Phát triển nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh: Tín hiệu vui cho thị trường bất động sản

TP. Hồ Chí Minh đang tập trung đẩy mạnh xây dựng và phát triển các dự án nhà ở xã hội, điều này tác động tích cực đến thị trường bất động sản thời gian tới.

Tập trung phát triển nhà ở xã hội

Từ lâu, TP. Hồ Chí Minh được xem như là trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước, nơi đây luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các dự án bất động sản (BĐS).

Những năm qua, với sự gia tăng dân số đô thị nhanh chóng và sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhu cầu về nhà ở cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao. Nhận thức sâu rộng về tầm quan trọng của vấn đề này, chính quyền Thành phố đã đưa ra nhiều chính sách nhằm giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Theo đó, trong năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đã đặt ra những mục tiêu về sự phát triển chính sách xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội, gấp đôi so với năm 2023. Các dự án nhà ở xã hội được ưu tiên triển khai tại các khu vực xa trung tâm, kết nối giao thông đồng bộ, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.

Nhà ở xã hội là một dạng nhà ở được xây dựng với mức giá hợp lý hơn so với thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập thấp và trung bình. Chính sách này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống mà còn thúc đẩy sự phát triển ổn định của Thành phố trong thời gian tới.

 
Phát triển nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh: Tín hiệu vui cho thị trường bất động sản
Phát triển nhà ở xã hội mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản (Ảnh minh họa).

Theo ghi nhận, giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã giao cho TP. Hồ Chí Minh phát triển 26.200 căn hộ ở xã hội. Trong đó Thành phố đặt mục tiêu xây dựng được 35.000 căn hộ, bao gồm cả nhà lưu trú công nhân với 37 dự án. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành được 1 dự án nhà ở xã hội với 250 căn, còn lại 36 dự án. Trong đó, 6 dự án đang thi công, 30 dự án thực hiện các thủ tục pháp lý.

Hiện nay, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đã và đang được điều chỉnh bởi Luật Nhà ở hiện hành cùng với Nghị định về quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Các quy định liên quan đến đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đầy đủ và chặt chẽ.

Theo Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 76 đã quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội gồm những hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn mua nhà nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài hạn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở. Các ngân hàng cũng tích cực triển khai các gói vay ưu đãi dành cho nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà. Nhờ đó, không chỉ lượng cung nhà ở xã hội được mở rộng mà còn chất lượng dịch vụ và tiện ích xung quanh được nâng cao, mang lại một môi trường sống thân thiện và bền vững hơn cho cư dân.

Để hỗ trợ người dân có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội, chính quyền cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ giá nhà. Các khoản hỗ trợ này có thể bao gồm tài trợ vốn, giảm lãi suất cho vay hoặc các phương thức khác nhằm làm giảm khoản chi phí mua nhà cho người dân.

Nhờ những biện pháp này, giá thành nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh đã trở nên hợp lý hơn và phù hợp hơn với khả năng tài chính của người thu nhập thấp. Điều này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Tác động tích cực đến thị trường

Theo đó, những "cơn gió mới" từ chính sách nhà ở xã hội mang đến nhiều tác động đa chiều cho thị trường bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh giúp giảm áp lực lên chính sách nhà ở thương mại nhất là phân khúc bình dân. Đặc biệt, việc tăng cường đầu tư và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào các dự án nhà ở xã hội đã thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp xây dựng. Trước đó, nhà ở xã hội từng được đánh giá là kênh đầu tư tiềm năng với lợi nhuận ổn định và rủi ro thấp.

Dựa trên những tác động mà nhà ở xã hội mang lại dự đoán nửa cuối năm 2024, thị trường này vẫn sẽ còn là “điểm nóng” được săn lùng nhiều bởi nhiều chính sách hỗ trợ thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là các gia đình trẻ. Tâm lý người mua nhà có xu hướng ưu tiên lựa chọn nhà ở xã hội thay vì các phân khúc nhà ở thương mại giá cao.

Bên cạnh những tác động tích cực từ chính sách nhà ở xã hội, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh còn được dự đoán sẽ có diễn biến tích cực về mặt giá cả vào cuối năm 2024. Nhờ sự điều tiết của chính sách, giá nhà đất có thể sẽ ổn định, tránh tình trạng biến động mạnh như giai đoạn trước.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm siết chặt thị trường bất động sản, kiểm soát giá nhà đất. Nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, hạn chế tỷ lệ cho vay đối với nhà ở thứ hai, nhà nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp,... nhằm kiểm soát rủi ro và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng tăng cường quản lý thị trường bất động sản, đẩy mạnh thanh tra, xử lý vi phạm, công khai thông tin thị trường,... góp phần hạn chế tình trạng "sốt" giá ảo, tạo môi trường thị trường lành mạnh hơn.

Nhờ sự điều tiết hiệu quả của chính sách, tốc độ tăng giá nhà đất TP. Hồ Chí Minh được ghi nhận có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tháng gần đây. Thay vì những đợt tăng giá chóng mặt như trước đây, thị trường đang dần ổn định hơn.

Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng còn lại của năm 2024. Giá nhà đất có thể sẽ điều chỉnh nhẹ ở một số phân khúc, nhưng nhìn chung sẽ duy trì ở mức ổn định, phù hợp với giá trị thực của thị trường.

Minh Anh
Theo Báo Công Thương Điện Tử

Từ khóa : TP. Hồ Chí Minh, dự án nhà ở xã hội, thị trường bất động sản