Giải quyết các tranh chấp thương mại trong giai đoạn hội nhập

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập thế giới sâu và rộng như hiện nay, hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Do đó, khả năng phát sinh bất đồng, tranh chấp xảy ra là điều tất yếu.

Để biết thêm về việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong giai đoạn hội nhập, Ngày mới Saigon đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ  Vũ Trọng Khang – Phó chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Tp.HCM (TRACENT).

Thưa ông, để giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh cần những yếu tố và hình thức nào?

Giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh chính là việc lựa chọn các hình thức, biện pháp thích hợp để giải toả các mâu thuẫn, bất đồng, xung đột lợi ích giữa các bên, tạo lập lại sự cân bằng về mặt lợi ích mà các bên có thể chấp nhận được.

 Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường cần đáp ứng các yêu cầu sau : Nhanh chóng, thuận lợi; không làm hạn chế, cản trở các hoạt động kinh doanh; khôi phục và duy trì các quan hệ hợp tác, tín nhiệm giữa các bên trong kinh doanh; giữ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên trên thương trường; ít chi phí tốn kém nhất. 

Dù đó là tranh chấp gì đi chăng nữa thì vì sự công bằng và hiệu quả kinh tế mà cần thiết phải có một cơ chế để giải quyết tranh chấp. Tùy thuộc vào phong tục tập quán, truyền thống, trình độ phát triển kinh tế – xã hội mà mỗi quốc gia trên thế giới có các cơ chế giải quyết tranh chấp trong kinh doanh rất khác nhau. Ở Việt Nam,xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài ngày càng phổ biến, và Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Tp.HCM (TRACENT) là một trong những nơi đang thực hiện công việc này.

Thạc sĩ Vũ Trọng Khang và Luật sư Nguyễn Văn On - Chủ tịch TRACENT

Ông vui lòng cho biết chức năng của TRACENT?

TRACENT có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh (cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có thỏa thuận Trọng tài) từ hoạt động thương mại và các tranh chấp khác theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam kể cả các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Thẩm quyền của Tracent được xác định không phụ thuộc vào: Quốc tịch các bên tranh chấp, địa chỉ trụ sở giao dịch chính của các bên tranh chấp hay nơi các bên tranh chấp có tài sản, nơi ký kết hoặc thực hiện hợp đồng .

 Thủ tục đơn giản, nhanh chóng, dễ dàng, thân thiện. Quy tắc tố tụng Tracent không công khai, luôn bảo mật thông tin cho các bên.Các bên có thể tham gia trực tiếp tố tụng trọng tài hoặc ủy quyền cho người đại diện tham quá trình tố tụng tại Tracent. Các bên được tự do thỏa thuận về địa điểm trọng tài, ngôn ngữ tố tụng trọng tài, Luật áp dụng cho vụ tranh chấp…

Phán quyết của TRACENT là chung thẩm, được  thi hành bởi Cục Thi Hành Án Dân Sự Tp.HCM hoặc các Văn Phòng Thừa Phát Lại, có hiệu lực thi hành tại trên 150 quốc gia tham gia Công ước New York 1958. Mọi thay đổi, đình chỉ, hủy bỏ, vô hiệu của thỏa thuận không làm ảnh hưởng đến phán quyết của trọng tài.  

TRACENT (tiền thân là Trung tâm Trọng tài Kinh tế Sài Gòn) được thành lập theo Giấy phép số 2404/GP-UB ngày 08/10/1997 và Quyết định số 2107/QĐ-UB ngày 04/6/2003 của UBND TPHCM. Tracent là tổ chức phi chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

 TRACENT hoạt động theo Luật Trọng tài Thương mại 2010, (Luật số 54/2010/QH12); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự 2014 (Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014);  Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Ngoài 12 Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại của Việt Nam, trên thế giới đã có các Trung Tâm Trọng Tài từ rất lâu và nổi tiếng như : ICC tại Paris (International Chamber of Commerce, Int’l Court of Arbitration), LCIA tại Luân Đôn (London court of international Arbitration),  ICDR tại Mỹ (Int’l Centre for dispute  Resolution ), Các SIAC tại Singapore (Singapore International Arbitration Centre ),  HKIAC tại Hongkong (HK Inter’l Arb’n Centre)……..

Hầu hết các Quy Tắc Tố Tụng của các Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại đều dựa trên Luật mẫu về trọng tài thương mại Quốc tế, quy tắc trọng tài UNCITRAL (UNCITRAL Arbitration Rules (sửa đổi 2010), Công ước về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài.

Theo Ngày Mới Sài Gòn - NXB Thanh Niên

Từ khóa : TRACENT, Vũ Trọng Khang