Tập đoàn Vestas Đan Mạch muốn đón đầu thị trường điện gió ở Việt Nam

BizLIVE - Tập đoàn cung cấp tua-bin gió Đan Mạch đã nhanh chóng triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam nhằm đón đầu các cơ hội khi Việt Nam chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Vestas nhận thấy tiềm năng lớn của điện gió tại Việt Nam. Ảnh: cyberspaceandtime.com
Nhằm đón đầu các cơ hội lớn từ ngành công nghiệp điện gió, Tập đoàn Vestas của Đan Mạch vừa thành lập chi nhánh Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội và sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác để triển khai các dự án mới tại đây, ông Chris Beaufait, Chủ tịch Vestas Châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc cho biết.
Tại Hội thảo Năng lượng gió sáng ngày 29/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió trên 3.000 km2, tương đương 10.000 MW trên đất liền. Theo lộ trình, Việt Nam sẽ phát triển 800 MW điện gió vào năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng nhu cầu điện. Mục tiêu là phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030.  
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3 dự án điện gió nối lưới với tổng công suất lắp đặt 150 MW. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ suất đầu tư của điện gió cao, giá mua điện còn thấp và nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu, thứ trưởng nói.
Ông Chris Beaufait cho biết Việt Nam là quốc gia có trữ lượng gió lớn, thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Điện gió có tương lai sáng sủa tại Việt Nam. Thứ nhất, nhu cầu điện của Việt Nam hiện tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 10%/năm. Thứ hai, năng lượng gió giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng thông qua việc giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và những biến động trên thị trường than đá và dầu khí quốc tế.
Thứ ba, điện gió không bị chi phối bởi các yếu tố đầu vào như nguồn nước hay hiện tượng hạn hán, do đó có thể giúp loại bỏ một số thách thức là thủy điển gặp phải.
 
 
Ông Chris Beaufait, Chủ tịch Vestas Châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc. Ảnh: Minh Tuấn
Vào Việt Nam ngay từ khi Chính phủ bắt đầu xây dựng lộ trình phát triển điện gió, Vestas vừa cung cấp 12 tua-bin gió cho nhà máy điện gió Phú Lạc 1 với công suất 24 MW do EVN làm chủ đầu tư tại Bình Thuận.
Trong năm 2017, Vestas sẽ hoàn thành dự án nhà máy điện Hương Linh 2 có công suất 30 MW tại Quảng Trị do Tổng công Tân Hoàn Cầu làm chủ, ông Chris Beaufait cho biết thêm.
Nhận thức được các rào cản phát triển điện gió tại Việt Nam, đại diện của Vestas bày tỏ lạc quan rằng giá đấu lưới điện gió của Việt Nam sẽ tăng và cạnh tranh được với các nguồn phát điện khác khi giá than và dầu khí tăng trở lại.
“Do đó, Vestas muốn trở thành một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam trước khi các nhà đầu tư khác nhảy vào”, ông nói.
Vestas sẽ xem xét xây dựng một nhà máy sản xuất tháp gió tại Việt Nam để đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu điện gió tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện của tập đoàn này cho biết.

Theo MINH TUẤN (BizLive.vn)

Từ khóa : Tập đoàn Vestas,điện gió