Giáo Sư - Tiến Sĩ Nguyễn Đăng Hưng - Giáo Sư Danh Dự, Trường Đại Học Liège (Vương Quốc Bỉ) - Cần tôn vinh tiếng Việt cụ thể hơn

Theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030, và lấy ngày 8/9 hàng năm chính thức là Ngày tôn vinh tiếng Việt. Đề án nhằm tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, tôn vinh, lan tỏa vẻ đẹp và giá trị của Tiếng Việt; đồng thời, góp phần nâng cao lòng tự hào và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Dưới đây là những chia sẻ của Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Đăng Hưng về Ngày Tôn vinh Tiếng Việt.

BẮT ĐẦU TỪ NGÀY 08/09/2022 SẼ ĐƯỢC CHỌN LÀM NGÀY TÔN VINH TIẾNG VIỆT CHO CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. Ý KIẾN CỦA ÔNG VỀ NGÀY NÀY?

Theo tôi, cùng với chủ trương gắn kết tiếng Việt với đồng bào ở hải ngoại nói trên, việc tôn vinh Tiếng Việt cần có nhiều hoạt động cụ thể hơn, như hỗ trợ tài liệu dạy tiếng Việt, lập tủ sách tiếng Việt ở các quốc gia có đông người Việt sinh sống; hay tổ chức hội thảo, sự kiện âm nhạc, các cuộc thi nghệ thuật bằng ngôn ngữ Việt,… để thu hút nhiều kiều bào trẻ tham gia nhằm phát huy tiếng Việt.

Điều quan trọng nữa là theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, phải bảo vệ chữ quốc ngữ và tri ân các bậc tiền bối đã tác tạo, duy trì và phổ biến chữ quốc ngữ, để chúng ta có được tiếng Việt đẹp, giàu ý nghĩa, giá trị và đầy tự hào ngày nay.

ĐƯỢC BIẾT, SAU HƠN 50 NĂM CỐNG HIẾN CHO NGÀNH GIÁO DỤC- ĐÀO TẠO. GIỜ ĐÂY, TUY NHỮNG CUỘC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC CHUYÊN NGÀNH ĐÃ ĐỂ LẠI SAU LƯNG, NHƯNG ÔNG VẪN BỎ THỜI GIAN TỰ NGHIÊN CỨU ĐỂ THẤU TRIỆT VẤN ĐỀ TÔN VINH TIẾNG VIỆT. ÔNG CÓ THỂ CHIA SẺ THÊM VỀ ĐIỀU NÀY?

Là người Việt Nam nói tiếng Việt, viết chữ Việt làm sao tôi không quan tâm đến Chữ Quốc Ngữ. Là một giáo sư đã hưu trí, tôi tôn vinh Tiếng Việt bằng hình thức “nhớ nguồn”. Tôi rất ý thức mình chỉ là nhà cơ học hàng không - không gian, một người không có chuyên môn về các khoa lịch sử cũng như ngôn ngữ học, do vậy, trước khi bắt tay vào việc này, tôi đã rất cẩn trọng tìm hiểu từ nhiều nguồn và tham khảo ý kiến của các bậc thức giả Việt mà tôi kính trọng.

Tôi đã đi thăm Nhà thờ Hội An – nhà thờ được cho là đầu tiên, xây dựng rất sớm (1615) tại Việt Nam, được Linh mục chánh xứ sẵn lòng tạo điều kiện tư liệu để tôi tham khảo về ngài Francisco de Pina - người đầu tiên đã tác tạo nên chữ Quốc ngữ, và ngài Alexandre de Rhodes - người đầu tiên đã biên soạn cuốn tự điển Việt - Bồ Đào Nha - La Tin, phổ biến Tiếng Việt đến ngày nay.

Tôi đã đến thành phố Guarda (Bồ Đào Nha) thăm quê hương của ngài Francisco de Pina, đến thành phố Avignon (Pháp) thăm quê hương của ngài Alexandre de Rhodes, và cũng đã cùng một số người bạn đi Ba Tư đặt bia tri ân trên ngôi mộ của ngài Alexandre de Rhodes, được chôn cất tại Isphahan, Iran ngày nay.

Những việc nhỏ này chỉ là tấm lòng của tôi và những người bạn Việt Nam dành cho người đã có công rất lớn đối với tiếng Việt của chúng ta.

HIỆN NAY, CÓ MỘT SỐ BẠN TRẺ THEO TRÀO LƯU MỚI CỦA NƯỚC NGOÀI MÀ DẦN QUÊN ĐI NHỮNG GIÁ TRỊ  VĂN HÓA, TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC. ÔNG ĐÁNH GIÁ THẾ NÀO VỀ VIỆC NÀY?

