Làng đúc đồng Đại Bái
Là một trong số những làng có nghề gò, đúc đồng truyền thống lâu đời, đến nay làng Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) đã khẳng định được vị thế của làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của Việt Nam với các sản phẩm phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch xã Đại Bái thì làng nghề gò, đúc đồng Đại Bái đã có lịch sử cách đây hàng trăm năm do cụ tổ Nguyễn Công Truyền truyền dạy cho dân làng. Trải qua biến cố thăng trầm lịch sử, người dân Đại Bái vẫn giữ gìn nghề truyền thống do ông cha xưa để lại. Đến nay, với bàn tay khéo léo, sự sáng tạo trí óc của những nghệ nhân cùng sự hỗ trợ cải tiến máy móc kỹ thuật, các sản phẩm đúc đồng của Đại Bái ngày càng được phát triển rộng ra thị trường trong nước và sang một số nước khu vực Đông Âu, Tây Âu.
Theo chỉ dẫn của ông Nguyễn Văn Quảng, chúng tôi đến cơ sở sản xuất Điệp Thúy, một trong những cơ sở đã có kinh nghiệm làm nghề gò đúc đồng hơn 30 năm nay. Anh Nguyễn Văn Điệp, chủ cơ sở sản xuất cho biết, để làm ra một sản phẩm đúng thương hiệu đúc đồng của Đại Bái, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn. Thường để có thể làm được tất cả các công đoạn đến lúc thành phẩm, đòi hỏi những người học việc phải kiên trì từ 2-3 năm.
Ban đầu, người thợ pha trộn đất bùn, trấu và bùn chịu nhiệt thành một loại hỗn hợp đặc biệt. ...tiếp theo, người thợ sẽ tiến hành đắp bùn trộn với vỏ trấu, bùn chịu nhiệt lên trên bề mặt của mẫu vật để tạo cốt bên trong. Khi ra sản phẩm thô. người thợ sẽ trải qua công đoạn sửa nguội để cho sản phẩm lên được rõ hình khối... ... và các sản phẩm được mài dũa tạo độ mịn cho sản phẩm. Công đoạn vẽ phác thảo các hoạ tiết, hoa văn trên sản phẩm. Các hoạ tiết, hoa văn thậm chí sẽ được người thợ cưa ra để chờ đục các hoạ tiết vào sản phẩm. Công đoạn chôn hoạ tiết, hoa văn lên bề mặt sản phẩm đòi hỏi sự khéo léo và tính chính xác cao của người thợ. Công đoạn mài dũa, đánh bóng lấy màu để tạo độ bóng nâng cao giá trị thẩm mỹ cho sản phẩm. Và cuối cùng là công đoạn lau chùi sản phẩm sạch sẽ trước khi đem bán cho người tiêu dùng. Nghề thủ công truyền thống của làng Đại Bái hiện thu hút nhiều lao động trẻ tới học và làm. |
Người thợ Đại Bái thường nhào trộn đất ẩm với trấu để tạo hình. Sau đó, công đoạn tạo khuôn đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm lâu năm và khéo léo, tỉ mỉ vì nó quyết định việc tạo nên cái “hồn” riêng chỉ có ở sản phẩm đúc đồng truyền thống của người dân Đại Bái. Khi đã tạo xong khuôn sẽ cho nguyên liệu vào khuôn nung ở nhiệt độ 1200 độ C. Tùy vào kích thước, sản phẩm thời gian nung sẽ khác nhau, thường mất một tuần đến vài tuần. Khuôn thô ra khỏi lò nung, người thợ sẽ đem xử lý qua nhiều công đoạn như mài, dũa cho nhẵn sạch rồi đục chạm các loại hoa văn với nhiều chủ đề khác nhau như cảnh đồng quê vùng đồng Bắc Bộ, các loại cây tự nhiên tùng- cúc- trúc- mai... Cuối cùng sẽ là công đoạn đánh dát hoàn thành sản phẩm trước khi đưa tới thị trường cho người tiêu dùng.
Nếu trước kia người Đại Bái chỉ sản xuất đồ gia dụng thì đến nay các mặt hàng sản phẩm đã không dừng lại với trình độ thủ công ban đầu mà đã mở rộng sang các mẫu mã đòi hỏi kỹ cao về mỹ nghệ hơn như: tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh tứ quý, bình hoa, các bộ đồ trà… Sự cải tiến về mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu dùng đang tạo vị thế mới cho làng nghề đúc đồng Đại Bái trong nền kinh tế thị trường hiện nay của Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch xã Đại Bái cũng cho biết thêm, tính đến nay trên địa bàn xã có khoảng 40 doanh nghiệp, 700 hộ chuyên làm các mặt hàng gò đúc đồng từ đồ gia dụng đến các sản phẩm mỹ nghệ. Nghề gò đúc đồng của Đại Bái cũng giải quyết được việc làm cho 3000 lao động trên địa bàn xã và các vùng lân cận với thu nhập bình quân 4-5 triệu/người/tháng và đã được công nhận làng nghề tiêu biểu của Việt Nam năm 2015.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bắc Ninh, Đảng ủy xã Đại Bái đã phối hợp với Công ty Sáng tạo Việt tiến hành quảng bá thương hiệu sản phẩm đúc đồng trên website:www.mynghedongdaibai.com. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ sản xuất với quy mô lớn việc ra các loại tem mác gắn trên sản phẩm để bảo vệ bền vững thương hiệu sản phẩm đúc đồng Đại Bái./.
Các sản phẩm tượng đồng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sản phẩm chủ yếu của làng Đại Bái là đồ thờ cúng, đỉnh đồng, hạc đồng… ... cùng những bức tượng đồng, phác hoạ chân dung các nhân vật nổi tiếng. Các hoạ tiết tinh xảo qua bàn tay của các nghệ nhân làng Đại Bái. |
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long
Theo vietnam.vnanet.vn
Từ khóa :