CEO của năm: Mark Parker trượt dài, Mark Zuckerberg lên thế chỗ
BizLIVE - Tạp chí Fortune vừa công bố danh sách "50 lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc của năm". Trong khi, Mark Parker - CEO Nike rớt từ vị trí số 1 của năm 2015 xuống vị trí thứ 24 của năm 2016 thì Mark Zuckerberg - CEO Facebook lại vươn từ vị trí thứ 2 năm ngoái lên vị trí số 1 của năm nay.
Mark Parker - CEO Nike và Mark Zuckerberg - CEO Facebook.
Danh sách "50 lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất năm 2016" vẫn xuất hiện nhiều cái tên quen thuộc như: Mark Zuckerberg, Tim Cook, Jack Ma, Travis Kalanick, Howard Schultz,... nhưng cũng vắng bóng một vài nhân vật xuất chúng như Elon Musk, Lei Jun, Jamie Dimon và thay vào đó là một số tên tuổi khá mới như Cheng Wei, Jen Hsun Huang,...
Đặc biệt, top 10 năm nay đã có những sự thay đổi đáng kể. Ngoài CEO Nike Mark Parker rớt từ vị trí số 1 xuống vị trí 24, thì CEO Apple Tim Cook cũng rớt từ vị trí thứ 4 xuống vị trí 11, CEO Mastercard Ajay Banga rớt từ vị trí thứ 5 xuống vị trí 40,... Ở chiều ngược lại, CEO Amazon Jeff Bezos, CEO Didi Chuxing từ không có tên trong danh sách 50 năm ngoái đều ghi danh vào top 10 năm nay với vị trí lần lượt là 2 và 8, trong khi CEO Google Larry Page cũng vươn từ vị trí 11 lên vị trí thứ 4.
Dưới đây là top 10 lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất năm 2016:
1. Mark Zuckerberg - CEO Facebook
Ảnh: Getty Images.
Mark Zuckerberg đang vận hành "cỗ máy" Facebook trị giá 350 tỷ USD với gần 1,8 tỷ người dùng trên toàn cầu. Facebook cũng là một gã khổng lồ trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến với doanh thu từ quảng cáo năm 2016 ước tính khoảng 27 tỷ USD, trong đó riêng quý III vừa qua là 7 tỷ USD.
Không giống như một số đồng sáng lập các công ty lớn khác thường rút về vị trí chủ tịch sau khi công ty đã lớn mạnh, Zuckerberg vẫn là CEO của Facebook trong suốt 12 năm điều hành Facebook từ một mạng xã hội trong quy mô trường đại học cho tới quy mô toàn thế giới hiện nay.
Và mặc dù có nhiều tin đồn về việc Facebook có thể không tập trung vào mạng xã hội nữa mà chuyển sang phát triển điện thoại thông minh, cũng như Facebook đang dần mất đi sức hấp dẫn với những người trẻ thì Mark Zuckerberg vẫn là vị thuyền trưởng có tầm nhìn chiến lược về các sản phẩm và mảng kinh doanh của công ty. Thông qua các thương vụ mua lại và thường xuyên ra mắt các ứng dụng mới, Zuckerberg đã giữ cho Facebook một chỗ đứng vững chắc trước các cuộc tấn công toàn diện từ các đối thủ như Google, Twitter, Snapchat,...
Một nghiên cứu về phương pháp quản lý của Zuckerberg đã tiết lộ rằng thành công mà tỷ phú trẻ tuổi này đạt được dựa trên ba trụ cột: có tầm nhìn chiến lược và đúng đắn về tương lai; quan điểm lãnh đạo nhất quán, và có kỷ luật kinh doanh cao được duy trì thường xuyên bằng đam mê và óc sáng tạo.
2. Zeff Bezos - CEO Amazon
Ảnh: Wesley Mann.
Amazon đang là gã khổng lồ thống trị ngành bán lẻ với doanh thu và lợi nhuận khủng. Trong 6 quý liên tiếp Amazon luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Trong 12 tháng qua, doanh thu của Amazon ước đạt 2,1 tỷ USD, phần lớn là doanh thu bùng nổ từ mảng kinh doanh điện toán đám mây.
Amazon đang trở thành một thế lực trong mảng phần cứng và trí tuệ nhân tạo, cũng như máy tính bảng giá rẻ.
