Tỷ phú Thái Lan đang muốn điều gì ở Vinamilk?

(NTD) - Người ta lấy làm lạ F&N Dairy Investments không để ý đến cổ phiếu nào ngoài việc mua vào cổ phiếu VNM liên tục. Ông chủ của công ty này là Charoen Sirivadhanabhakdi -tỷ phú giàu thứ tư Thái Lan đang muốn gì ở Vinamilk?

Tỷ phú giàu thứ tư Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi thâu tóm F&N năm 2013, giờ lại muốn thâu tóm Vinamilk qua công ty này.

Tham vọng thâu tóm Vinamilk

F&N Dairy Investment là cổ đông lớn của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Đơn vị này sau khi không mua được 14,5 triệu cổ phiếu VNM như đăng ký đã lập tức đăng ký mua lại số lượng cũ nhằm tăng thêm tỷ lệ sở hữu.

Fraser & Neave (F&N) là công ty mẹ của F&N Dairy Investments. F&N là tập đoàn đồ uống có trụ sở tại Singapore, đầu tư vào Vinamilk khi doanh nghiệp Nhà nước này mới lên sàn năm 2005. Đầu năm 2013, khi tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mua lại F&N thì tham vọng thâu tóm Vinamilk mới xuất hiện.

Cuối năm 2016, khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bắt đầu thoái vốn tại Vinamilk, hai công ty con của F&N đã bỏ ra khoảng 500 triệu USD để mua thêm 5,4% cổ phần, nâng sở hữu lên 16,4%. Từ đó đến nay, F&N của tỷ phú Thái liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu VNM. Cứ mỗi lần mua không thành công, F&N lại tiếp tục đăng ký mua bằng đúng lượng cổ phần chưa mua được. Theo báo cáo quản trị, đến cuối quý 2/2018, hai công ty con của F&N là F&N Dairy Investments và F&N Bev Manufacturing đã sở hữu tổng cộng hơn 290 triệu cổ phiếu VNM (hơn 20% cổ phần).

Tỷ phú Charoen từ lâu đã thể hiện tham vọng mở rộng trên toàn khu vực Đông Nam Á. Charoen muốn mảng kinh doanh thức ăn, đồ uống của F&N và nhiều công ty khác của ông (gồm Thai Beverage, Sermsuk Pcl và Oishi) lọt top ba thương hiệu hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2020. Tại Việt Nam, tỷ phú này muốn thông qua F&N để thâu tóm Vinamilk.

Theo F&N, Vinamilk là nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam với mạng lưới phân phối rộng khắp. Thâu tóm Vinamilk sẽ giúp F&N nhanh chóng mở rộng thị trường và cạnh tranh với những tên tuổi lớn như Coca Cola hay Pepsi. F&N nằm trong top 3 tại Singapore nhưng vẫn nằm ngoài top 5 trong thị trường đồ uống tại Việt Nam.

Vì sao chần chừ?

Từ đầu năm 2018 đến nay, có đến 7 lần F&N Dairy Investments đăng ký mua cổ phiếu VNM nhưng rồi công bố không mua được. Nguyên nhân quen thuộc được đưa ra là do điều kiện thị trường không phù hợp. Điều này có vẻ khá vô lý.

Đầu năm 2018, giá cổ phiếu VNM thường xuyên dao động quanh mốc 170.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng vài tháng gần đây, giá này đã giảm nhiều về mức dưới 140.000 đồng/cổ phiếu. So với hồi đầu năm, mức giá hiện tại của VNM đã giảm trên 20%. Cổ phiếu giảm giá là điều kiện hợp lý để mua vào, nhưng F&N vẫn không mua cổ phiếu nào. Phải chăng F&N chỉ đăng ký cho có, vì e ngại cổ đông lớn khác cũng đang muốn gom VNM?

Chi tiết cổ phần nhóm F&N thay cho F&N Dairy Investments.

Cuối năm 2017, Quỹ đầu tư Platinum Victory đã chi 9.000 tỷ đồng để mua 3,3% cổ phần VNM. Từ đó đến nay, Platinum Victory liên tục gom vào cổ phiếu VNM và hiện đang nắm 10,62% vốn điều lệ của công ty sữa số 1 Việt Nam. Quỹ này cũng đăng ký mua lượng cổ phiếu đúng bằng F&N đăng ký mua. Quỹ Platinum Victory thuộc Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C), một tập đoàn đầu tư đa ngành có trụ sở tại Singapore.

Ông chủ thật sự của JC&C là hai anh em người Scotland, quản lý Tập đoàn Jardin Matheson Group (trụ sở tại Hongkong, Trung Quốc). Doanh thu năm 2016 của Jardin Matheson Group đạt gần 16 tỷ USD. Tiềm lực tài chính mạnh như vậy khiến F&N e ngại cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng nếu muốn chạy đua với đối thủ, F&N phải nhanh tay mua vào cổ phiếu, vì họ không thiếu tiền. Ngược lại, F&N vẫn chỉ đăng ký cho có rồi không mua. Liệu rằng F&N muốn chần chừ vì lo ngại tiềm năng phát triển của Vinamilk không được tốt như trước?

Lo ngại của nhiều cổ đông về khả năng tăng trưởng tiếp của Vinamilk đã được đặt ra gần đây, nhất là chuyện thị trường sữa trong nước bão hòa đã khiến hiệu quả kinh doanh của Vinamilk tăng trưởng chậm lại. Trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk lùi về mốc dưới 10%, thị phần cũng đang lùi xa mức kỷ lục khoảng 60% của vài năm trước. Theo Kantar World Panel, công ty nghiên cứu về hành vi người mua hàng, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành sữa của Việt Nam chứng kiến sự suy giảm 4% về giá trị tại khu vực thành thị. Thực tế, doanh thu nội địa của Vinamilk trong nửa đầu năm nay đã giảm nếu không có sự bù đắp từ doanh thu mảng đường - khoảng 900 tỷ đồng từ công ty mới được Vinamilk mua lại là Vietsugar.

Ngoài ra, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk cũng giảm mạnh trong thời gian này. Cộng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các hãng sữa nước ngoài đã khiến hình ảnh “gà đẻ trứng vàng” của Vinamilk ngày càng mờ nhạt dần. Lo ngại này đã khiến tỷ phú Thái Lan chùn tay thâu tóm Vinamilk?

Thực tế, tỷ phú Charoen có thể dễ dàng thâu tóm Vinamilk nếu mua lại thành công phần vốn của SCIC tại đây, hơn 36%. SCIC cho biết kế hoạch thoái vốn sẽ vào thời điểm 2019-2020 và chưa nói cụ thể sẽ bán bao nhiêu cổ phần. Nếu muốn thâu tóm Vinamilk suôn sẻ, F&N có thể đợi một hai năm nữa. Tuy nhiên, Công ty F&N của tỷ phú Thái Lan hiện tại vẫn tốn công đăng ký mua vào liên tục rồi không mua cổ phiếu nào, khiến nhà đầu tư khó hiểu.

Dương Nguyễn

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : vinamilk, tỷ phú Thái Lan