Quyết tâm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi

(DĐDN) – Lễ ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng UBND 32 tỉnh, thành phố trong cả nước vừa diễn ra tại TPHCM đã khẳng định quyết tâm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/5/2016.

Những cam kết mà các địa phương đặt ra cùng VCCI được kỳ vọng sẽ “nói và làm”, các địa phương cùng bắt tay dưới sự giám sát của đại diện cộng đồng DN – VCCI, tháo gỡ những nút thắt hiện hữu của DN.
32 tỉnh, thành phố thực hiện kí cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp với VCCI trong đợt kí cam kết tập trung đầu tiên, bao gồm: UBND Tỉnh An Giang, UBND Tỉnh Bạc Liêu, UBND Tỉnh Bến Tre, UBND Tỉnh Daklak, UBND Tỉnh Bình Định, UBND Tỉnh Bình Dương, UBND Tỉnh Bình Phước, UBND Tỉnh Bình Thuận, UBND Tỉnh Cà Mau, UBND Tp. Cần Thơ, UBND Tp. Đà Nẵng, UBND Tỉnh Khánh Hòa, UBND Tỉnh Dak Nong, UBND Tỉnh Đồng Nai, UBND Tỉnh Đồng Tháp, UBND Tỉnh Gia Lai, UBND Tỉnh Hà Tĩnh, UBND Tỉnh Hậu Giang, UBND Tỉnh Kiên Giang, UBND Tỉnh Kom Tum, UBND Tỉnh Long An, UBND Tỉnh Ninh Thuận, UBND Tỉnh Phú Yên, UBND Tỉnh Quảng Bình, UBND Tỉnh Quảng Trị, UBND Tỉnh Sóc Trăng, UBND Tỉnh Tây Ninh, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND Tỉnh Tiền Giang, UBND Tỉnh Trà Vinh, UBND Tỉnh Vĩnh Long, UBND Tỉnh Vũng Tàu.

Theo đó, các cấp ban ngành địa phương đang nỗ lực, tận tâm xây dựng chính quyền điều hành theo mô hình chính quyền phục vụ, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng DN hoạt động kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN với mục tiêu tới 2020, cả nước đạt trên 1 triệu DN.

Mục tiêu của 32 tỉnh thành: Đạt 2/3 mục tiêu tới 2020

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, chủ trương của Đảng, Chính phủ với thực hiện các mục tiêu đổi mới kinh tế trong giai đoạn hiện nay đang bao gồm 2 “tuyến” hành động:

Một là Chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi, thể chế tốt nhất phục vụ DN.

Hai là đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Chính phủ đã, đang và sẽ có những quyết sách để tiếp tục thực hiện các mục tiêu hành động này. Cụ thể với các đề án nâng cao chất lượng thu hút vốn FDI, cổ phần hóa, nghiên cứu mô hình cơ quan độc lập hạn chế vai trò cơ quan đại diện của các Bộ ngành, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành Nghị quyết hỗ trợ nhưng không vi phạm các cam kết thương mại song phương, theo đúng luật và các cam kết, hỗ trợ hợp tác xã…” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời bày tỏ mong muốn các chính quyền địa phương sẽ nỗ lực tập trung giải quyết các nút thắt đang hạn chế sự phát triển của các thị trường.

Những cam kết mà các địa phương đặt ra cùng VCCI theo đó được kỳ vọng sẽ “nói và làm”, các địa phương cùng bắt tay dưới sự giám sát của đại diện cộng đồng DN – VCCI, tháo gỡ những nút thắt hiện hữu.

Giữa lễ ký cam kết, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi “lượng hóa”: 32 tỉnh có mặt cam kết, đặt mục tiêu phát triển bao nhiêu DN? Chủ tịch VCCI – TS Vũ Tiến Lộc cho biết, trong 32 tỉnh, có 11 tỉnh cam kết mục tiêu phát triển DN cụ thể với tổng số đạt trên 100.000 DN, không bao gồm TP HCM. Trong nhóm 11 tỉnh đặt mục tiêu, riêng Đồng Nai có đích nhắm hướng tới 32.000 DN.

“Nhìn chung, các tỉnh đều đặt mục tiêu tăng lượng DN thời gian tới. Có tỉnh tăng gấp 2 lần, có tỉnh tăng 1,5 lần, có tỉnh tăng cá biệt chỉ 0,4 lần. Riêng TP HCM đặt mục tiêu lớn tới 500.000 DN. Như vậy tổng thể sẽ có trên 600.000 DN mà 32 tỉnh đặt mục tiêu phát triển, đạt 2/3 mục tiêu cả nước có 1 triệu DN”.

“Các tỉnh còn lại chưa đăng kí mục tiêu số lượng cụ thể DN để thể hiện quyết tâm của tỉnh, báo cáo VCCI để VCCI tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Càng những tỉnh khó khăn, có thu ngân sách thấp càng phải hỗ trợ phát triển DN mới có thể phát triển kinh tế địa phương”-Phó Thủ tướng chỉ đạo.

