Đích đến của cổ phần hóa
Nhà nước liên tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trước năm 2018
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các quốc gia trong tổ chức này đều lo ngại, vì thời điểm đó các doanh nghiệp nhà nước chiếm con số khá lớn tại Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu, Việt Nam đã phải thay đổi 500 đạo luật, trong đó có luật liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Từ đó đến nay, Nhà nước liên tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trước năm 2018. Mức độ quyết liệt có thể thấy qua việc xử lý Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bia, Rượu, Nước giải khát Hà Nội (Habeco) do chậm xây dựng phương án thoái vốn. Nếu không thực hiện cổ phần hóa VNPT theo tiến độ được phê duyệt, lãnh đạo VNPT sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ...
Thay đổi theo thị trường
Năm 2018, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn chiếm tới một nửa kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2017-2020. Thực tế này khiến 2018 được coi là năm bản lề trong kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ngay những tháng đầu năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp sẽ tiến hành IPO như Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tập đoàn Cao su và còn những doanh nghiệp đã chào bán ra công chúng nhưng không khả quan như Tổng Công ty Sông Đà. Trong khi đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn phải thoái vốn ở nhiều công ty niêm yết và chưa niêm yết.
PV Power đẩy nhanh cổ phần hóa. Ảnh: baoxaydung.com
Dự kiến năm 2018, Việt Nam sẽ thoái vốn trong lĩnh vực năng lượng, điện, dầu khí và số cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ Việt Nam bán dự kiến gấp 6,5 lần năm ngoái. Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) dự kiến năm 2018 giá trị thoái vốn và cổ phần hóa có thể đạt 100.000 tỷ đồng. Con số này không phải không có cơ sở khi việc thoái tiếp vốn nhà nước ở Vinamilk và Sabeco vẫn đang để ngỏ.
Cuối tháng trước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đã nhấn mạnh, năm 2018, sẽ đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Công Thương có kế hoạch bán 24,9% vốn của Petrolimex, giảm tỷ lệ sở hữu từ 78,6% xuống còn 53,7%. Bộ này cũng có kế hoạch bán hết 53,5% vốn tại Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) và bán 57,9% vốn tại Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel).
Ở lĩnh vực nông nghiệp, trong giai đoạn 2018-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành bán cổ phần lần đầu) với 3 doanh nghiệp: Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (năm 2019) và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thủy sản Hạ Long (năm 2020).
Bộ Công Thương cũng có kế hoạch bán 20% vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong năm 2018, theo giá hiện tại, lượng cổ phiếu này trị giá tới 37.665 tỷ đồng. Ngoài ra, ACV còn có kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên HoSE.
Hiện số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh, từ hơn 6.000 doanh nghiệp vào năm 2011, nay chỉ còn hơn 500 doanh nghiệp, gồm 7 tập đoàn kinh tế, 57 tổng công ty nhà nước, 441 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Cuộc chơi sòng phẳng
Vừa qua Mỹ đã phản đối một số doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam vì tính minh bạch chưa rõ ràng tại WTO. Trong đó, Mỹ đã nêu tên 8 doanh nghiệp lớn, đứng đầu phải kể đến là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), PV Oil, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco/Skypec). Lẽ ra những doanh nghiệp này phải được khai báo là doanh nghiệp thương mại nhà nước theo quy định của WTO. Tính minh bạch trong các doanh nghiệp ngày càng được chú trọng và đây cũng là tiền đề để các nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh đầu tư.
Việt Nam gia nhập sân chơi quốc tế thì phải tuân thủ các quy định của quốc tế. Theo đúng quy định WTO, đến năm 2018, các doanh nghiệp nhà nước phải được cơ cấu lại và hạn chế sự có mặt của Nhà nước trong quá trình hoạt động.
Một thời gian dài trước đây, kinh tế Việt Nam là kế hoạch hóa tập trung, theo đó Nhà nước tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế. Điều này khiến nhiều thành viên WTO e ngại Việt Nam sẽ thông qua doanh nghiệp nhà nước để tiếp tục can thiệp vào thị trường, giảm tác dụng của cam kết về mở cửa thị trường. Sau khi đàm phán, Chính phủ Việt Nam đã thống nhất chính sách về lâu dài có thể loại bỏ một hoặc một số doanh nghiệp thương mại nhà nước tùy theo sự phát triển của nền kinh tế.
Sắp tới là những hiệp định thương mại lớn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - giữa ASEAN và 6 đối tác đã có hiệp định thương mại tự do với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Úc và New Zealand) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Trước đây, trong nhiều năm, tiến trình cổ phần hóa diễn ra chậm. Nguyên nhân phần lớn là muốn đưa những doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả vào cổ phần hóa. Mặt khác, như đã nói ở trên, nhà đầu tư còn e ngại về tính minh bạch tại không ít doanh nghiệp của Việt Nam.
Vì vậy, việc công khai hóa những thông tin chính xác, không chỉ của các tập đoàn lớn, mà của các doanh nghiệp quốc doanh trong chương trình cổ phần hóa, làm cho nền kinh tế Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài trở nên rõ ràng hơn, minh bạch hơn. Việc hoàn thành kế hoạch thoái vốn nhà nước từ các tập đoàn nhằm đẩy nhanh tiến trình tự do hóa nền kinh tế Việt Nam được coi như là chính sách “Đổi mới lần hai”.
Đích đến của cổ phần hóa, thoái vốn là nâng cao năng lực và hiệu quả đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời, đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới.
Từ khi tham gia WTO đến nay, Việt Nam đã được 69 nước công nhận có nền kinh tế thị trường, đồng nghĩa với việc giá cả thị trường được quyết định bởi sự cạnh tranh cởi mở, chứ không phải bởi sự can thiệp của Nhà nước. Từ đây, những hiệp định thương mại cũng được ký kết nhiều hơn và hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiến sâu hơn vào các nước có nền kinh tế phát triển mạnh. Điển hình là nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được ký kết với Việt Nam.
Theo BizLive.vn(Thanh Hương/NCĐT)
Từ khóa : cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước