Làng nghề thêu Văn Lâm

Văn Lâm là một thôn của xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), cạnh danh thắng Tam Cốc, Bích Động. Với 1.000 hộ dân và 3.000 nhân khẩu, ở Văn Lâm ai cũng biết làm nghề thêu. Từ các cháu nhỏ 7 - 8 tuổi, đến các cụ già 70 - 80 tuổi đều có thể cầm kim thêu được. Ngoài làm nghề thêu, người dân nơi đây còn sản xuất nông nghiệp và làm dịch vụ phục vụ khách du lịch.

 lang_theu_vanlam

Theo các nghệ nhân cao tuổi của làng, nghề thêu ren ở Văn Lâm đã có từ rất lâu đời. Trước đây, nghề thêu ren được duy trì trong một quy trình khép kín. Thế hệ trước truyền nghề (gia truyền) cho thế hệ sau trong gia đình, gia tộc, làng xóm. Với  người Văn Lâm, việc học nghề như việc học đạo làm người. Xưa kia, Chính phủ Pháp cũng đã từng trao hàm “Cửu phẩm” cho những người thợ thêu ren ở Văn Lâm có công sáng tạo mẫu mã mới, hoặc tự tay làm ra những sản phẩm thêu ren có giá trị trong triển lãm hàng thêu ren ở các hội chợ quốc gia và quốc tế. Danh hiệu ấy không hẳn là quan trọng nhất với người thợ lão luyện trong nghề, song đó là sự phản ánh và khẳng định tài năng của các tay thợ thêu ren Văn Lâm.

Nghề thêu ren ở Văn Lâm đang thu hút số lao động đáng kể ở địa phương. Những cơ sở thêu ren lớn thường có tới 40 - 50 thợ thêu ren theo đơn hàng. Mặt hàng thêu ren ở đây khá phong phú về chủng loại, mẫu mã, kích thước. Có thể kể tới các sản phẩm như: khăn tắm, ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn trà, áo kimônô… bảo đảm chất lượng kỹ thuật và rất có uy tín trên thị thường trong nước và thế giới. Con gái làm nghề thêu ren thường dịu dàng, nền nã, lại nhanh mắt và khéo tay. Để thêu ren hoa văn cho một sản phẩm cao cấp, phải đếm tính kỹ từng hột vải (sợi vải) sao cho cân đối, hài hòa. Mũi chỉ, đường kim phải thật chính xác và nhạy bén. Đối với những mặt hàng phủ bộ sêvit amê canh (bộ khăn bàn, khăn ăn) của Pháp, hay bộ kimônô của Nhật Bản, thì kỹ nghệ thêu ren và bảo quản đòi nguyên liệu nhập ngoại (vải, chỉ thêu).

Việc thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa, thêu ren (trong và ngoài nước), khối lượng hàng hóa và tính chất của các hợp đồng sản xuất cùng những sự phức tạp của thị trường vẫn là gánh nặng đè lên vai người thợ trước quy luật cạnh tranh nghiệt ngã của cơ chế thị trường.

Ông Lê Văn Thiêm - Trưởng thôn Văn Lâm - cho biết: Sản phẩm của nghề thêu ở thôn có tới hàng nghìn mẫu mã các loại: ga trải giường, rèm cửa, khăn, đĩa, đồ trang trí nội thất... Đối với các hộ gia đình làm nghề đơn lẻ, họ làm ra sản phẩm đem bán cho khách du lịch hoặc mở kiốt bày bán. các doanh nghiệp, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thông qua các hợp đồng ký kết với các đối tác nước ngoài. Hiện tại thôn có 7 doanh nghiệp hoạt động nghề thêu. Các doanh nghiệp không chỉ mở xưởng sản xuất tại địa phương mà còn thông qua các hình thức hợp tác: gia công, tổ chức nhiều điểm sản xuất ở các địa phương trong và ngoài huyện. Hướng đi này không chỉ nhằm bảo đảm tiến độ, thời gian, số lượng hàng cho khách mà còn giải quyết việc làm cho nhân dân các địa phương trong thời điểm nông nhàn. Tổng giá trị từ nghề thêu hàng năm của thôn Văn Lâm ước đạt trên 10 tỷ đồng.

Theo : Thông tấn xã Việt Nam

Từ khóa : Làng nghề,thêu,Văn Lâm