Kiến tạo sức sống mới cho thổ cẩm Tây Nguyên

Không chỉ gìn giữ di sản văn hóa, cộng đồng các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ đã và đang nỗ lực mang lại sức sống mới, đưa thổ cẩm vươn xa.

Thổ cẩm chứa đựng chiều sâu văn hóa

Thổ cẩm là di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, tinh hoa của nghề dệt thủ công truyền thống. Từ xa xưa, thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, gắn bó với họ cả vòng đời.

Kiến tạo sức sống mới cho thổ cẩm Tây Nguyên
Trên mỗi tấm thổ cẩm, người dệt bằng cả tấm chân tình

Trên mỗi tấm thổ cẩm, người dệt bằng cả tấm chân tình đã gửi gắm tâm hồn, tình cảm và sự cảm nhận về thế giới tự nhiên, con người qua những hoa văn trang trí sinh động.

Người Tây Nguyên luôn xem nghề dệt là một trong những tiêu chí cốt lõi để đánh giá một phụ nữ trưởng thành. Vì thế, cũng như các dân tộc ở Tây Nguyên, người Ê Đê ở Đắk Lắk từ xưa đến nay vẫn lưu truyền lời nói vần “Người khéo léo biết se, nhuộm chỉ. Bàn tay biết dệt, ngón tay biết đan”.

Theo tục lệ ở Tây Nguyên, đàn ông phải biết đan lát, săn bắt, đánh cồng chiêng. Đàn bà, con gái phải biết dệt vải, múa xoang, nội trợ. Thế nên từ khi còn nhỏ, các bé gái Ê Đê đã được bà và mẹ dạy cách dệt thổ cẩm.

Người Ê Đê trước đây dùng sợi bông làm nguyên liệu dệt thổ cẩm. Bông sau khi thu hoạch về được đánh tơi, kéo sợi rồi nhuộm màu bằng bùn, lá, củ, rễ hoặc vỏ cây rừng. Người phụ nữ phải chuẩn bị đủ sợi bông đã nhuộm màu và phơi khô, màu nền, các màu để tạo ra hoa văn, chuẩn bị khung giăng sợi, khung dệt.

Từ đôi bàn tay khéo léo, cùng với trí óc phong phú, phụ nữ Ê Đê nói riêng, phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung bao đời nay khắc họa trên những tấm thổ cẩm hình ảnh gần gũi với đời sống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Cồng chiêng, nhà sàn, ché rượu, các con vật, hoa lá, cây cối…

Nhìn vào tấm tấm thổ cẩm là đoán được chủ nhân của nó. Tấm thổ cẩm của người mới biết dệt sẽ có hoa văn đơn giản. Với thợ lành nghề, các nghệ nhân lớn tuổi, họa tiết hoa văn càng sắc sảo và kỳ công. Nhưng thông thường, để làm được một chiếc áo váy, họ phải dệt liên tục trong vòng 2 tuần.

Đánh giá của giới chuyên gia, trang phục thổ cẩm của các đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và Gia Rai, Ba Na... nói riêng thể hiện chiều sâu lịch sử, bản sắc văn hóa tộc người và các giá trị thẩm mỹ, tín ngưỡng, tâm linh.

Đa dạng hóa công tác bảo tồn

Những năm qua, công tác bảo tồn nghề dệt thổ cẩm được một số tỉnh, thành vùng Tây Nguyên chú trọng. Các dân tộc ở Tây Nguyên đã sử dụng các chất liệu mới và ứng dụng công nghệ vào dệt thổ cẩm, cách tân để tạo nên những sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng, mang lại nguồn thu nhập.

Điển hình tại Đắk Lắk, hiện nay, không ít làng nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê, người M’Nông đã mạnh dạn kết hợp với du lịch nhằm vực dậy ngành nghề truyền thống giàu bản sắc, mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều địa phương hình thành những nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác dệt thổ cẩm, như các buôn Tơng Jú, Alê A, Ea Bông, Ako Dhông (TP. Buôn Ma Thuột), xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), phường An Lạc và xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ), buôn Mùi 2 (xã Cư Né, huyện Krông Búk), xã Dray Sáp (huyện Krông Ana)…

Kiến tạo sức sống mới cho thổ cẩm Tây Nguyên
Sức sống mới của thổ cẩm Tây Nguyên

Tại Kon Tum, ngày 16/2/2022, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định đến năm 2025 phát huy giá trị văn hóa đối với 9 nghề truyền thống là dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ; trong đó chú trọng đẩy mạnh thương mại hóa đối với 4 nghề: dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống.

Cùng với đó, các địa phương, ban, ngành trong tỉnh Kon Tum cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và có nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bào nâng cao ý thức sử dụng trang phục thổ cẩm truyền thống, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm như: Vận động học sinh đồng bào dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống đến trường trong một số ngày; hỗ trợ khung dệt, mở lớp dạy dệt thổ cẩm tại cộng đồng cho thanh thiếu niên, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm, kết nối đầu ra sản phẩm; tổ chức liên hoan thổ cẩm... đã góp phần mang lại sức sống mới cho thổ cẩm.

Sự kiện đáng nhớ ở Lâm Đồng cách đây 5 năm, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà dân tộc học và nghệ sĩ đã tìm về những buôn làng ở Lâm Đồng đưa những sợi tơ đũi cho phụ nữ Mạ, Cơ Ho dệt.

Theo Nhà thiết kế Minh Hạnh, thổ cẩm Tây Nguyên đã ghi được dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của thời trang Việt Nam. Thổ cẩm đã đi vào đời sống bằng tài năng, con tim, suy nghĩ phong phú của những người nghệ nhân. Nhiều nhà thiết kế đã dũng cảm chạm đến thổ cẩm, với sự hiểu biết về các dân tộc, về vùng đất Tây Nguyên cùng cung bậc cảm xúc làm nên những bộ sưu tập thời trang thổ cẩm mang những nét đẹp đương đại, mạnh mẽ song vẫn giữ được bản sắc, giá trị riêng.

Tuy nhiên giới chuyên gia cũng nhấn mạnh: Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của thổ cẩm không chỉ dừng lại ở góc độ văn hóa mà còn là vấn đề kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Theo đó, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ, kịp thời để cộng đồng các dân tộc thiểu số bảo tồn, gìn giữ nghề thổ cẩm truyền thống, đồng thời có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tâm An
Theo Báo Công Thương Điện Tử (congthuong.vn)

Từ khóa : di sản văn hóa, dân tộc thiểu số, vùng đất Tây Nguyên, thổ cẩm