Nguyên nhân nào khiến nhà đầu tư Mỹ dù “chấp nhận thiệt thòi” cũng ít đầu tư vào Việt Nam?

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài luôn đau đáu vì chưa tìm ra được câu trả lời thích đáng cho việc Mỹ chưa đầu tư mạnh vào Việt Nam.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa qua đã chia sẻ: "Không đầu tư vào Việt Nam là thiệt thòi cho nhà đầu tư Mỹ". Nguyên nhân Việt Nam là một sân chơi có quy mô và mối liên kết lớn.

"Tôi cho rằng các nhà đầu tư Mỹ phải xem xét lại việc đầu tư vào Việt Nam, nếu không muốn mất ảnh hưởng trong cuộc chơi quốc tế. Tôi tin rằng Mỹ cũng sẽ sớm xem xét lại việc quay lại Hiệp định CPTPP", Bộ trưởng nói.

Trong thời gian qua, Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế như là một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Nhiều đời Tổng thống Hoa Kỳ đã đến Việt Nam, đơn cử như chuyến viếng thăm của ông Donald Trump năm 2017 cũng như tháng 5 cùng năm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Mỹ, đều đề cập đến tăng mạnh đầu tư song phương.

"Thời điểm chín muồi" là nhận định của Thủ tướng Phúc khi nói về việc tăng đầu tư Mỹ vào Việt Nam cũng như lan toả tài chính, công nghệ.

Tuy nhiên, cho đến nay, hình ảnh của các "ông lớn" đến từ Mỹ luôn khiêm tốn. Luỹ kế đến tháng 4/2018, số vốn Hoa Kỳ rót vào Việt Nam là 9,9 tỷ USD với 879 dự án, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư. Hoa Kỳ, trong một thời gian dài chỉ quanh quẩn ở vị trí thứ 9 hoặc 10 về số vốn đầu tư.

"Đầu tư của Mỹ hay châu Âu vào Việt Nam còn quá ít so với FDI của họ trên thế giới và vào các nước ASEAN", GS. Nguyễn Mại trăn trở.

Nhấn mạnh đa số nhà đầu tư đến từ Mỹ có tiềm năng và công nghệ, dịch vụ hiện đại, GS. Mại cho rằng cần phải có những hoạt động xúc tiến đầu tư thích hợp với từng loại hình doanh nghiệp, đáp ứng được các đòi hỏi cao về sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng, thực thi nghiêm chỉnh pháp luật với bộ máy hành chính và công chức.

"Triển vọng thu hút nhiều hơn vốn FDI từ Mỹ phụ thuộc chủ yếu vào việc giải quyết tốt những đòi hỏi của nhà đầu tư về công khai, minh bạch, dễ dự báo của hệ thống luật pháp và thực thi pháp luật", ông Mại cho biết.

Nguyên nhân khiến Mỹ (và cả châu Âu) đầu tư ít vào Việt Nam, theo ông Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, là do thủ tục hành chính còn rườm rà và tệ tham nhũng.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tham nhũng là yếu tố quan trọng cản trở đầu tư của các nước phát triển, bởi vì các nước như Mỹ, EU, không có loại chi phí "bôi trơn" như một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á", ông Phúc nói với báo chí và cho biết trong 2 nhiệm kỳ làm bộ trưởng, ông đã nghe nhiều nhà đầu tư than vãn và bỏ đi vì vấn đề này.

Bên cạnh đó, ông Võ Hồng Phúc còn đề cập đến sự không thống nhất của các Bộ, ngành, địa phương dẫn đến việc giải quyết các thủ tục đầu tư phiền hà, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Môi trường đầu tư chưa thực sự thuận lợi cho các nhà đầu tư có đòi hỏi cao như Mỹ, châu Âu cũng được Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư đương nhiệm nhận diện.

Theo đó để tăng cường thu hút đầu tư từ Mỹ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần phải hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và thủ tục hành chính minh bạch, thuận lợi, nhất quán, có quy hoạch rõ ràng về các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư, có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phù hợp.

Theo BizLive.vn(Hà Thu/Trí thức trẻ)

Từ khóa : nhà đầu tư