Câu chuyện Việt Nam qua góc nhìn ẩm thực (Phần 2)

Hành trình giới thiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới đã bắt đầu từ lâu, nhưng chưa bao giờ lại quan trọng như hiện nay - trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới ghi dấu ấn hình ảnh thương hiệu quốc gia mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.
Mới đây, bà Tôn Nữ Thị Ninh- Chủ tịch Quỹ Hòa bình& Phát triển TPHCM, cựu Đại sứ tại Liên minh Châu Âu và Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã khởi xướng chuỗi luận bàn “Câu chuyện Việt Nam qua góc nhìn ẩm thực”, nhằm trao đổi, chia sẻ những giải pháp sáng tạo, chiến lược quảng bá hiệu quả để nâng tầm giá trị và đưa ẩm thực Việt Nam lên vị trí nổi bật trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Dưới đây là những chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, ẩm thực về chủ đề này.
Ông Lã Quốc Khánh - Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA), nguyên Phó giám đốc Sở du lịch TP.HCM.
Ẩm thực Việt Nam đã tạo nên triết lý sống và nghệ thuật sống
VCCA là một hiệp hội với sứ mệnh góp phần nâng tầm nền Văn hóa ẩm thực Việt Nam lan tỏa trong nước và trên thế giới, ông vui lòng cho biết các hoạt động của VCCA trong năm 2025?
Trong năm 2025, VCCA tập trung triển khai các hoạt động quan trọng, nổi bật là Đề án "Tổng tập Ẩm thực Việt Nam – Vietnam’s Foodmap". Cụ thể, VCCA sẽ xây dựng nền tảng công nghệ “Vietnam’s Foodmap” trên các nền tảng Super App và Web. Đây là không gian để bảo tồn, kết nối và phát huy các giá trị di sản văn hóa ẩm thực của dân tộc; đồng thời, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và giao thương trong ngành ẩm thực. Dự án này không chỉ tập trung vào ẩm thực mà còn là Super App đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này, với mục tiêu xây dựng một nền tảng toàn diện, kết nối tri thức,cộng đồng và thúc đẩy kinh doanh ở quy mô quốc tế.
VCCA sẽ đẩy mạnh và triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao giá trị ẩm thực Việt Nam và phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế, như:
- Bảo trợ truyền thông và Trưởng Ban Giám khảo cho cuộc thi "Asia’s Excellent Taste Awards 2025" do GCU (Global Culinary Union) tổ chức tại Hà Nội. Cuộc thi này nhằm vinh danh những sản phẩm ẩm thực xuất sắc nhất khu vực Châu Á, tạo cơ hội để quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới và khẳng định thương hiệu ẩm thực Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
- Sự kiện ra mắt đề án “Vietnam’s Foodmap”, công bố 500 món ăn đặc sắc
Việt Nam với nước mắm. Đây là một dự án lớn nhằm khẳng định sự phong phú và đa dạng của ẩm thực Việt Nam; đồng thời, thúc đẩy việc sử dụng nước mắm trong các món ăn– một sản phẩm truyền thống của Việt Nam.
- Lễ Vinh Danh các Nghệ Nhân Văn hóa Ẩm Thực Việt Nam đã có đóng góp và cống hiến cho Văn hóa Ẩm Thực Việt Nam. Đây là sự công nhận chính thống và theo đúng chức năng vai trò của một Hiệp Hội Văn Hóa Ẩm thực quốc gia được Bộ Nội Vụ và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận, nhằm tri ân và tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ẩm thực truyền thống của Việt Nam.
- Cuộc thi nấu ăn Món Ngon Gia Đình – Hành trình Yêu thương dành cho các hộ gia đình trên toàn quốc, nhằm tôn vinh tình cảm gia đình và giá trị ẩm thực truyền thống trong đời sống hàng ngày, khuyến khích các gia đình chia sẻ những món ăn truyền thống và câu chuyện gắn liền với văn hóa ẩm thực của gia đình mình.
