Cây bưởi đỏ đem lại giá trị kinh tế cao
Phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) với địa thế nằm dọc sông Hương được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ hết sức thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả. Đặc biệt, cây bưởi đỏ được người dân ở đây trồng nhiều, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vào những ngày này, cây bưởi ở phường Hương Hồ đã cho ra trái to nặng trĩu. Dạo quanh một vòng các nhà vườn, mọi người không khỏi mê mẩn trước những quả bưởi vào mùa căng mọng, chùm trái xum xuê rất thích mắt.
Người trồng bưởi lâu năm ở Hương Hồ cho hay, cây bưởi đỏ đã có từ lâu đời, do sự tác động của chiến tranh và thiên tai làm ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích ban đầu sẵn có.
Sau ngày giải phóng được sự hỗ trợ của các cấp, nhiều nông dân đã mạnh dạn cải tạo lại vườn tạp để trồng cây bưởi đỏ.
Ông Bùi Văn Sâm - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Hồ 1, cho biết: Kể từ khi HTX chọn cây bưởi là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, chúng tôi đã hợp tác với các đơn vị chú trọng vào tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thành viên cải tạo vườn thì cây bưởi đỏ Hương Hồ dần khởi sắc. Hiện phường có hơn 800 hộ dân trồng được 67 ha bưởi đỏ.
Ông Bùi Văn Sâm-Giám đốc HTX NN Hương Hồ 1 vui mừng vì cây bưởi đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân địa phương
«Giá trị kinh tế mang lại từ cây bưởi đỏ cho người dân phường Hương Hồ ước tính khoảng 150 - 200 triệu/ha/năm. Để có được thành quả ngày hôm nay, chính quyền địa phương và người dân Hương Hồ đã không ngừng đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện cây bưởi đỏ đang dần thay thế các cây ăn quả khác. Phấn đấu từ nay đến 2020 nâng diện tích trồng bưởi lên 80/100ha đất trồng cây ăn quả”, ông Sâm phấn khởi, nói.
Ông Bùi Văn Sâm thông tin thêm, cây bưởi ở Hương Hồ có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chỉ cần từ 3 đến 4 năm là cho trái bói, còn bình thường thì mất 5 đến 7 năm. Ngoài ra khả năng chống chịu các loại sâu bệnh của giống bưởi đỏ rất cao, do đó bà con không cần phải bơm bất cứ một loại thuốc gì nữa. Muốn bưởi cho năng suất, trái to đẹp người trồng chủ yếu chăm sóc kỹ lưỡng, quét vôi, bón phân, cạo rêu là được; mỗi cây có thể tồn tại từ 60-70 năm.
Nhờ chất đất ở Hương Hồ phù hợp nên bưởi đỏ có vị ngon rất đặc biệt. Đó là sự hòa quyện của vị chua nhẹ và vị ngọt thanh, không bị the đắng, mùi thơm dễ chịu. Ngoài cách ăn trực tiếp từ những múi bưởi, người dân còn có thể chế biến thành những món bưởi khác nhau. Như món gỏi bưởi là sự hòa trộn từ những tép bưởi được tách nhỏ với mực khô nướng xé tơi, nêm nếm thêm chút ít nước mắm chanh tỏi ớt là đã trở thành một món nhắm cực ngon mang đậm hương vị xứ Huế.
Nói về những món ăn được làm từ bưởi thì không thể không kể đến món chè bưởi được làm từ vỏ bưởi được bỏ đi lớp vỏ xanh bên ngoài, còn được gọi là cùi bưởi. Chè bưởi có mùi thơm, vị ngon béo ngậy của nước cốt dừa và đậu xanh, độ giòn dai từ cùi bưởi mà ai cũng muốn được một lần thưởng thức.
Bưởi đỏ Hương Hồ căng mọng, có vị ngon đặc biệt
Bưởi đỏ không chỉ ăn ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe nên rất được mọi người ưa chuộng. Ngoài thị trường trong tỉnh, các thương lái thu mua tận vườn để xuất bán các tỉnh thành khác nên bà con rất phấn khởi. Bình quân mỗi cây cho khoảng 250 trái, năng suất đạt từ 2-3 tạ. Với giá bán từ 10-15 nghìn đồng/trái.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Hồ 1 cho hay, Hiện nay việc xây dựng thương hiệu “Bưởi đỏ Hương Hồ” được người dân hết sức mong đợi, nhằm giúp du khách gần xa biết đến bưởi đỏ Hương Hồ, tạo niềm tin với người tiêu dùng trong việc tiêu thụ sản phẩm, từ đó đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con. Hy vọng trong thời gian tới, bưởi đỏ Hương Hồ sẽ được trồng quy mô hơn nữa trên toàn địa bàn phường. Và nhãn hiệu đặc sản Bưởi đỏ Hương Hồ ngày càng được nhiều người biết đến, không chỉ trong nước mà con vươn ra thế giới.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : bưởi đỏ