“Cần có chiến lược thu hút các nhà đầu tư lớn như FLC, Vingroup…”

BizLIVE - “Cần thiết phải có chiến lược thu hút được các nhà đầu tư trọng điểm như Vingroup, Sungroup, FLC… để tạo ra được những sản phẩm du lịch hiện đại, đẳng cấp và đồng bộ góp phần tạo ra hình ảnh du lịch mới cho Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Vũ Minh
Bắt tay cùng làm du lịch
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, một trong những nguyên nhân khiến ngành du lịch Việt Nam chưa phát triển đúng với tiềm năng trong những năm qua chính là sự thiếu liên kết trong phát triển.
Theo ông Thiện, trước đây do chúng ta chưa có điều kiện để liên kết, khi mà ăn chưa đủ no, các địa phương còn cạnh tranh nhau thì sao mà liên kết được. 
Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã cho phép chúng ta tiến đến việc liên kết trong phát triển du lịch để tạo ra bước đột phá lớn cho ngành này.
“Liên kết phát triển du lịch là bước đi đúng, phù hợp với khách quan, chúng ta phải liên kết, đây là xu hướng, quy luật kinh tế khách quan, làm du lịch bây giờ không phải là phân theo địa giới hành chính mà là theo vùng kinh tế”, Thứ trưởng Thiện nhấn mạnh.
Với các địa phương, liên kết trong việc phát triển điểm đến, sản phẩm, trách nhiệm của các địa phương đều phải quan tâm. Một tỉnh mà không làm tốt thì hình ảnh xấu sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh bạn và cả đất nước Việt Nam. 
Một hình ảnh hay hành động không tích cực, du khách sẽ không chỉ chê một tỉnh hay một điểm đến nào đó mà sẽ chê cả Việt Nam, ông Thiện khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết thêm, năm 2016 sẽ tiến hành xúc tiến quảng bá, tham gia các hội chợ quy mô lớn trong đó vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. 
“Năm nay quyết làm lớn và đã làm thị trường nào là phải để lại tiếng vang”, ông Thiện nhấn mạnh.
Ở góc nhìn tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng khẳng định, liên kết phát triển đang trở thành một xu thế tất yếu, thậm chí không thể thay thế đặc biệt với ngành du lịch. 
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Ảnh: Vũ Minh
Thực tế cho thấy, gần đây xu hướng này ngày càng được các địa phương đề cao với việc hình thành những không gian du lịch: Tây Bắc mở rộng, Đà Nẵng – Huế - Quảng Nam, Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An…
“Thế nhưng, liên kết cái gì và liên kết như thế nào vẫn cần có các giải pháp cụ thể. Theo tôi, phải chú trọng đến 3 điểm cốt lõi trong việc liên kết gồm: Hạ tầng, sản phẩm đặc thù và liên kết trong vấn đề truyền thông, quảng bá du lịch”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, thứ nhất là phải kết nối về hạ tầng, không có kết nối hạ tầng sẽ rất khó phát triển một không gian du lịch đồng bộ, hiện đại, không phát triển được chuỗi sản phẩm du lịch theo đúng nghĩa. 
Đặc biệt, việc kết nối hạ tầng sẽ góp phần quan trọng cho hoạt động quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch.
Thứ hai, liên kết để có chiến lược tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, mỗi tỉnh nên chọn ra những điểm đến, những sản phẩm đặc thù trong chuỗi liên kết phát triển.
Thứ ba là cần liên kết trong vấn đề truyền thông quảng bá, xúc tiến.. ví dụ như tham gia các hội chợ du lịch lớn cùng với nhau trong 1 gian hàng để quảng bá những sản phẩm du lich đặc thù của cả vùng miền, tạo ra một không gian du lịch đa dạng hấp dẫn khách du lịch.
Cần chiến lược riêng cho nhà đầu tư lớn 
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong liên kết phát triển du lịch theo ông Tuấn chính là thu hút các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Sungroup hay FLC…
