Đầu tư vào các khu công nghiệp Vĩnh Phúc: Cần thủ tục thông thoáng hơn

(DĐDN)- Các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, để “hút” được các nhà đầu tư thì hơn lúc nào hết cần có sự cởi mở về thủ tục từ chính quyền.

Một góc thành phố Vĩnh Phúc

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng sự triển khai của các cấp các ngành về việc tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, công tác quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2015 đã kêu gọi, thu hút và giao chủ đầu tư thực hiện 11 KCN với quy mô 2.300 ha, Tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch là 1.659,2 ha, số vốn đăng ký đầu tư là 9.640 tỷ đồng và 159,6 triệu USD.

Các khu công nghiệp Vĩnh Phúc đã thu hút được 158 dự án đầu tư trực tiếp.

Nỗ lực “hút” nhà đầu tư

Trong quá trình triển khai, bên cạnh một số phần diện tích còn gặp vướng mắc trong công tác giải quyết bồi thường, còn lại nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động như các KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Tam Dương II… Trước thực tế này, tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo tích cực nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các KCN, để các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN theo tiến độ đăng ký, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư, đón dòng đầu tư mới, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ các nước tham gia ký kết Hiệp định TPP. Ông Nguyễn Công Lộc Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc cho biết: “Ngay từ khi mới tái lập tỉnh đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn xác định lấy công nghiệp làm nền tảng của nền kinh tế, ưu tiên và tập trung cho công tác phát triển công nghiệp, trong đó việc quy hoạch và xây dựng hạ tầng phải đi trước một bước”.

Theo thống kê từ BQL KCN, thì tổng các khu công nghiệp đã thu hút được 158 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 139 dự án FDI và 36 dự án DDI với số vốn đăng ký lần lượt là 2.653,68 triệu USD và 12.520 tỷ đồng, tạo ra 50.876 việc làm, chủ yếu giải quyết lao động địa phương, nộp ngân sách hằng năm trên 7.000 tỷ đồng.

Kết quả trên có được là do BQL đã làm tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, nhất là các chính sách về ưu đãi đầu tư của tỉnh, các chính sách về đền bù , giải phóng mặt bằng, về phí hạ tầng các KCN, các cơ chế phối hợp với các cấp, các ngành, các nhà cung cấp dịch vụ KCN như thông tin liên lạc, điện nước… đảm bảo đáp ứng kịp thời với các chi phí thấp nhất giúp các nhà đầu tư dễ dàng trong việc lựa trọn và quyết định đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc.

Kiến nghị từ thực tiễn

Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 20 khu công nghiệp, 43 cụm công nghiệp, với diện tích 6.900ha. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 13-14%/năm.

Việc xây dựng, phát triển các khu công nghiệp đã đồng thời giúp các ngành kinh tế khác phát triển, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương. Phát triển khu công nghiệp đáp ứng được yêu cầu tiết kiệm tài nguyên, thu hút và tập trung được nguồn lực để đầu tư, xây dựng. Đây cũng được xem như là một giải pháp tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; rút ngắn và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, ngoài đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, theo ông Lộc, Vĩnh Phúc cần thực hiện tốt các cơ chế chính sách về phát triển thị trường, huy động vốn, khoa học công nghiệp, phát triển các vùng nguyên liệu, đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là làm tốt hơn nữa hoạt động chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ.

“Để các khu KCN trong tỉnh hoạt động hiệu quả hơn nữa, thì Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng nghiên cứu nhằm giảm bớt thủ tục, thời gian thực hiện thủ tục, trình tự thực hiện để nhà đầu tư có thể triển khai đầu tư xây dựng trong vòng 30 ngày sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thay cho 80 ngày như hiện nay, điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều tới việc thu hút đầu tư các dự án”, ông Lộc nói thêm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng hơn trong đầu tư phát triển hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, như: điện, nước, viễn thông,… cần chủ động xây dựng, đáp ứng đủ công suất theo từng thời kỳ; triển khai các nhiệm vụ để thúc đẩy phát triển các dịch vụ hỗ trợ KCN phát triển như Logistic; hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động, các dịch vụ hỗ trợ người lao động như nhà ở, nhà trẻ,… Nếu làm tốt điều này, những đóng góp từ các KCN mang lại sẽ còn lớn hơn nữa cho GDP của tỉnh nhà.

Theo H.Hương (enternews.vn)

Từ khóa : khu công nghiệp,Vĩnh Phúc