- Lễ hội Tết Việt 2026 là sự kiện thường niên phục vụ người dân thành phố và các vùng lân cận trong mỗi dịp Tết đến; đồng thời, giới thiệu về văn hóa ẩm thực 3 miền vào dịp Tết truyền thống.
- Triển khai Dự án”Việt Nam, hành trình trở thành Kinh đô Ẩm thực mới của Thế giới” nhằm khẳng định vị thế của quố cgia trên bản đồ Ẩm thực Thế giới.
- Chương trình Văn hóa Trà Việt: đã tổ chức thành công 2 tập tại TP.HCM và 1 tập tại Đà Nẵng. Bên cạnh các hoạt động do VCCA đăng cai, tổ chức; VCCA cũng tích cực tham gia hỗ trợ, tư vấn và đồng hành cùng các sự kiện tại các địa phương, như Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Quảng Bình 2024, Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An, Lễ hội Tôm hùm – Cam Ranh 2024,…
- Các lớp đào tạo, workshop cho hội viên và công chúng: VCCA sẽ tổ chức định kỳ các lớp đào tạo và workshop dành cho hội viên và công chúng. Các khóa học này sẽ tập trung vào các kỹ năng chuyên môn như nghiệp vụ ẩm thực, kỹ năng mềm, quản lý, truyền thông và tổ chức sự kiện.
Các chương trình cụ thể bao gồm: Workshop (được tổ chức 1 lần mỗi tháng trong suốt 12 tháng); Khóa đào tạo (được tổ chức mỗi quý cho hội viên, bao gồm các khóa đào tạo ngắn hạn về các lĩnh vực chuyên môn liên quan đến ẩm thực).
Theo ông, để quảng Ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế một cách hiệu quả cần có những yếu tố nào?
Chúng ta có thể cân nhắc các yếu tố sau đây. Và cá nhân tôi tin rằng, những yếu tố này khi kết hợp một cách khéo léo, có thể giúp ATVN tiếp cận hiệu quả hơn với bạn bè quốc tế và xây dựng hình ảnh tích cực trên thị trường toàn cầu.
- Xây dựng nội dung chất lượng và hấp dẫn của Ẩm thực Việt Nam:
+ Đảm bảo nội dung quảng bá được trình bày bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đề dễ dàng tiếp cận nhiều nhóm đối tượng theo từng thị trường mà ẩm thực Việt Nam hướng đến.
+ Đầu tư vào hình ảnh, video và câu chuyện truyền cảm hứng liên quan đến ẩm thực Việt Nam để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam và khơi gợi ở thị trường nhắm đến.
+ Tận dụng nền tảng truyền thông quốc tế: Xây dựng sự hiện diện trên các mạng xã hội phổ biến toàn cầu (như Facebook, Instagram, Twitter, và LinkedIn).
+ Phát hành các bài viết trên những trang báo mạng, blog hoặc diễn đàn nổi tiếng trong lĩnh vực liên quan đến ẩm thực Việt Nam.
Đây cũng là những cố gắng mà VCCA đang triển khai trong Bộ tổng tập 1.000 Món ăn Việt – Vietnam’s Foodmap.
- Hợp tác với đối tác quốc tế:
+ Tìm kiếm những tổ chức hoặc cá nhân có ảnh hưởng trên thị trường quốc tế để hợp tác quảng bá. (Ví dụ Taste, Atlat,..)
+ Tham gia các sự kiện, hội thảo, hoặc triển lãm quốc tế để giới thiệu ATVN.
+ Chiến lược SEO và quảng cáo trực tuyến, cải thiện thứ hạng của Webtite, xuất hiện ở vị trí cao trên công cụ tìm kiếm quốc tế,…
+ Chạy các chiến dịch quảng cáo nhắm đến đối tượng quốc tế thông qua Google Ads, Facebook Ads, hoặc các nền tảng quảng cáo địa phương của từng quốc gia.
- Xây dựng uy tín và mức độ tin cậy:
+ Đưa ra các dẫn chứng, thành tựu hoặc đánh giá từ khách hàng quốc tế để chứng minh chất lượng và giá trị của ẩm thực Việt Nam.
+ Đảm bảo rằng mọi thông tin đều minh bạch và dễ hiểu đối với đối tượng quốc tế.
Với nhiều kế hoạch cụ thể như trên, ông kỳ vọng gì về sự lan tỏa ẩm thực Việt Nam ra thế giới trong thời gian tới?
Việt Nam có rất nhiều tài nguyên phục vụ cho ẩm thực; trong đó sự đặc sắc và đa dạng của thảm thực vật chính là nguồn nguyên liệu phong phú làm nên những món ăn tốt cho sức khỏe. Các nguyên liệu giúp tạo ra gia vị không phải chỉ để nấu ăn ngon mà còn là dược phẩm, dược liệu để trị bệnh, là sự cân bằng âm dương, ngũ hành hòa hợp.. Cộng với đó là sự tinh tế, cần cù của người dân Việt Nam đã tạo nên triết lý sống và nghệ thuật sống thông qua ẩm thực.
Đây là mục tiêu quan trọng khi lan tỏa ATVN ra thế giới để tạo được sự nhận biết sâu rộng về một thương hiệu hoặc sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, mang lại giá trị thực sự cho cộng đồng quốc tế. Tôi kỳ vọng rằng sự lan tỏa của ATVN sẽ không chỉ giúp mở rộng thị phần, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh tích cực cho sản phẩm, dịch vụ Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoài ra, việc tiếp cận được các thị trường lớn cũng sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác, từ đó tạo ra môi trường phát triển bền vững và toàn diện hơn.
Cám ơn những chia sẻ của ông.
Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) được thành lập ngày 12/6/2017 với sứ mệnh định hướng sưu tầm, phám phá, phục dựng và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực. Đặc biệt chú trọng đến yếu tố lịch sử, truyền thống để sáng tạo phù hợp với hội nhập ẩm thực đương đại cùng thế giới. |
Nhà báo Khổng Loan – Chuyên gia huấn luyện giao tiếp và phát ngôn
Ẩm thực là gốc rễ nói lên lối sống và văn hóa Việt Nam
Bà vui lòng giới thiệu về sáng kiến “Câu chuyện Việt Nam - Vietnam’s Narrative” ?
“Câu chuyện Việt Nam - Vietnam’s Narrative” do Nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa Bình& Phát triển TPHCM, cựu Đại sứ tại Liên minh Châu Âu và Bỉ, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khởi xướng; do tôi và bà Đặng Soan (CEO S-World) xúc tiến thực hiện.
Sáng kiến này bao gồm nhiều hoạt động, từ chuỗi các buổi luận bàn, như buổi luận bàn Định tính và định vị của ẩm thực Việt Nam khi quảng bá với thế giới, tới các chương trình Vietnam Speakers’ MasterClass cùng các hoạt động kết nối, quảng bá các doanh nghiệp, tài năng từ Việt Nam ra thế giới. Tất cả đều nhằm mục tiêu góp phần vào nỗ lực định vị, quảng bá thương hiệu Việt Nam, tiếng nói tiêu biểu cho Việt Nam trên thế giới.
Trong buổi luận bàn “Định tính và định vị cho ẩm thực Việt Nam khi quảng bá với thế giới” mới đây, chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về bản sắc và giá trị ẩm thực độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn kể những câu chuyện đầy cảm hứng với bạn bè quốc tế về văn hóa ẩm thực, những nhân tố và những con người đã tạo nên sự ảnh hưởng trong ẩm thực Việt Nam.
