Chuyện đại gia địa ốc phía Nam tấn công thị trường Hà Nội

BizLIVE - Việc “Bắc tiến” để phát triển dự án tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc của doanh nghiệp địa ốc phía Nam lại là một chuyện lạ và nhiều doanh nghiệp "Bắc tiến"chỉ có thể phát triển được 1 dự án.

Tham gia liên doanh chủ đầu tư khu đất X3 Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) từ năm 2010, nhưng đến năm 2016, Tập đoàn SSG mới thực hiện được tham vọng "Bắc tiến". Ảnh toàn cảnh lô đất X3 một phần làm sân tập golf, một phần là dự án Mỹ Đình Pearl. Ảnh Thiều Quang.

Chuyện đại gia bất động sản phía Nam “Bắc tiến” để chào bán sản phẩm dự án phía Nam từng bùng nổ và diễn ra khá phổ biến trong quá khứ. Thế nhưng, việc “Bắc tiến” để phát triển dự án tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc của doanh nghiệp địa ốc phía Nam lại là một chuyện lạ và nhiều doanh nghiệp "Bắc tiến"chỉ có thể phát triển được 1 dự án.

“Bắc tiến” để… thoát hàng

Trước năm 2014, khi thị trường bất động sản Hà Nội còn chìm trong khó khăn, không có bất kỳ dự án hay kênh đầu tư tài chính nào có thể giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn và sinh lời.

Nắm bắt được cơ hội này, doanh nghiệp địa ốc phía Nam đã nhanh chóng “Bắc tiến”, giới thiệu hàng loạt dự án có mức giá rất rẻ, với cam kết lợi tức cao hơn hoặc tương đương lãi suất ngân hàng từ hoạt động cho thuê lại căn hộ.

Theo đó, đã có hẳn một trào lưu doanh nghiệp địa ốc phía Nam “Bắc tiến” bán bất động sản thuộc phân khúc căn hộ và nhà phố thương mại.

Trào lưu này diễn ra sôi động nhất thông qua các kỳ Hội chợ triển lãm Vietbuild diễn ra tại Hà Nội. Ngoài sự kiện này, các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Kiến Á… thậm chí còn liên tục tổ chức các buổi lễ ra mắt hoàn tráng riêng để giới thiệu sản phẩm đến nhà đầu tư phía Bắc.

Các hoạt động chào bán bất động sản tại các dự án phía Nam tại thị trường Hà Nội đã giúp doanh nghiệp địa ốc phía Nam bán được nhiều sản phẩm. Thậm chí giai đoạn này, nhiều dự án tại TP. HCM đã ghi nhận có đến 50-60% giao dịch đến từ nhà đầu tư Hà Nội.

Sau năm 2014, khi phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ, thị trường bất động sản 2 miền đều sôi động trở lại, hoạt động “Bắc tiến” của doanh nghiệp địa ốc phía Nam rất ít và chỉ xuất hiện với một số dự án căn hộ nghỉ dưỡng.

Và Bắc tiến với… 1 dự án!

Có một thực tế thú vị là trong khi các doanh nghiệp địa ốc phía Nam rầm rộ “Bắc tiến” chào bán sản phẩm tại dự án phía Nam, thì hoạt động “Bắc tiến” đầu tư dự án tại Hà Nội lại diễn ra mờ nhạt. 

Đến nay, thị trường mới chỉ ghi nhận có một vài trường hợp đặc biệt doanh nghiệp phía Nam “Bắc tiến” tại thị trường Hà Nội.

Cụ thể vào năm 2009, Tập đoàn Trung Thủy đã “Bắc tiến” triển khai dự án Lancaster tại số 20 Núi Trúc (quận Ba Đình, Hà Nội).

Tại TP. HCM, thương hiệu dự án Lancaster đã nổi tiếng, được tập đoàn Trung Thủy phát triển thành chuỗi tại các vị trí đắc địa.

Việc “Bắc tiến” đầu tư tại Hà Nội, Tập đoàn Trung Thủy đã phải liên doanh với Viện nghiên cứu Da giày, đơn vị góp vốn bằng quỹ đất. Dự án này được hoàn thiện vào năm 2014, đến nay vẫn là dự án duy nhất mang thương hiệu Lancaster tại Hà Nội.

Năm 2015, Tập đoàn Novaland cũng đánh tiếng “Bắc tiến” ra thị trường phía Bắc. Theo đó, Novaland đã thành lập hẳn chi nhánh sàn giao dịch tại Hà Nội. Việc liên tục thâu tóm quỹ đất phát triển dự án phía Nam khiến nhiều người tin “đại gia” này sẽ sớm “Bắc tiến” thông qua hoạt động M&A dự án.

Thế nhưng, việc “Bắc tiến” của Novaland đã không diễn ra trên thực tế. Ngay cả sàn giao dịch của doanh nghiệp này tại Hà Nội đến nay cũng không còn hoạt động.

Mới đây, thị trường bất động sản lại bất ngờ xuất hiện dự án mang thương hiệu nổi tiếng của doanh nghiệp phía Nam là dự án Mỹ Đình Pearl, tại nút cầu vượt Phú Đô, mặt đường Đại Lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm).

Tại TP. HCM, thương hiệu Pearl vốn đã rất nổi tiếng và gắn liền với tên tuổi của Tập đoàn SSG, với các dự án đình đám, như: dự án Sài Gòn Pearl,  Thảo Điền Pearl, dự án Pearl Plaza, Sài Gòn Airport Plaza…

Việc dự án Mỹ Đình Pearl bất ngờ được tái khởi động sau nhiều năm “đắp chiếu”, lại gắn liền với liên doanh là các công ty trong họ dầu khí, khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng hoàn thiện của dự án.

Thế nhưng theo tìm hiểu, từ đầu năm 2016, liên doanh CTCP bất động sản Dầu khí – SSG, chủ đầu tư lô đất 3,8 héc ta, trên lô đất X3, tại xã Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm đã hoàn toàn bị chi phối với Tập đoàn SSG.

Việc triển khai dự án Mỹ Đình Pearl, rất có thể mở màn hành trình “Bắc tiến” mới của đại gia địa ốc Phía Nam này.

Thế nhưng, việc chủ đầu tư CTCP bất động sản Dầu khí - SSG chỉ quản lý duy nhất khu đất X3, quận Nam Từ Liêm, nên rất có thể, Mỹ Đình Pearl cũng sẽ là dự án duy nhất tại Hà Nội của đại gia SSG, tương tự dự án Lancaster phố Núi Trúc của Tập đoàn Trung Thủy hiện nay.

 

Theo THIỀU QUANG (BizLive.vn)

Từ khóa : doanh nghiệp địa ốc