Giải thưởng chất lượng quốc gia: “Thúc” doanh nghiệp nâng năng suất

(DĐDN)- 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) chính là công cụ để giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao giải cho các DN tại Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2014 được tổ chức ngày 22/3/2015 tại Hà Nội.

Đây là một Giải thưởng uy tín được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan thường trực giúp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Ông Trịnh Đình Năng – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhiệt công nghiệp HTL:Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có một phương pháp tiếp cận để quản lý doanh nghiệp rất khoa học, phù hợp với mọi doanh nghiệp dù sản xuất quy mô nhỏ hay vừa. Đây sẽ là một cách tiếp cận đúng đắn cho hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Nguyên – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc – Hóa dầu Bình Sơn:
Nâng cao chất lượng sản phẩm là mục tiêu trong chiến lược của doanh nghiệp. Với tiêu chí sản phẩm do Lọc – Hóa dầu Bình Sơn sản xuất ra phải luôn đáp ứng yêu cầu không chỉ về chất lượng mà còn về môi trường và an toàn sức khỏe, từ năm 2009, Công ty đã xây dựng Hệ thống quản lý tích hợp QHSE trên phạm vi toàn công ty để quản lý đồng bộ các vấn đề nói trên theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008, ISO 14001:2004 và OHSAS 18001:2007.

Giải thưởng Chất lượng duy nhất được Thủ tướng ký quyết định trao tặng

Ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho biết, năm 1995, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã phát động phong trào Chất lượng. Năm 1996, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được chính thức ban hành. Giải thưởng không chỉ đơn thuần là một giải thưởng mà là công cụ để giúp cho doanh nghiệp quản lý, vận hành để sao cho sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người tiêu dùng, đồng thời có năng suất, chất lượng và giá thành hợp lý để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Trên cơ sở đó, 7 tiêu chí của Giải thưởng sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và cải tiến quá trình sản xuất. Doanh nghiệp có cam kết về định hướng hoạt động, định hướng chất lượng một cách nghiêm túc thì họ sẽ xác định được chiến lược chính sách với khách hàng, tiêu chí của sản phẩm hàng hóa là gì, mức độ đáp ứng, giá thành ra sao để từ đó thiết kế được sản phẩm phù hợp với yêu cầu. Với định hướng khách hàng như vậy, doanh nghiệp sẽ quản lý nhân lực, đầu vào đầu ra để đạt yêu cầu” – ông Vinh nhấn mạnh .

Cũng theo ông Vinh, kết quả của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng có phù hợp hay không, doanh nghiệp lại phân tích, đánh giá, xác định điểm mạnh, điểm yếu để cải tiến quy trình và sản phẩm. Tất cả quá trình trên tạo thành vòng tròn xoáy trôn ốc liên tục để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành, khẳng định vai trò của mình trên thị trường.

7 tiêu chí

Giải thích cụ thể hơn về cách đánh giá, chấm điểm các doanh nghiệp tham dự dựa trên bộ tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Phó Đức Sơn – Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Ủy viên Thư ký Hội đồng Giải thưởng cho biết, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia gồm 7 tiêu chí được chia thành 18 hạng mục tiêu chí. Trong đó bao gồm: Vai trò của lãnh đạo; Hoạch định chiến lược; Định hướng vào khách hàng; Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; Định hướng vào nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động; Kết quả hoạt động.

Các yêu cầu của tiêu chí được thể hiện thành hơn 200 câu hỏi. Tổng điểm tối đa của 7 tiêu chí là 1.000 điểm. Các doanh nghiệp tham gia được đánh giá theo 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đối với từng loại hình doanh nghiệp và theo phương pháp chuyên gia đánh giá cho điểm. Doanh nghiệp được xét tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia phải có số điểm từ 600 điểm trở lên.

Trong đó, Hội đồng sơ tuyển do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội đồng sơ tuyển có từ 7 đến 11 thành viên là đại diện các Sở, Ban, ngành và các tổ chức có liên quan tại địa phương. Hội đồng quốc gia do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập theo đề nghị của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Số lượng thành viên Hội đồng quốc gia từ 11 đến 17 thành viên là đại diện của các Bộ, ngành, cơ quan và tổ chức có liên quan. Hội đồng quốc gia quyết định danh sách các doanh nghiệp đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia”, ông Phó Đức Sơn nói.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là giải thưởng về chất lượng do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng.

Phát huy thực lực doanh nghiệp

Đánh giá về chất lượng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, có 3 vấn đề quan trọng nhất để định vị thương hiệu Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Thứ nhất, có khoảng 60 Giải thưởng Chất lượng cấp cho các sản phẩm hàng hóa được cấp cho các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, đây là giải thưởng chất lượng cao nhất, duy nhất được ghi nhận trong Luật.

Thứ hai, cùng với việc tham gia là thành viên chính thức của Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được Tổ chức này ghi nhận chính thức.

Thứ ba, bên cạnh ý nghĩa mang tính tôn vinh, tìm ra doanh nghiệp đẩy họ lên trên cao phất cờ, thông điệp chúng tôi muốn gửi là việc áp dụng các mô hình quản lý của doanh nghiệp, là các mô hình tiên tiến nhất trên thế giới. Một trong những điều cốt lõi nhất là doanh nghiệp muốn bền vững phải phát huy năng lực thực sự” – ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.

Theo Trần Hoài (enternews.vn)

Từ khóa : Giải thưởng,chất lượng quốc gia