Buổi luận bàn đó có sự chủ trì của bà Tôn Nữ Thị Ninh, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, và luôn kiên định với mục tiêu quảng bá Việt Nam với thế giới – người cũng vừa tổ chức thành công diễn đàn Thời Khắc Việt kéo dài 2 ngày để thảo luận về thương hiệu quốc gia Việt Nam trong năm 2024, chúng tôi đã chào đón các chuyên gia và nhà lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, ẩm thực, nông nghiệp, du lịch, sản vật của Việt Nam để kết nối những ý tưởng, kinh nghiệm từ tất cả các thành phần trong xã hội. Chúng tôi cũng mời những nhà quan sát và trải nghiệm xã hội có bề dày xuất sắc để có thêm góc nhìn ẩm thực Việt Nam qua phim ảnh và phương tiện truyền thông đại chúng.Tất cả đều chia sẻ góc nhìn rất thú vị về vai trò của ẩm thực trong việc xây dựng thương hiệu của một quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo bà, ẩm thực gắn liền với thương hiệu Việt Nam như thế nào?
Chúng tôi tin rằng ở Việt Nam, ẩm thực chính là một kênh, một chiều kích nói lên rất nhiều điều về lối sống và văn hóa người Việt. Bởi vậy, lấy ẩm thực để soi sáng về tính đặc thù của lối sống và văn hóa Việt Nam là điều có thể dễ tiếp cận với tất cả mọi người.
Ẩm thực sẽ luôn ở đây, gắn liền với quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước, chứ không phải là một “phong trào” hay “xu hướng” mang tính ngắn hạn của các nhà đầu tư như chúng ta thường thấy trong xã hội hiện đại và có phần vội vã ngày nay. Ẩm thực mang tính gốc rễ, nền tảng, luôn ổn định dù vẫn có những biến thiên theo thời cuộc. Rõ ràng chúng ta thấy người phương Tây ăn uống khác, ta dĩ nhiên rất khác so với họ, và mỗi vùng miền của Việt Nam lại cũng khác nhau, tùy thuộc vào phong tục, tập quán - xuất phát từ khí hậu, thiên nhiên, sản vật vùng miền.
Thông qua ẩm thực, chúng ta sẽ thấy rất nhiều đặc tính của con người Việt Nam. Như bà Tôn Nữ Thị Ninh đã chia sẻ, đó là sự cởi mở. “Cởi mở là một đặc thù của con người và văn hóa Việt. Văn hóa Việt không đóng cửa, mà mở cửa. Ẩm thực và văn hóa Việt Nam có sự đa dạng và linh hoạt.”
Những điều đó tạo nên sự khác biệt của các món ăn của Việt Nam, và chúng tôi tin rằng khi kể với bạn bè quốc tế, họ sẽ biết, sẽ quen thuộc và rồi ẩm thực Việt Nam sẽ trở nên thân thương với họ. Khi ấy, thương hiệu quốc gia Việt Nam thực sự sẽ trở thành cái “hiệu” để được “thương”.
Bà kỳ vọng gì về sự phát triển thương hiệu ẩm thực Việt Nam trong thời gian tới?
Chúng tôi tin rằng hành trình giới thiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới đã bắt đầu từ lâu, nhưng chưa bao giờ lại quan trọng như hiện nay - trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới ghi dấu ấn hình ảnh thương hiệu quốc gia mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, câu chuyện ẩm thực là một “mỏ vàng” để khai thác, để kể chuyện, để chào đón thế giới đến với chúng ta và đưa chúng ta ra thế giới.
Chúng tôi may mắn được làm việc với nhiều nhà lãnh đạo, quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Chúng tôi cũng có mong muốn giới thiệu với thế giới hình ảnh Việt Nam đang phát triển tích cực, đặc sắc và hòa hợp. Vi vậy, sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện chuỗi sự kiện với nhiều chủ đề khác nhau, xoay quanh nhiều trụ cột khác nhau, với mong muốn góp phần vào việc khẳng định thương hiệu Việt Nam.
Cám ơn những chia sẻ của bà.