Ông Tuấn cho rằng, mỗi tỉnh cần xây dựng quy hoạch, hồ sơ mời gọi nhà đầu tư chiến lược cần chi tiết, cụ thể để hỗ trợ các nhà đầu tư lớn. Liên kết với các địa phương khác và các doanh nghiệp để tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô ở cả trong và ngoài nước. 
Theo ông Tuấn, cần thiết phải có chiến lược thu hút được các nhà đầu tư trọng điểm như Vingroup hay FLC … để tạo ra được những sản phẩm du lịch hiện đại, đẳng cấp và đồng bộ, góp phần tạo ra hình ảnh du lịch mới cho Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị Liên kế đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngày 25/12/2015. Ảnh: Vũ Minh 
Với các siêu dự án nhiều nghìn tỷ đồng, các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sungroup hay FLC đang từng bước góp phần tạo ra những bước đột phá lớn cho du lịch của các địa phương như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc, Thanh Hóa… 
Bên cạnh sự chuyển biến về hạ tầng, dịch vụ, một giá trị nữa trong câu chuyện đầu tư của các tập đoàn kể trên mang lại còn là sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành ở mỗi địa phương về làm du lịch. 
“Khi có FLC vào thì du lịch Thanh Hóa thay đổi hẳn, dự án FLC Samson Beach & Golf Resort của Tập đoàn FLC đã tạo ra một điểm đến mới hiện đại, mang đến cho du lịch Thanh Hóa một nội hàm mới, thay đổi tính mùa vụ của Sầm Sơn bằng các dịch vụ du lịch đẳng cấp”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thiện, doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ của những nhà quản lý du lịch, hãy quan tâm tới các doanh nghiệp bởi lẽ chỉ khi nào doanh nghiệp có lợi nhuận thì du lịch mới phát triển bền vững được. 
“Nếu doanh nghiệp mà không mặn mà thì cũng thất bại, vì cuối cùng vẫn là doanh nghiệp làm, khi nào doanh nghiệp có hăng hái, nhiệt tình, kinh doanh có hiệu quả lợi ích thì mới thành công”, ông Thiện khẳng định.
Theo ông Thiện, hiếm có một đất nước nào có tiềm năng về du lịch nhiều như Việt Nam với nhiều tiềm năng thế mạnh, di tích di sản cả vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, tại sao sự phát triển của du lịch Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh chứ chưa nói đến sánh ngang với các nước trong khu vực.
“Các thành phần có liên quan gồm cả nhà quản lý du lịch, các địa phương, doanh nghiệp… đều phải nên chú trọng đến câu hỏi này để tìm ra những giải pháp thiết thực và có hiệu quả cho phát triển du lịch”, ông Thiện nhấn mạnh. 
Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC. Ảnh: Vũ Minh
Trước bối cảnh cần thiết phải liên kết trong phát triển du lịch, từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, việc liên kết phát triển với các tỉnh hay các doanh nghiệp khác là rất cần thiết trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng và chất lượng cao cho FLC nói riêng và ngành du lịch nói chung.
Với xu hướng liên kết ngày càng mạnh mẽ, những dự án lớn của FLC tại Thanh Hóa, Quy Nhơn (Bình Định) sẽ vừa góp phần vào cải thiện hạ tầng du lịch vừa được hưởng lợi kép trong việc phát triển các điểm đến.
Bà Dung cho biết, FLC luôn chú trọng đầu tư lớn để nâng cao chất lượng dịch vụ tại các dự án đầu tư. Đầu năm 2016, FLC cam kết sẽ cải tạo toàn bộ bờ biển dọc tuyến đường Hồ Xuân Hương để bãi biển Sầm Sơn sẽ trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, với chất lượng dịch vụ sánh ngang với các bãi biển, khu du lịch nổi tiếng khác trong cả nước như ở Đà Nẵng, Nha Trang…

Theo VŨ MINH (BizLIVE.vn)

Từ khóa : nhà đầu tư,FLC,Vingroup