Vua chuối Võ Quan Huy coi Trung Quốc là thị trường béo bở

(NLĐO) – “Vua chuối” Võ Quan Huy chia sẻ nhiều điều bất ngờ về hành trình đưa chuối đến siêu thị Nhật Bản cũng như phân tích về thị trường Trung Quốc

Ngày 29-12, tại TP HCM, Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm "Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn" với chủ đề kết nối cung cầu, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, đã có những chia sẻ kinh nghiệm về sự nghiệp làm nông 40 năm của mình.

Người Nhật lục tung thùng rác để kiểm tra

Về chuyện đưa chuối xuất khẩu đi Nhật, ông Huy cho biết xuất phát từ việc ông thường xuyên tiếp các đoàn khách từ Nhật Bản nhập khẩu tôm của Việt Nam. Khi đó, vai trò của ông là nông dân nuôi tôm, tiếp đoàn thay cho các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu tôm. Từ đây, ông hiểu được cách làm việc của người Nhật, những nghi vấn của họ đối với DN Việt Nam và tìm cách giải mã để họ có niềm tin bằng cách minh bạch quy trình sản xuất. 

"Khi đến khảo sát, người Nhật hay lục thùng rác, tìm đến các ngóc ngách bỏ rác của nông dân để xem bao bì; kiểm tra kho vật tư để đối chứng với nhật ký sản xuất xem có phù hợp hay không, có chất cấm hay không" – ông Huy kể.

Quá trình đến thăm ao nuôi tôm, thương nhân Nhật rất ấn tượng với trang trại bò thường xuyên nuôi 400.000 con của ông. Để trại bò không hôi, ông Huy dùng đệm lót sinh học là mụn dừa, chế phẩm vi sinh tạo ra kho phân bò hàng chục ngàn tấn. Từ đó, câu chuyện với khách Nhật chuyển hướng sang phân bò và chuối, chuối và phân bò. 

Hiện chuối Fohla của trang trại ông có vị trí đặc biệt ở các siêu thị Nhật, được khách hàng Nhật ưa chuộng từ chính quy trình sản xuất sạch. Ông Huy thường xuyên "bay" sang Nhật để chụp hình với khách hàng mỗi khi các siêu thị tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm chuối Fohla. Ông Huy khẳng định chuối của Huy Long An xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc đều sản xuất theo quy trình VietGap và một số yêu cầu khác theo thị trường.

Chuối Việt Nam chinh phục thị trường Nhật

"Người Nhật yêu cầu sản phẩm chất lượng cao hơn nhưng giá cả chưa chắc mắc hơn siêu thị Việt Nam, thậm chí là rẻ hơn. Hiện tại, 4 trái chuối Fohla được bán lẻ với giá 198 yên Nhật (khoảng 40.000 đồng- tương đương với giá bán lẻ tại Việt Nam). Do vậy, nhà sản xuất Việt Nam không nên kỳ vọng sản xuất hàng giá thành cao để bán giá cao cho người Nhật. Ví dụ như dòng sản phẩm chuối hữu cơ tại Nhật, giá bán chỉ cao hơn chuối VietGap Fohla 30%-40%. Họ không chấp nhận giá cao hơn 3 lần như nhà sản xuất mong muốn" – ông Huy dẫn chứng.

 

Không thể từ bỏ thị trường Trung Quốc

Ông Huy coi trọng việc đa dạng hóa thị trường để tối đa hóa hiệu quả sản xuất. Sản phẩm của công ty ông được xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cung cấp nội địa.

Giải thích nguyên nhân nhiều loại nông sản Việt Nam thường rơi vào tình trạng "giải cứu", ông Huy cho rằng là do cán bộ khuyến nông yếu hơn người bán giống, bán chế phẩm hay thương lái. Khi người bán cây giống có lợi họ khuếch tán thông tin để dân đổ xô nhau trồng. Trường hợp chuối, vì sao lên giá và vì sao Trung Quốc ngưng mua, nông dân không hiểu. 

 

Cụ thể, trong điều kiện thời tiết bình thường, Trung Quốc chỉ thiếu chuối từ tháng 2 đến tháng 5 hằng năm (4 tháng), những tháng còn lại họ sẽ không mua chuối của Việt Nam. Hay như dưa hấu, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc rất lớn và họ cũng trồng được trong môi trường nhà kính. 

Ở đây, vai trò của tham tán thương mại nông nghiệp rất quan trọng, họ cần nắm thông tin để khi nào Trung Quốc gieo giống thì nông dân Việt Nam phải ngưng trồng vì sẽ không bán được. DN có thể tự tìm hiểu nhưng nông dân thì cần nhà nước hỗ trợ để không còn cái cảnh phải đổ bỏ.

"Chúng ta không thể từ bỏ thị trường Trung Quốc mà phải xem đó là thị trường béo bở. Thậm chí, đó là nơi tiêu thụ các mặt hàng cao cấp từ chuối, thanh long, dưa hấu, tôm,… Do đó, Việt Nam cần có cách tiếp cận khôn ngoan với thị trường này. Cả thế giới đã công nhận, giới nhà giàu Trung Quốc tăng nhanh nhất thế giới, là nơi tiêu thụ nông sản thực phẩm rất lớn, giá cao" – ông Huy nhận định và cho rằng Trung Quốc là thị trường truyền thống của nông sản Việt Nam nhưng lâu nay chưa được tổ chức cung ứng một cách bài bản, nhiều DN coi đây là thị trường dễ tính. Từ đó, chưa có sự đầu tư đúng mức để mang lại giá trị gia tăng cao.

Ông Võ Quan Huy là nông dân nổi tiếng với diện tích canh tác lên đến cả ngàn ha trải dài trên nhiều tỉnh thành phía Nam. Ông tham gia trồng trọt, chăn nuôi nhiều lĩnh vực từ: tôm, bò, bưởi, chuối,… đều với quy mô lớn. 

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Từ khóa : Võ Quan Huy, Huy Long An, vua chuối