Nhà báo Khổng Loan với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực báo chí, truyền thông tại Việt Nam. Bà từng có 12 năm đảm nhiệm vai trò Phó Thư ký tòa soạn tại tạp chí Forbes Việt Nam. Với sáng kiến Spokesperson Training Vietnam, hiện nay, Khổng Loan là chuyên gia huấn luyện về phát ngôn & giao tiếp với truyền thông, báo chí và công chúng, nhằm hỗ trợ các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các nghệ sỹ tài năng có thể phát ngôn chuyên nghiệp, giao tiếp hiệu quả, và lèo lái thuần thục trong môi trường truyền thông sáng tạo và toàn cầu hiện nay. |
Ông Sam Korsmoe - Nhà văn
Việt Nam có nhiều tiềm năng để xây dựng thương hiệu ẩm thực toàn cầu
Được biết, ông đã sống và làm việc tại Việt Nam khoảng 20 năm. Ông vui lòng cho biết các hoạt động và dự án của ông liên quan đến Việt Nam và ẩm thực?
Trong thời gian ở Việt Nam, tôi đã có dịp đến nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều người và chứng kiến nhiều sự đổi thay rất tích cực.
Trong cuốn sách “Ngôi sao đang lên của Châu Á” của tôi và Brook Taylor (đồng tác giả) mới đây, chúng tôi có một nghiên cứu đầy đủ về du lịch và ẩm thực Việt Nam. Chúng tôi lập luận rằng ẩm thực là một trong những phương tiện để Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc tế. Điều này bắt đầu với các món ăn đơn giản như bánh mì hoặc phở và phát triển từ đó.
Hiện nay, Việt Nam là một "điểm đến hấp dẫn". Ngày càng có nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam để khám phá, trải nghiệm, và ẩm thực là một trong những lý do luôn hấp dẫn họ.
Theo ông, để quảng bá hiệu quả ẩm thực Việt Nam tới bạn bè quốc tế cần có những yếu tố nào?
Hiện nay, Việt Nam có khá nhiều chiến dịch và triển lãm về ẩm thực được tổ chức trong nước, thí dụ như Lễ hội Bánh Mì, Lễ hội món ngon,... Đây là một khởi đầu tuyệt vời và nên được tiếp tục. Tuy nhiên, việc quảng bá này không chỉ dừng lại trong nước, mà nên nhân rộng hơn ra quốc tế. Theo tôi, có 2 chiến lược mà chúng ta cần quan tâm.
- Đầu tiên, cộng đồng Việt Kiều có thể tổ chức các lễ hội ẩm thực tương tự tại các nước mà họ đang sinh sống như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, …. Điều quan trọng là các lễ hội đó không chỉ dành cho Việt Kiều, mà ban tổ chức nên kết nối, trao đổi với các nhóm doanh nghiệp, trường học, nhà thờ và công dân của các nước khác nhau đang sinh sống tại chỗ để mời họ trực tiếp tham gia lễ hội ẩm thực.
Đây sẽ là chiến lược tiếp thị hiệu quả cho những người chưa đi du lịch Việt Nam, hoặc chưa biết nhiều về văn hoá và ẩm thực Việt Nam.
- Chiến lược thứ hai là các đại sứ quán và lãnh sự quán Việt Nam trên toàn thế giới. Họ nên chủ động tổ chức các loại lễ hội ẩm thực này, thuê các nhà thiết kế và quản lý sự kiện chuyên nghiệp. Vì họ là các cơ quan chính phủ cấp cao, họ có thể làm việc trực tiếp với các nhà lãnh đạo thành phố và tiểu bang - mà một nhóm công dân bình thường không thể tiếp cận được.
Ông kỳ vọng gì về việc quảng bá ẩm thực Việt Nam trong thời gian tới?
Tại nước Mỹ chúng tôi, đồ ăn Thái có sự phổ biến đặc biệt đối với những người chưa bao giờ đến Thái Lan và có lẽ thực sự không đi du lịch nhiều. Vì nhiều lý do khác nhau, họ bị thu hút bởi đồ ăn Thái – không chỉ vì món ăn ngon, mà còn là cách trình bày, gắn nhãn hiệu và cả cách tiếp cận người tiêu dùng.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho việc xây dựng thương hiệu tương tự như vậy. Tôi hy vọng, bên cạnh những nỗ lực quảng bá trong nước, cộng đồng người Việt trên toàn thế giới và các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán Việt Nam tại các nước sẽ cùng chung tay để xây dựng thương hiệu toàn cầu cho ẩm thực Việt Nam.