Nếu theo các trào lưu ngước ngoài cổ súy cho tinh thần khoa học, tính trung thực, xu hướng bảo vệ môi trường, bình đẳng các chủng tộc, bình đẳng nam nữ... thì đó là điều tốt, tôi luôn cổ vũ và khuyến khích.

Nếu theo những xu hướng thời trang, âm nhạc của thời đại thì tôi cũng xem là bình thường, chẳng có ý kiến nào phê phán. Còn những giá trị truyền thống tốt đẹp như tinh thần hiếu học, tinh thần yêu nước, đạo đức, hiếu thảo... thì phải duy trì, luôn phải được nhắc nhở qua giáo dục công dân. Tôi cũng có phần lo ngại vì những giá trị này hiện có nguy cơ bị xoái mòn, xao nhãng.

LÀ MỘT NGƯỜI ĐÃ TỪNG ĐÀO TẠO NHIỀU THẠC SĨ, TIẾN SĨ CHO VIỆT NAM. THEO ÔNG, ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỘT ĐỘI NGŨ NHÂN SỰ GIỎI, CẦN NHỮNG YẾU TỐ GÌ?

Đầu tiên là phải ý thức điều cốt lõi và những bằng cấp cao học thạc sĩ, tiến sĩ là cần cho việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học. Bằng cấp cao học không nên dùng cho việc khoe mẽ. Những cương vị chính trị, những chức vị chính quyền, quản trị không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ và thạc sĩ.

Để có được một đội ngũ nhân sự giỏi có thể sánh vai cùng các nước, cần phải trở về với thực học. Bên cạnh chuyên ngành học, đào tạo con người phải dựa vào nền tảng nhân văn, hướng đến giá trị chân -thiện - mỹ.

Với Chương trình Cao học Bỉ - Việt EMMC và MCMC, tôi đã giúp Việt Nam đào tạo được 318 thạc sĩ trình độ châu Âu, được một đại học Bỉ nổi tiếng cấp bằng về một ngành mũi nhọn là mô hình mô phỏng và tính toán các cấu trúc và môi trường liên tục.

Trong số đó, có trên 100 người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại các nước tiên tiến như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, Nhật, Singapore, Hàn Quốc,... Đa số đó hiện đang giữ các vai trò quan trọng tại các trường đại học ở Việt Nam.

Đây là phong cách đào tạo thực chất có kiểm định quốc tế. Tôi tự hào vì đã đóng góp được cho nước nhà chút thành quả này.

Cảm ơn những chia sẻ của ông.

* Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng là Sáng lập viên và Trưởng khoa Cơ học Phá hủy Đại học Liège, Bỉ; Thành viên ban Chủ nhiệm khoa LTAS (kỹ thuật hàng không, không gian), Đại học Liège. Ông cũng đề xướng, điều hành và thực hiện nghiệm thu hằng chục dự án nghiên cứu công nghệ hợp đồng với các công ty công nghệ cao tại Âu Châu, như: CMI, SAMTECH  SEP, CARAT-DUCHATELET, AEROSPATIALE-Marignane, AEROSPATIALE (Toulouse), Framatome, SIEMENS...

* Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng đã nhận được: Huy chương Hàn Lâm Viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (1984); được vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm thay đổi nước Bỉ (tuần báo VIFEXPRESS, 16/7/1999). Ông cũng vinh hạnh nhận được Huy chương Lao động hạng nhất của Chính phủ Bỉ (1996); Huân chương “Đại sĩ quan của Vua Léopold II”, Vương quốc Bỉ (1999); Huân chương “Đại sĩ quan của Hoàng Gia, Vương quốc Bỉ” (2006). 

* Tại Việt Nam, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cũng được UBND TP.HCM, Bộ Ngoại giao, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng nhiều bằng khen cho kiều bào có công với đất nước. 

* Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng đã xuất bản trên 20 đầu sách, giáo trình khoa học và công bố trên 200 công trình nghiên cứu hay báo cáo khoa học trên các tạp chí quốc tế. Năm 2020, ông đã cho ra mắt Bộ sách “Giấc mơ Việt Nam tôi” gồm hai tập với các tựa đề “Đi xa về gần” và “Còn mãi hương xa”.

Theo Ngày Mới Saigon

Từ khóa : Giáo Sư - Tiến Sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Giáo Sư Danh Dự, Trường Đại Học Liège (Vương Quốc Bỉ), tôn vinh tiếng Việt