Ngoài ra, Jeff Bezos cũng đang lấn sân sang mảng truyền hình, phim ảnh và nhiều kế hoạch "khủng" khác. Với khoảng 66 tỷ USD tài sản, Bezos đã mua và giúp làm sống lại Washington Post. Đồng thời, công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của ông cũng đã đưa thành công bốn quả tên lửa vào quỹ đạo. Năm 2017 có lẽ sẽ là một năm khó khăn với Bezos để có thể cùng lúc duy trì vị trí dẫn đầu của tất cả các lĩnh vực trên.
3. Mary Dillon - CEO Ulta Beauty
Ảnh: Rebecca Greenfield/Fortune.
Từ một cựu binh từng có thời gian làm việc tại nhiều công ty lớn như McDonald, Gatorade hay US Cellular trước khi chuyển sang Ulta, Mary Dillon đã khéo léo chèo lái con thuyền Ulta và giúp nó nhanh chóng mở rộng vào giữa năm 2013 sau một thập kỷ bế tắc để đạt được doanh thu và lợi nhuận tăng gấp đôi.
Và hiện nay, mặc dù không cần xuất hiện tại các khu trung tâm mua sắm sang trọng tại các đô thị lớn, Ulta vẫn là chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ mỹ phẩm lớn nhất nước Mỹ. Điều này chứng tỏ sự hào nhoáng bên ngoài chẳng là gì so với kết quả cụ thể đạt được.
4. Larry Page - CEO Alphabet
Ảnh: Jeff Chiu/AP.
Cơ cấu doanh nghiệp thay đổi có thể chẳng làm nên một huyền thoại kinh doanh, nhưng rõ ràng tầm nhìn của Larry Page về việc biến Google thành một công ty cổ phần mang tên Alphabet như kiểu Tập đoàn Berkshire Hathaway đã được thực hiện thành công trong năm qua.
Cổ phiếu Alphabet đã tăng 34% kể từ khi tổ chức lại, tách riêng các mảng của Google như kinh doanh quảng, hệ điều hành di động Android, điện toán đám mây, và mạng video YouTube, cũng như đầu tư cho mảng xe hơi tự lái và kính thông minh. Page thậm chí còn đang triển khai một dự án tên lửa để hỗ trợ cho phát triển xe hơi bay thông qua startup do chính ông sáng lập mang tên Zee.Aero.
5. Satya Nadella - CEO Microsoft
Ảnh: Veronique de Viguerie/Getty Images.
Kể từ Satya Nadella đưa ra những thay đổi vào đầu năm 2014, Microsoft đã thay đổi hoàn toàn để trở nên hoàn thiện hơn. Ông đã hướng công ty tập trung vào máy tính cá nhân và điện toán đám mây để quay lại vị trí dẫn đầu. Trong ba năm qua, Microsoft đã chi 9,4 tỷ USD cho mảng kinh doanh điện thoại mua lại từ Nokia và bán ứng dụng bản đồ Bing cho Uber. Hãng cũng chi cả tỷ USD vào việc xây dựng các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu để hỗ trợ cho các sản phẩm phát triển trên nền tảng đám mây. Đồng thời, tập trung nguồn lực đáng kể cho các nền tảng phần mềm.
"Satya là một nhà lãnh đạo tuyệt vời cho Microsoft", cựu CEO Steve Ballmer, người vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất của Microsoft nhận xét.
6. Brad Smith - CEO Intuit
Ảnh: Brian Flaherty/The New York Times.
Brad Smith đang làm những gì mà mọi CEO của một công ty thành công phải làm, nhưng hơn thế nữa ông còn dám phá vỡ những thành công đã đạt được và đưa ra những đột phá về công nghệ để định hình lại cả ngành công nghiệp.
Intuit năm nay đã hạ giá bán phần mềm giám sát tài chính cá nhân Quicken, và đang đặt cược lớn vào phần mềm kế toán QuickBooks - một dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây. Quyết định táo bạo của Brad Smith đã vấp phải những tranh cãi trái chiều trong nội bộ công ty, nhưng đã và đang mở ra cánh cửa cho nền tảng của tất cả các ứng dụng, bao gồm cả những ứng dụng của các đối thủ cạnh tranh với các dịch vụ riêng của Intuit, ví dụ ứng dụng xử lý bảng lương cho doanh nghiệp nhỏ.
Hơn thế nữa, Intuit vẫn thường xuyên có tên trong bảng xếp hạng những công ty tốt nhất để làm việc của Fortune. Các nhà đầu tư khá hài lòng với lợi nhuận vượt bậc của Intuit khi chuyển sang mô hình kinh doanh mới, nhất là khi giá cổ phiếu của công ty này gần đây đã đạt được mức cao kỷ lục.
7. Jen Hsun Huang - CEO Nvidia
Ảnh: Nvidia.
