Thị trường hàng tiêu dùng năm 2024: Khi "hầu bao" dần nới lỏng
Thị trường hàng tiêu dùng năm 2024 được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. Người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng thiết yếu, công nghệ và mặt hàng xa xỉ.
Thị trường tiêu dùng sẽ hồi phục trong năm 2024
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VND), việc làm và tiền lương được kỳ vọng cải thiện trong năm 2024 sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Cụ thể, Quốc hội đã quyết định chi 74.048 tỷ đồng để thực hiện việc cải cách tiền lương trong 2024 (bắt đầu từ ngày 1/7/2024). Đồng thời, Chính phủ sẽ duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nửa đầu năm 2024.
Ngành hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi niềm tin của người tiêu dùng bắt đầu tăng. Mặc dù thấp hơn mức trước dịch bệnh nhưng chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã có dấu hiệu phục hồi so với nửa đầu năm 2023.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng có tín hiệu hồi phục (ảnh: VND) |
VND kỳ vọng xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, thu nhập của người tiêu dùng cải thiện giúp tỷ lệ nợ xấu tại các công ty cho vay tiêu dùng giảm sẽ kéo theo tín dụng tiêu dùng quay trở lại vào nửa cuối năm 2024.
Vấn đề phục hồi du lịch cũng có sự tác động rất lớn đến thị trường tiêu dùng. Trong năm 2023, lượng khách quốc tế đạt 12,6 triệu khách (gấp 3,4 lần so với cùng kỳ), vượt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế do Chính phủ đề ra. Ngoài ra, tổng lượng khách du lịch nội địa trong năm đạt 108,2 triệu, thúc đẩy tổng mức bán lẻ dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng gần 15% so với cùng kỳ.
VND kỳ vọng năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng 30%, trong khi khách du lịch nội địa tăng 7%. Lượng khách du lịch tăng trở lại sẽ thúc đẩy các hoạt động lưu trú, ăn uống và giải trí. Qua đó, giúp cho nhu cầu tiêu dùng cải thiện đáng kể vào năm 2024.
Mặt hàng thiết yếu hồi phục nhanh hơn
VND kỳ vọng các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ được hưởng lợi đầu tiên do người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Các chuyên gia đã đưa ra một số nhận định về sự tác động cụ thể trong các nhóm hàng thiết yếu. Thị trường lúa gạo sẽ được hưởng lợi từ việc xuất khẩu gạo, mặt hàng sữa hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ giá nguyên liệu giảm, ngành bia cũng trở nên tích cực trong năm 2024 nhờ cải thiện cả về doanh số bán hàng và biên lợi nhuận gộp, sản xuất thịt tăng trưởng mạnh, sản xuất thủy sản kỳ vọng được hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường Mỹ...
Thị trường hàng tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong năm 2024 |
Đối với nhóm hàng hoá không thiết yếu, các mặt hàng xa xỉ được kỳ vọng vẫn duy trì mức tăng trưởng. Với tệp khách hàng trung và cao cấp, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát, nhóm hàng hóa xa xỉ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong năm qua.
Theo World Data Lab, vào năm 2024, Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và đến năm 2030 sẽ có thêm 23,2 triệu người (đứng thứ 5 trong 9 quốc gia châu Á). Dân số tăng nhanh, đặc biệt sự mở rộng của tầng lớp trung lưu đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng các mặt hàng có thương hiệu và chất lượng cao tại Việt Nam.
Do đó, VND kỳ vọng nhu cầu trang sức sẽ tăng theo sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Theo khảo sát của Google, 57% người tiêu dùng có mức chi tiêu cao sẽ tiếp tục tăng chi tiêu trong 12 tháng tới.
Thời gian qua, nhu cầu sản phẩm ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) và điện tử tiêu dùng bị ảnh hưởng mạnh. Thị trường bán lẻ và phân phối điện tử tiêu dùng tiếp tục bị ảnh hưởng do đây là các sản phẩm mà khách hàng cắt giảm nhiều nhất khi thu nhập bị ảnh hưởng. VND kỳ vọng nhu cầu về sản phẩm ICT sẽ bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2024 đến đầu năm 2025.
Niềm tin của người tiêu dùng phục hồi chậm cho thấy, nhu cầu thay điện thoại mới của người tiêu dùng sẽ chậm hơn. Do đó, chu kỳ tiêu thụ điện thoại mới sẽ rơi vào nửa cuối năm 2024, khi các mẫu điện thoại mới được ra mắt và nền kinh tế dần phục hồi. Doanh thu mảng ICT và điện máy trong năm 2025 sẽ trở lại mức của năm 2022 – mức đỉnh điểm tiêu dùng sau đại dịch.
Về dài hạn, nhu cầu sản phẩm ICT và điện tử tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Với dân số hơn 100 triệu người và nhóm nhân khẩu học trẻ sẽ tạo nhu cầu cao về nhiều loại sản phẩm từ điện tử tiêu dùng đến thiết bị gia dụng và duy trì mức tăng trưởng bền vững từ 6% - 10%/năm trong giai đoạn 2023 - 2026, theo Euromonitor.
Thị trường hàng hóa điện tử của Việt Nam có triển vọng tích cực trong dài hạn nhờ dân số hơn 100 triệu người và nhóm nhân khẩu học trẻ (trong đó 70% dưới 35 tuổi). Bên cạnh đó, dân số am hiểu công nghệ cùng với sự phát triển của nền kinh tế internet và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu sẽ tạo nhu cầu cao về nhiều loại sản phẩm từ điện tử tiêu dùng đến thiết bị gia dụng.
Ngoài ra, xu hướng cập nhật công nghệ mới như chip Al cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu thay đổi thiết bị điện tử trong những năm tới.
Nhận định về sự tăng trưởng của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, chuyên gia của VinaCapital cho rằng, công ty tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi đang tiếp diễn trong chi tiêu tiêu dùng ở Việt Nam. Tập đoàn này kỳ vọng lợi nhuận của các công ty tiêu dùng niêm yết sẽ hồi phục từ mức giảm 22% trong năm 2023 lên tăng 33% trong năm 2024.
Theo Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 9,6% so với cùng kỳ. Bỏ qua yếu tố về giá, chỉ số này tăng 7,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2016-2019. |
Từ khóa : Thị trường hàng tiêu dùng, mặt hàng thiết yếu, công nghệ, mặt hàng xa xỉ