Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Sáng lập, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books – Tôn vinh tiếng Việt vô cùng thiết thực
Theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030, và lấy ngày 8/9 hàng năm chính thức là Ngày tôn vinh tiếng Việt. Đề án nhằm tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, tôn vinh, lan tỏa vẻ đẹp và giá trị của Tiếng Việt; đồng thời, góp phần nâng cao lòng tự hào và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Dưới đây là những chia sẻ của TS. Nguyễn Mạnh Hùng về Ngày Tôn vinh Tiếng Việt.
BẮT ĐẦU TỪ NGÀY 08/09/2022 ĐƯỢC CHỌN LÀM NGÀY TÔN VINH TIẾNG VIỆT DÀNH CHO NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. ÔNG VUI LÒNG CHO BIẾT Ý KIẾN VỀ NGÀY NÀY?
Đây là việc làm vô cùng thiết thực và cần thiết. Cá nhân tôi rất rất vui về quyết định này. Tiếng Việt đẹp lắm. Chữ quốc ngữ quan trọng vô cùng, đặc biệt là khi chúng ta học ngoại ngữ, tiếng Anh, Pháp, Đức,… Năm 2023 này là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức ngày “Tôn vinh tiếng Việt” và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta sẽ làm rất tốt trong những năm tiếp theo.
Thật may mắn là chúng tôi đã kip mua bản quyền và xuất bản cuốn sách “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 -1659” và in cả 2 bản phổ thông và đặc biệt để chào mừng Ngày Tôn vinh tiếng Việt.
ÔNG VUI LÒNG GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ CUỐN SÁCH ĐẶC BIỆT NÓI TRÊN?
Cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659 của linh mục Đỗ Quang Chính do tủ sách Ra Khơi ấn hành năm 1972, là tài liệu có giá trị trong ngành Ngữ học Việt Nam. Ấn phẩm có thêm một số sửa chữa của tác giả vào năm 2007.
Sách gồm có bốn chương: Chương 1 tổng hợp một số nhận xét của một số người Tây phương về tiếng Việt; chương 2 sơ lược giai đoạn thành hình chữ Quốc ngữ từ năm 1620 đến năm 1648; chương 3 nói về việc linh mục Đắc Lộ soạn thảo và cho xuất bản hai cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên năm 1651. Cuối cùng là phân tích những tài liệu viết tay năm 1659 của hai người Việt Nam là Igesico Văn Tín và Bento Thiện.
HIỆN NAY, CÓ MỘT SỐ BẠN TRẺ CHẠY THEO TRÀO LƯU MỚI CỦA NƯỚC NGOÀI MÀ DẦN QUÊN ĐI NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA, TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC. ÔNG ĐÁNH GIÁ THẾ NÀO VỀ VIỆC NÀY?
Nếu thông tin này là đúng thì thật đáng tiếc. Việt Nam chúng ta có 4.000 năm lịch sử. Tổ tiên và cha ông chúng ta rất tuyệt vời, rất dũng cảm, thông minh, khôn khéo và để lại những tài sản hữu hình và vô hình rất lớn. Nhiều truyền thống quý báu mà chúng ta chỉ cần ngẫm một chút thôi thấy tuyệt vời vô cùng. Ví dụ như văn hoá cây tre, mềm cũng rất mềm mà cứng cũng rất cứng. Như văn hoá bầu bí, yêu thương, giúp đỡ, tương thân tương ái. Như lòng dũng cảm, dám và có thể vượt qua biết bao gian lao thử thách để tồn tại và phát triển,…
THEO ÔNG, ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỘT ĐỘI NGŨ NHÂN SỰ GIỎI TRONG MỘT DOANH NGHIỆP, CẦN NHỮNG YẾU TỐ GÌ? VAI TRÒ CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO?
Tôi nghĩ rằng vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Người lãnh đạo là linh hồn của doanh nghiệp, phải là người có tầm nhìn xa, luôn đi đầu và gương mẫu, phải có tâm - như vẫn được nói “phải đủ lớn để dung nạp người tài, phải đủ rộng để tha thứ và bao dung, phải đủ vững chãi để vượt qua mọi giông tố của cuộc đời”.
Người lãnh đạo phải có cảm hứng trong công việc và truyền được cảm hứng cho cấp dưới, cho đối tác. Hơn thế nữa, nếu muốn doanh nghiệp vững mạnh và phát triển bền lâu, không nên đặt mục đích lợi nhuận lên đầu mà nên tìm mọi cách mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Một người lãnh đạo như thế sẽ có được một bộ máy doanh nghiệp tốt, tìm mọi cách phụng sự khách hàng, làm tất cả để mang những gì tốt nhất đến cho khách hàng, bất cứ họ là ai và ở đâu. Tôi luôn tâm niệm rằng, bản chất và mục tiêu thật sự của bán hàng chính là giúp khách hàng thành công. Một điều quan trọng là phải nghĩ ra cách làm riêng, lối đi riêng chứ không chỉ sao chép. Bởi có thể sao chép được mô hình, cách làm nhưng ai có thể sao chép cái hồn cái cốt của người khác, của doanh nghiệp khác.
KHÔNG CHỈ PHỤNG SỰ NGƯỜI ĐỌC BẰNG NHỮNG CUỐN SÁCH CHỌN LỌC, THÁI HÀ BOOKS CÒN PHỤNG SỰ CỘNG ĐỒNG TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC VỚI NHIỀU HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ. ÔNG CÓ THỂ CHIA SẺ THÊM VỀ ĐIỀU NÀY?
Khi đại dịch Covid bùng phát, chúng tôi đã mở hàng chục ATM GẠO miễn phí trên cả nước và đã cùng với biết bao tấm lòng thơm thảo tặng tổng số hơn 1.000 tấn gạo. Rồi chúng tôi mở ATM SÁCH để tặng sách miễn phí trong mùa Covid. Tiếp đó chúng tôi làm ATM CÂY GẬY TRẮNG, tặng cây gậy trắng cho người mù ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai ATM TỦ SÁCH, mỗi tháng tặng ít nhất 2 tủ sách đến mọi miền đất nước, nhất là ở vùng sâu vùng xa như đảo Phú Quý, bà con dân tộc ít người ở Hoà Bình, Lào Cai, Tây nguyên,….
Với ATM SỰ TỬ TẾ, chúng tôi đã mang gạo và thực phẩm đến những người khốn khó của Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Myanmar, Srilanka và Campuchia. Đến với ATM GIẾNG NƯỚC, chúng tôi tặng giếng nước sạch cho bà con các vùng thiếu nước tại Gaya, Ấn Độ theo thông điệp của cuốn sách “Lấy nước đường xa”. Chúng tôi thật sự hạnh phúc khi phát tâm làm những việc thiện lành, bởi tôi nghĩ rằng, mình không làm được việc lớn thì làm những việc nhỏ nhưng với một trái tim lớn
Cám ơn những chia sẻ của ông.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã từng là Phó giám đốc Tập đoàn công nghệ FPT. Ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách về Quản trị kinh doanh và thực hành đạo Phật trong đời thường, như “Bài học từ người quét rác”, “Nhà máy sản xuất niềm vui”, “Thiền trong từng phút giây”,…. |
Theo Ngày Mới Saigon
Từ khóa : Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, Tôn vinh tiếng Việt