Trong khi các công ty chip như Intel và Qualcomm phải chật vật cạnh tranh trong những năm gần đây, thì Nvidia vẫn "sống khỏe". Những người yêu game video rất hài lòng với những gì mà bộ xử lý đồ họa chuyên nghiệp (GPU) của Nvidia cung cấp, còn các nhà đầu tư cũng vui vẻ đặt cược vào hai xu hướng công nghệ mà Jen-Hsun Huang đang tập trung phát triển là trí thông minh nhân tạo và thực tế ảo.
Sự lạc quan về triển vọng của các công nghệ mà Huang đặt cược đã đẩy giá cổ phiếu của công ty này tăng hơn 2 lần trong vòng 12 tháng qua.
8. Cheng Wei - CEO Didi Chuxing
Ảnh: Didi Chuxing.
Khi Uber thâm nhập vào Trung Quốc một vài năm trước đây, công ty này đã kỳ vọng có khả năng chiếm lĩnh thị trường như một số nước khác nhưng không ngờ lại "chạm mặt" đối thủ địa phương Didi Chuxing. Mặc dù khởi đầu từ một startup nhỏ nhưng Cheng Wei đã sáp nhập nhiều đối thủ nhỏ khác trong nước để tạo thành Didi Chuxing và sau đó sử dụng kinh phí tài trợ từ Apple và Tencent để phát động một cuộc chiến tốn kém với Uber.
Didi đã dành 1 tỷ nhân dân tệ để phát triển ứng dụng lái xe miễn phí, bất ngờ xuất hiện ở 400 thành phố trong khi Uber chỉ vẻn vẹn trong vài chục thành phố. Hơn thế nữa, Didi còn đầu tư hàng trăm triệu USD vào Lyft - đối thủ của UBer tại Mỹ. Cuộc chiến không cân sức này cuối cùng đã buộc Uber phải thừa nhận thất bại, và buộc phải bán mình cho Didi vào mùa hè năm nay.
Didi hiện trị giá được định giá khoảng 35 tỷ USD và mặc dù chưa mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều "đất" để phát triển nhờ đang kiểm soát thị trường vận tải lớn nhất thế giới.
9. Rodney Sacks - CEO Monster Beverage
Ảnh: Monster Beverage.
Khi thị trường đồ uống năng lượng đang bùng nổ, công ty của Rodney Sacks đã thu lợi nhuận lớn. Năm 1992, ông và Hilton Schlosberg đã mua lại Hansen’s Natural, một doanh nghiệp nước uống thuộc sở hữu gia đình với giá 14,6 triệu USD. Mười năm sau hai ông và người đồng nghiệp Mark Hall đã cho ra đời loại nước tăng lực Monster Energy đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Red Bull.
Tuy nhiên, những năm gần đây khi nước uống nhiều đường không còn được ưa chuộng, Rodney Sacks bắt đầu định hướng công ty sang sản xuất các loại thức uống tự nhiên. Năm 2015, Monster Beverage thu được lợi nhuận kỷ lục 546 triệu USD trên tổng doanh thu 2,7 tỷ USD.
10. Jack Ma - Chủ tịch điều hành Alibaba
Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg/Getty Images
Tại hội nghị G-20 của các nhà lãnh đạo diễn ra tại Hàng Châu năm nay, Jack Ma đã đề xuất một kế hoạch kết nối thương mại điện tử toàn cầu. Khi George Soros dự đoán về tình trạng u ám của nền kinh tế của Trung Quốc, Jack Ma đã phản biện bằng một bức tranh tăng trưởng tươi sáng. Khi danh sách các nhà hảo tâm hàng đầu Trung Quốc được công bố, Jack Ma đứng đầu.
Với một tính cách vui vẻ, tiếng Anh tốt, và sẵn sàng để phát biểu ở bất cứ nơi nào, Jack Ma đã trở thành nhà lãnh đạo đại diện cho lớp doanh nhân thế hệ mới của Trung Quốc.
Hãng thương mại điện tử Alibaba do ông sáng lập hiện đang tăng trưởng rất tốt. Với việc chi 1 tỷ USD để kiểm soát Lazada - một trang web thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á, Alibaba đang ngày càng lộ rõ tham vọng mở rộng ra toàn cầu mở rộng quốc tế. Kết quả là doanh thu của hãng đã tăng lên gấp gần 7 lần so với năm 2012 và cổ phiếu của Alibaba là tăng 20% trong năm 2016.
Theo ĐINH THƠM (BizLive.vn)
Từ khóa : Mark Zuckerberg,CEO,Facebook