Bà Nguyễn Thị Điền – Tổng giám đốc, Công ty May Thêu Giày An Phước - Sáng tạo và đổi mới - chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh
Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu là một sự kiện lớn dành cho nữ giới được tổ chức hàng năm trên thế giới. Hội nghị quy tụ nhiều đại biểu là đại diện lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức phụ nữ trên toàn cầu cùng nữ lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Cùng đoàn nữ doanh nhân Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu năm 2024 tại Tây Ban Nha, bà Nguyễn Thị Điền – Tổng giám đốc, Công ty May Thêu Giày An Phước đã có những chia sẻ rất thú vị.
Được biết, sau hơn 30 năm phát triển, An Phước đã trở thành 1trong 20 công ty gia đình hàng đầu Việt Nam (Theo Forbes Việt Nam). Là người đặt nền móng cho An Phước, bà vui lòng giới thiệu thêm đôi nét về công ty?
Năm 1993, công ty May An Phước được thành lập. Đến năm 1997, cửa hàng An Phước – Pierre Cardin đầu tiên ra đời, bắt đầu giai đoạn phát triển mới sau khi An Phước trở thành đối tác chiến lược độc quyền của Société de Gestion Pierre Cardin tại Việt Nam, Lào và Campuchia.
Có thể nói, từ năm 2008 là giai đoạn phát triển đột phá của An Phước với hàng loạt thương vụ mua lại các công ty trong nước như công ty may Tân Bình Minh, công ty may Tân Việt. Năm 2010, An Phước mua lại cả công ty ở nước ngoài như Công ty thời trang GEBR.WEIS (CHLB Đức), công ty Tomiya Summit Garment Export (Nhật). Năm 2013, chúng tôi mua lại nhà máy sản xuất nội y FLD Việt Nam thuộc tập đoàn SPATZ của Pháp tại Nha Trang; và năm 2018, An Phước mua lại công ty Thương mại ITO CLOTHING tại Nhật Bản.
Sau hơn 30 năm hoạt động, hiện nay, An Phước sở hữu 9 nhà máy quy mô, cùng hơn 5.000 nhân sự. Công ty An Phước đã sản xuất được hàng triệu sản phẩm mỗi năm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của An Phước là Nhật Bản và EU. Thị trường nội địa tiếp tục phát triển với hệ thống cửa hàng thời trang thương hiệu An Phước - Pierre Cardin và Anamai - Bonjour trải dài trên khắp Việt Nam, phát triển kênh trực tuyến với hàng trăm nghìn lượt truy cập mỗi tháng tại www.anphuoc.com.vn.
Theo bà, những lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu đã mang đến cho nữ doanh nhân những gì?
Tôi bắt đầu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu từ năm 2007. Sau hơn 10 lần tham dự hội nghị, tôi đã có những trải nghiệm đáng giá và học được nhiều điều quý báu.
Đầu tiên là tinh thần “dám nghĩ dám làm” từ những nữ doanh nhân đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi. Bản thân tôi cũng khởi đầu bằng những ý tưởng, rồi mạnh dạn hiện thực hoá chúng. Năm 1992, chúng tôi chỉ là một xưởng may nhỏ với 60 công nhân và 40 máy may. Sau 5 năm, quy mô xí nghiệp đã mở rộng với 3 nhà máy và 1.200 công nhân tay nghề cao.
Năm 1997, cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đã kéo theo việc sụt giảm đơn hàng gia công, công nhân An Phước đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Trước tình hình đó, bằng niềm tin tuyệt đối về chất lượng sản phẩm và chuyên môn của đội ngũ nhân sự, tôi tiếp tục mạnh dạn đưa ra một quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình, chính là mua bản quyền licence của tập đoàn thời trang Pierre Cardin, nhờ đó đã đưa công ty vượt qua thách thức, mở ra một chặng đường mới cho An Phước. Từ những bài học và kinh nghiệm tích lũy được qua hành trình khởi nghiệp, tôi nhận thấy rằng tinh thần “dám nghĩ dám làm” là yếu tố quan trọng giúp phụ nữ vượt qua mọi thách thức trong sự nghiệp kinh doanh.
Thứ hai, tôi nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của quản trị nhân lực, đặc biệt khi An Phước chính là ngôi nhà chung của rất nhiều nhân sự nữ, đảm nhiệm vai trò khác nhau từ khâu sản xuất đến kinh doanh. Mỗi góc nhìn của một người phụ nữ đến từ các quốc gia lại mở ra cho tôi cơ hội được hiểu thêm về tâm lý của phái nữ, học thêm những cách để khai phá năng lực của họ. Đây là chìa khóa để xây dựng các chiến lược hiệu quả giúp doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba, tinh thần học hỏi không ngừng được củng cố và gia tăng khi tham gia hội nghị. Châm ngôn "Học, học nữa, học mãi" đã trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy tôi nỗ lực trau dồi kiến thức và kỹ năng để hoàn thiện bản thân. Tôi nhận thấy rằng, đứng ở vai trò lãnh đạo, việc hoàn thiện bản thân không chỉ mang lại lợi ích cá nhân, mà còn đóng góp vào sự phát triển của cả tập thể.
Cuối cùng, tôi cảm nhận được sự sáng tạo, quyết tâm và tầm nhìn của các nữ doanh nhân trẻ tuổi. Tinh thần hăng say và những ý tưởng mới mẻ từ các bạn trẻ là nguồn kiến thức quý báu, góc nhìn của thời hiện đại mà tôi có thể học hỏi.
Theo bà, để có thể sánh vai với doanh nhân nữ các nước trên đường hội nhập, các doanh nhân nữ Việt Nam cần có những yếu tố gì?
Phụ nữ ngày nay cần nhiều tố chất đặc biệt để thành công trong một thế giới kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng và đầy cạnh tranh. Theo tôi, có 3 yếu tố rất quan trọng:
Kinh nghiệm và sự học hỏi: Doanh nhân nữ cần phải tích lũy kinh nghiệm từ những trải nghiệm của mình và từ người khác. Quá trình này không chỉ đòi hỏi hành động mà còn bao gồm việc đánh giá, chỉnh sửa và rút ra bài học từ mỗi trải nghiệm. Bằng cách này, chúng ta có thể tự tin, phát triển kỹ năng quản lý và giải quyết vấn đề.
Năng động, sáng tạo và đổi mới: là yếu tố quyết định giúp phụ nữ tạo ra những giá trị mới và nắm bắt cơ hội trong thị trường đang biến đổi liên tục. Phụ nữ cần sẵn sàng thích ứng với những thay đổi và tìm cách tiếp cận vấn đề từ góc độ mới. Sự sáng tạo và đổi mới không chỉ giúp chúng ta tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, mà còn là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Liên tục cập nhật xu hướng toàn cầu: Phụ nữ cần phải liên tục cập nhật và nắm bắt các xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực của mình, bởi thành công của phụ nữ trong kinh doanh đòi hỏi không chỉ sự kiên nhẫn và quyết tâm; mà còn cần những kỹ năng, phẩm chất và thái độ phù hợp để thích nghi và vươn lên trong một môi trường không ngừng thay đổi.
Cám ơn những chia sẻ của bà.
|
Theo Ngày Mới Saigon
Từ khóa : Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc, Công ty May Thêu Giày An Phước, Sáng tạo và đổi mới, năng lực cạnh tranh