Cám ơn những chia sẻ của ông.
Ông Sam Korsmoe - Nhà văn, nhà báo người Mỹ. Ông đã sống và làm việc tại Việt Nam gần 20 năm. Đây là một khoảng thời gian khá dài giúp ông có cơ hội nhìn thấy Việt Nam phát triển như thế nào trong nhiều năm qua. Cuốn sách gần đây nhất của ông là “Việt Nam - Ngôi sao đang lên của Châu Á”, được xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Việt. |
Bùi Trung Đức – Sáng lập & Điều hành, chuỗi khách sạn Amanaki
Ẩm thực Việt Nam là một nền ẩm thực nổi bật trên thế giới
Theo ông, ẩm thực gắn liền với thương hiệu Việt Nam như thế nào?
Với góc nhìn của người làm trong lĩnh vực du lịch, tôi luôn cố gắng thể hiện và giới thiệu các giá trị Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Tôi tin rằng ẩm thực là một phần quan trọng, xứng đáng được trân trọng, nhấn mạnh và tự hào của Việt Nam.
Để miêu tả về nền ẩm thực Việt Nam tôi xin được dùng các từ như đặc biệt đa dạng, cân bằng, hài hòa, sáng tạo và có tính cộng đồng. Ẩm thực Việt Nam đối với tôi gợi lên những cảm xúc chân thành, nhẹ nhàng và thoải mái. Không những vậy, ẩm thực Việt Nam còn phản ánh các kỹ thuật sơ chế cẩn thận, tỉ mỉ, độc đáo - kết quả của sự giao thoa giữa nhiều nền văn hóa. Ẩm thực Việt còn thể hiện sự sáng tạo trong việc phối hợp các nguyên liệu và cách trình bày mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn rất hấp dẫn, thu hút.
Tôi may mắn được trải nghiệm nhiều phong cách ẩm thực khác nhau trên thế giới, tôi có thể tự tin nói rằng, ẩm thực Việt Nam hoàn toàn có thể được đánh giá là một nền ẩm thực nổi bật trên thế giới.
Hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, ông đã giới thiệu ẩm thực và văn hoá Việt Nam đến du khách như thế nào?
Đối với lĩnh vực văn hóa, chúng tôi dành các không gian để hỗ trợ tổ chức các sự kiện triển lãm, biểu diễn nghệ thuật. Chúng tôi đồng tổ chức các chương trình lưu trú sáng tạo nghệ thuật với các tổ chức bảo trợ nghệ thuật quốc tế. Chúng tôi cũng chủ động đồng hành với các sự kiện nghệ thuật khác - với việc cung cấp dịch vụ ẩm thực.
Các tác phẩm nghệ thuật cũng là mảng không thể thiếu trong kiến trúc của các khách sạn và nhà hàng của chúng tôi. Chúng tôi tự hào khi có 1 khách sạn đầu tiên tại Việt Nam mời 7 nghệ sĩ thiết kế cho các tác phẩm nghệ thuật, được trưng bày trong từng tầng của khách sạn.
Đối với lĩnh vực ẩm thực, chúng tôi đề ra các tôn chỉ cho cách phát triển thực đơn: trân trọng ưu tiên nguyên liệu bản địa, lấy cảm hứng từ cách chế biến truyền thống Việt Nam sáng tạo cùng với kỹ thuật của các nền ẩm thực quốc tế. Quan trọng hơn nữa là từng món ăn, thức uống và cách phục vụ cần truyền tải thông điệp chân thành, cởi mở và chuyên nghiệp.
Để ẩm thực Việt Nam được quảng bá rộng rải ra thế giới, theo ông cần những yếu tố nào?
