều đặc sản có thời hạn sử dụng không quá 10 ngày. Muốn kéo dài thời gian bảo quản, cơ sở sản xuất phải có nhiều vốn để đầu tư công nghệ.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Chủ nhiệm CLB Đặc sản Trà Vinh, bày tỏ: “Cái khó của các cơ sở là thiếu kỹ thuật cao để có sản phẩm tốt, thời gian bảo quản lâu, xử lý vi sinh... Vì vậy, CLB đang phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ để khắc phục những hạn chế này”.

PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nhận định: “Một trong những nút thắt khiến nhiều đặc sản ở ĐBSCL không thể mở rộng thị trường là đầu mối tiêu thụ. Để giải quyết vướng mắc này, trường đang xúc tiến xây dựng thêm 12 trung tâm phân phối đặc sản đặt tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, đồng thời tiếp cận hệ thống siêu thị cũng như các trung tâm phân phối tại TP HCM, Hà Nội. Việc làm này cũng có lợi cho sinh viên ngành thị trường, thương mại của trường khi được tham gia phân phối hàng hóa”.

Theo Lê Chinh(www.nld.com.vn)

Từ khóa : đặc sản miền Tây