Nhà Văn Trương Văn Dân - Nên Có Ngày Tôn Vinh Tiếng Việt Cho Cả Người Việt Trong Nước

Theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030, và lấy ngày 8/9 hàng năm chính thức là Ngày tôn vinh tiếng Việt. Đề án nhằm tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, tôn vinh, lan tỏa vẻ đẹp và giá trị của Tiếng Việt; đồng thời, góp phần nâng cao lòng tự hào và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Dưới đây là những chia sẻ của Nhà văn Trương Văn Dân về Ngày Tôn vinh Tiếng Việt.

BẮT ĐẦU TỪ NGÀY 08/09/2022 SẼ ĐƯỢC CHỌN LÀM NGÀY TÔN VINH TIẾNG VIỆT CHO CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. Ý KIẾN CỦA ÔNG VỀ NGÀY NÀY?

Tôi nghĩ là nên có “Ngày Tôn vinh tiếng Việt” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt về tiếng Việt, góp phần làm trong sáng, tôn vinh vẻ đẹp tiếng Việt và khuyến khích tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.

Nhưng sao lại chỉ tôn vinh Tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài? Tất nhiên ở nước ngoài cần khuyến khích việc duy trì sử dụng tiếng Việt trong các gia đình người Việt hay gia đình có chồng Việt, vợ Việt, nhằm nâng cao tầm quan trọng của tiếng Việt trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày và lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài. Nhưng với người Việt trong nước cũng rất cần thiết vì như đã có nhiều nhà ngôn ngữ học, giới trí thức phản ảnh là hiện nay có rất nhiều bạn trẻ viết sai chính tả, dùng từ sai, viết tắt vô tội vạ… thì cũng cần học hỏi thêm.

ĐƯỢC BIẾT, ÔNG ĐÃ SỐNG Ở NƯỚC NGOÀI HƠN 50 NĂM, NHƯNG VẪN GIỮ GÌN TIẾNG VIỆT. KHÔNG CHỈ VIẾT KHÁ NHIỀU SÁCH TIẾNG VIỆT, ÔNG CÒN LÀ DỊCH GIẢ CHO NHỮNG CUỐN SÁCH CỦA VỢ ÔNG - BÀ ELENA PUCILLO. ÔNG CÓ THỂ CHIA SẺ THÊM VỀ ĐIỀU NÀY?

Năm tôi 19 tuổi, trước ngày qua Ý du học (năm 1971) ba tôi thường căn dặn rằng: “Ra xứ người, con sẽ phải hoà nhập vào văn hoá và xã hội mới nhưng đừng để bị làm mờ cái gốc của mình” Nằm lòng lời căn dặn đó nên tuy sống nhiều năm ở trời Tây, mà mỗi khi về Việt Nam ít ai nhận ra tôi là “Việt Kiều” vì nề nếp, thói quen, phong cách dân dã chân quê của tôi như ngày xưa vẫn còn đậm nét. Nhờ đọc nhiều sách nên vốn tiếng Việt của tôi vẫn như xưa. Thời gian đầu về Việt Nam tuy có chút bỡ ngỡ về vài từ mới nhưng chỉ nghe qua một lần là nhớ ngay. Trong giao tiếp tôi cố gắng nói tiếng Việt và chưa bao giờ “độn” thêm từ ngoại quốc nào trong câu chuyện.

Vì yêu văn chương từ nhỏ nên tuy học và làm về ngành Hóa và công nghệ dược nhưng khi công việc ổn định, từ năm 1996 tôi đã bắt đầu dịch và viết văn trở lại. Cô Elena - vợ tôi mới đầu chỉ giảng dạy văn hóa Pháp tại Ý, thỉnh thoảng có viết vài bài cho báo Ý nhưng khi theo chồng về sống ở Sài Gòn thì được tôi khuyến khích viết văn. Elena viết bằng tiếng Ý và tôi dịch ra tiếng Việt. Tập truyện “Một phút tự do” đã nhận được giải thưởng (năm 2015) của Hội Nhà văn TPHCM. Còn cuốn “Vàng Trên Biển Đá Đen” cũng được các vị giáo sư văn khoa nhận xét văn phong Việt, rất thuần Việt, và đoạt Giải thưởng dịch thuật của hội Nhà Văn TP.HCM (năm 2018).

Theo tôi, không phải ai biết ngoại ngữ là dịch được sách, cần phải giỏi cả tiếng mẹ đẻ và hiểu cả hai nền văn hóa mới có thể chuyển tải như một cách viết lại, thì bản dịch mới lột tả được hết tâm tình của tác giả trong nguyên tác.

THEO ÔNG, CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIỚI TRẺ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI (VÀ CẢ TRONG NƯỚC) TỰ HÀO VỀ TIẾNG VIỆT?

Tôi nghĩ, các gia đình người Việt Nam ở nước ngoài cần duy trì sử dụng tiếng Việt trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày. Các cháu tôi tuy sinh ở nước ngoài nhưng vẫn được cha mẹ dạy nói tiếng Việt tốt, hay như một người bạn của tôi, khi ru con ngũ cũng là những bài hát Việt, ca dao Việt,.. Trong tiểu thuyết “Ước hẹn cuối cùng” mà tôi sắp in bằng tiếng Ý với tên “L’ultima Promessa”, tất cả các tên người hay địa danh tôi đều giữ nguyên, thuần việt. Cũng trong tiểu thuyết này, khi nào có thể tôi đều nói về văn hóa Việt Nam, có trích dẫn lịch sử Việt Nam như ba lần thắng Nguyên, Mông, Trận hải chiến trên Đầm Thị Nại… như một cách lan tỏa văn hóa Việt. Còn ở trong nước, hiện nay tôi thấy một số bậc cha mẹ chỉ quan tâm cho con học tiếng Anh mà không chú trọng nhiều đến tiếng Việt. Theo tôi, bên cạnh việc khuyến khích con em học ngoại ngữ để có thể dễ dàng hòa nhập với quốc tế, cha mẹ và nhà trường cần khuyến khích con em đọc tiếng Việt nhiều hơn; có thể tổ chức thêm các buổi kể chuyện hay đọc sách tiếng Việt để khuyến khích các bé hiểu thêm về sự phong phú của tiếng Việt và dùng từ ngữ chính xác hơn,…

Cám ơn những chia sẻ của ông.

* Nhà văn Trương Văn Dân du học ở Ý (từ năm 1971) về ngành Hoá và Công nghệ Dược.
* Từ năm 1980: Phụ trách về tổng hợp hoá - dược.
Từ năm 1985: Nghiên cứu và phát triển dược phẩm dùng cho người và cho thú y.
* Ông đã viết, dịch và cộng tác với các tạp chí trong và ngoài nước.
* Tác phẩm đã xuất bản: Hành trang ngày trở lại; Bàn tay nhỏ dưới mưa; Mùa Hè tươi đẹp; Bóng của ngày; Một phút tự do; Vàng trên Biển đá đen; Milano Sài Gòn, đang về hay sang; Trò chuyện với Thiên Thần; Cùng bay về tâm dịch; Hạt bụi lênh đênh; Gia đình, Những nỗi đau ngọt ngào.
* Tác phẩm sắp in: Lỗi định mệnh; Ước hẹn cuối cùng. 

Theo Ngày Mới Saigon

Từ khóa : NHÀ VĂN TRƯƠNG VĂN DÂN, TÔN VINH TIẾNG VIỆT