Sau một thời gian khá dài học hỏi và hoạt động trong ngành ẩm thực, tôi xin chia sẻ đôi điều:
Thứ nhất, cần có một sự thay đổi về tư duy căn bản của các bên liên quan. Không chỉ là các bên liên quan trực tiếp như người trong nghề mà còn cả các bậc phụ huynh, các cấp quản lý hay các nhà đầu tư và các ngành nghề khác. Sở dĩ tôi nói vậy, vì dường như đâu đó tâm lý coi nhẹ ngành ẩm thực vẫn còn khá rõ nét trong xã hội.
Tôi học về kỹ sư dân dụng và đã từng có nhiều người hỏi tôi: tại sao lại đi làm ngành dịch vụ? Tôi luôn trả lời: tại sao không? Vì cơ bản vẫn cần sự sáng tạo, vẫn cần kỷ luật, vẫn cần sự chỉn chu, tỉ mỉ, cẩn thận; và vẫn cần kỹ năng quản lý sắp xếp tổ chức một cách hiệu quả. Đây chính là các kỹ năng cốt lõi và quan trọng của tất cả các ngành nghề.
Theo tôi được biết, tại Phần Lan - một trong những quốc gia được đánh giá có nền giáo dục chất lượng cao và chế độ an sinh xã hội tốt nhất thế giới, đã triển khai: Học sinh sau khi học hết cấp 2 sẽ có khoảng 50% học sinh được định hướng đi học nghề như dịch vụ, công ích xã hội, và 50% học sinh học tiếp lên cấp 3 – dự bị đại học. Sau đó sẽ có khoảng 50% số học sinh được đề xuất đi học nghề kỹ thuật, cơ khí, điều dưỡng, quản lý nhà hàng khách sạn,… 50% số còn lại tiếp tục lên đại học. Các bạn học nghề sẽ vẫn có thể tiếp tục học lên cấp cao hơn sau thời gian học nghề và đi làm lấy kinh nghiệm.
Như vậy, có thể thấy, chất lượng nhân sự của ngành dịch vụ cần được đảm bảo và tiếp tục phát triển bền vững.
Thứ hai, cần có một quy tắc quản lý chất lượng thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa điểm kinh doanh hiệu quả.
Được biết, tại Thái Lan, kể cả các xe bán hàng rong ven đường cũng cần đăng ký các chứng chỉ này. Các chợ đêm ẩm thực tại Đài Loan (Trung quốc) cũng được đảm bảo và ý thức tuân thủ giữ gìn vệ sinh chung rất cao.
Tôi tin rằng, nếu ngành ẩm thực được tập trung thúc đẩy phát triển bền vững hơn, những nhân sự tương lai được đào tạo kỹ lưỡng hơn và khi họ có niềm tự hào với công việc của họ, họ sẽ có một con đường mưu sinh hoàn toàn ổn định hiệu quả và sẵn sàng gắn bó với nghề.
Ông có điều gì muốn nhắn nhủ với những người đam mê phát triển lĩnh vực ẩm thực không?
Tôi vẫn đang cố gắng dành thời gian để củng cố các kỹ năng cơ bản cho đội ngũ nhân viên và ý thức làm nghề nghiêm túc. Tôi mong có thể gặp gỡ những đồng nghiệp cùng chí hướng để có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau và cùng nhau phát triển.
Tôi cũng xin được gửi một hy vọng đến những người đam mê ẩm thực và trải nghiệm cuộc sống nói chung: nếu bạn thích điều gì hãy chia sẻ với chúng tôi - vì đó là động lực to lớn để chúng tôi cố gắng phấn đấu mỗi ngày.
Cám ơn những chia sẻ của ông.
Bùi Trung Đức tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ sư dân dụng ở Vương quốc Anh. Ông khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch khách sạn từ năm 2014. Hệ thống Amanaki gồm 2 khách sạn và nhà hàng, hoạt động với ba mục tiêu chính là lan tỏa thực hành phát triển bền vững, đồng hành cùng văn hóa nghệ thuật và trân trọng sự hợp tác kết nối của con người. |
Theo Ngày Mới Saigon
Từ khóa : ẩm thực Việt Nam, Việt Nam, thương hiệu quốc gia