“Nguồn” dồi dào

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, nhìn trên cả nước, cơ sở để vượt mục tiêu 1 triệu DN đến 2020 đang rất lạc quan. Ngoài 32 tỉnh đã kí kết và có mục tiêu cụ thể về số lượng DN phát triển, với trên 600.000 DN, VCCI cũng đã ký cam kết với Hà Nội – Thành phố có mục tiêu phát triển 300.000 DN. Như vậy, 30 tỉnh thành còn lại chỉ còn “nhiệm vụ” phát triển trên 100.000 DN là đã đạt mục tiêu đề ra.

“Dù vậy, chúng ta vẫn còn nền tảng và cơ sở rất lớn để có thể thực hiện mục tiêu vượt mức cao hơn. Đó là cả nước đang có 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có tới 1,6 triệu hộ có đăng kí kinh doanh. Đây chính là “nguồn” để có cộng đồng DN phát triển mạnh trong tương lai” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cập nhật kết quả số DN đăng kí mới và quay trở lại hoạt động, Phó Thủ tướng cũng lưu ý sau khi Chính phủ mới kiện toàn, ban hành Nghị quyết 35, đi vào điều hành nền kinh tế, số lượng DN đăng kí và quay trở lại phát triển kinh doanh đến thời điểm hiện nay đã có mức tăng ngoạn mục. Ngoài ra, đầu tư gián tiếp tăng gấp 6 lần và đầu tư trực tiếp tăng 2,34 lần. “Chúng ta đang có cơ sở cho niềm tin thực hiện các mục tiêu cao nhất của Nghị quyết 35” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Nhân sự kiện này, Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” một số việc cụ thể với VCCI và các tỉnh thành địa phương: Thứ nhất, xây dựng Bộ chỉ số về hỗ trợ, phát triển DN, định kỳ hàng năm công bố Bộ chỉ số cho các tỉnh, địa phương. Đặc biệt chú trọng vào tỷ trọng DN đăng ký kinh doanh nhưng có hoạt động, việc này giúp minh bạch hoạt động DN như thế nào và đo lường sức khỏe DN. Thứ hai, các dịch vụ hỗ trợ và phát triển DN như thế nào với mục tiêu hỗ trợ đặc biệt cho DN SMEs, thành lập các Trung tâm xúc hỗ trợ DN theo mô hình hợp tác công tư – ở các địa phương, thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ: 2 nguyên tắc hỗ trợ phát triển thị trường nhìn từ FDI

Thứ nhất, thu hút FDI theo nguyên tắc nội lực là quan trọng. Cuộc cách mạng thứ tư về kinh tế dự báo sẽ thay đổi sâu sắc bản chất nhiều hoạt động kinh tế xã hội, theo đó thu hút FDI là điều bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, tư duy thu hút FDI đã qua thời kỳ tỉnh thành nào cũng tạo các chính sách rải thảm đỏ mời FDI, chưa kể trên thảm đỏ dưới đinh, bằng mọi giá. Nhiều tỉnh có mong muốn TƯ, Bộ ngành hỗ trợ thu hút các tập đoàn lớn, đa quốc gia vào tỉnh mình, nhưng thực tế các tập đoàn đa quốc gia muốn vào tỉnh nào, họ đã nghiên cứu và không cần chờ “mời”. Mặt khác, chúng ta cũng phải thực thi giám sát với công tác của các tập đoàn đó.

Thứ hai, trong chiến lược tổng thể của cả nước, Chính phủ mong muốn các tỉnh thành thu hút, khuyến khích phát triển cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bàn những dự án cụ thể về đầu tư. Đó mới là cách đi khôn ngoan, bởi DN nhỏ và vừa của người ta là DN lớn của mình. Và họ cũng có công nghệ, quản trị hiện đại, có thể thỏa mãn hơn 90 triệu người dân với hàng triệu người lao động, sẵn sàng chia sẻ công nghệ, kết nối với doanh nghiệp VN, không phải lấn át doanh nghiệp VN.


TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI: Chính quyền hỗ trợ tối đa nhưng không làm thay DN

Với Nghị quyết 35/NQ-CP, lần đầu tiên Việt Nam có một Nghị quyết đặt mục tiêu lớn để phát triển cộng đồng DN với mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn với những con số cụ thể để đạt được những mục tiêu đó.

Về nhiệm vụ mà Chính phủ phối hợp cùng Lãnh đạo các tỉnh thành xây dựng Bộ chỉ số kinh doanh, hiện VCCI đang có Bộ chỉ số PCI, theo kế hoạch triển khai sẽ nghiên cứu hướng tích hợp 2 bộ chỉ số . Về Trung tâm hỗ trợ DN, thực tế, các nước phát triển đều đã làm, ở Việt Nam muốn thực hiện được rất cần sự chung tay nguồn lực từ DN. Qua nghiên cứu cụ thể, VCCI đề xuất 3 mô hình: Trung tâm hỗ trợ DN đặt tại UBND các tỉnh, thành. Bên cạnh đó là Sở kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra giao cho chính các Hiệp hội vận hành với sự hỗ trợ của các Sở, ban, ngành. Chính phủ, quan chức không làm thay DN trong kinh doanh, xúc tiến mà chỉ giữ vai trò hỗ trợ DN phát triển.

Bài: Lê Mỹ

Ảnh: Đình Đại

Theo Enternews.vn

Từ khóa : môi trường kinh doanh, vũ tiến lộc, vương đình huệ