TP.HCM đề xuất phương án xử lý các dự án giáo dục chậm triển khai

(NTD) - UBND TP.HCM sẽ chấm dứt tình trạng chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong khu vực quy hoạch.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất và UBND Thành phố (TP) đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch các khu giáo dục đào tạo đại học tập trung trên địa bàn TP với cơ cấu sử dụng đất phù hợp, nhu cầu thực hiện theo hướng xã hội hóa; có các cơ chế, chính sách hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao rà soát các khu vực đã có quy hoạch các khu đại học tập trung để mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, tham gia nghiên cứu tổ chức và góp ý điều chỉnh các quy hoạch phân khu trên đảm bảo hiệu quả giáo dục, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp đầu tư; đồng thời nghiên cứu bổ sung các chức năng hỗ trợ cho khu đại học tập trung như: chức năng ở cho sinh viên, dịch vụ đô thị... hình thành các khu, cụm đô thị - đại học với sự tương tác hỗ trợ nhau, chia sẻ tiện ích công cộng giữa đô thị và đại học.

Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án và giải pháp thực hiện, để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm trên lĩnh vực này; ưu tiên các trường đã có chủ trương của cấp có thẩm quyền, được bố trí tại khu vực quy hoạch; đối với các trường chậm triển khai, không xây dựng lộ trình, kế hoạch hoặc không đảm bảo nguồn lực thực hiện dự án, sẽ được đề xuất thay thế các trường khác có nhu cầu cấp bách.

Đối với khu giáo dục đào tạo đại học Long Phước, phường Long Phước, quận 9, UBND TP yêu cầu nội dung điều chỉnh quy hoạch cần gắn với yêu cầu, mục tiêu phát triển theo cấu trúc đô thị phù hợp mô hình một đô thị sáng tạo, giáo dục đào tạo kết hợp khoa học - công nghệ tại khu vực phía Đông TP.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, TP.HCM sẽ hình thành nên 4 khu đô thị đại học nhằm mục tiêu giãn dân nội đô. Đô thị trung tâm là khu vực nội thành hiện hữu, đô thị mới là những khu đô thị vệ tinh, bao gồm: Khu đô thị đại học (Củ Chi, Hóc Môn), Khu đô thị khoa học - công nghệ (Thủ Đức, quận 9), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 7), Khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Khu đô thị mới huyện Bình Chánh…

Có thể thấy, 4 hướng của TP.HCM đều đã được quy hoạch đầu tư xây dựng các vùng đô thị đại học. Tại đây sẽ hình thành các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các nhóm nghiên cứu mũi nhọn đạt trình độ khu vực, quốc tế. Song song đó, nhiều khu dân cư hiện đại cũng được đầu tư xây dựng kế cận nhằm phục vụ nhu cầu sống, học tập và làm việc một cách khép kín.

Tuy nhiên, hàng trăm ha đất được TP.HCM giao cho các trường vẫn chỉ là những bãi đất trống bỏ hoang, kéo theo hệ lụy không nhỏ cho cuộc sống của người dân nơi bị “treo” cả chục năm qua.

 Vũ Sơn

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : dự án, giáo dục