Đà Nẵng mở cửa đón nhà đầu tư vào nông nghiệp 4.0

Nhằm thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng hiện đại hoá, các cấp từ thành phố đến huyện tại Đà Nẵng đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá thể trong đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Mở cửa đón nhà đầu tư vàoNông dân xã Hoà Ninh thu hoạch dưa kim được trồng theo công nghệ cao. Ảnh: VGP/MINH TRANG

Luôn khuyến khích, dành ưu đãi, hỗ trợ dự án đầu tư

Thời gian qua, cùng với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp Đà Nẵng đạt được tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Bước đầu, thành phố đã hình thành được một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết trong điều kiện hạn chế về quy mô diện tích đất nông nghiệp và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị thì phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhằm đẩy mạnh và phát triển nền NNCNC, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 về chính sách khuyến khích đầu tư NNCNC, nông nghiệp sạch trên địa bàn với các nội dung: Ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, hỗ trợ đầu tư dự án, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Năm 2018, UBND thành phố giao Sở NN&PTNT tập trung xúc tiến đầu tư các dự án NNCNC và hoàn thành thủ tục thành lập khu NNCNC trên địa bàn.

Cho đến nay, UBND Thành phố đã quy hoạch, phê duyệt danh mục 7 vùng thu hút đầu tư NNCNC với diện tích quy hoạch hơn 500 ha, bao gồm: Vùng sản xuất NNCNC Hòa Ninh, Hòa Phú (90 ha); vùng chăn nuôi tập trung Hòa Khương (30 ha); vùng chăn nuôi tập trung Hòa Bắc (230 ha); vùng sản xuất rau an toàn thôn 5, Hòa Khương (20 ha), thôn Nam Thành (Hòa Phong, Hoà Khương); vùng nuôi tôm Trường Định (50 ha).

Hiện nay, khu NNCNC của Đà Nẵng đã hoàn thành công tác quy hoạch, chọn địa điểm và đang triển khai lập đề án trình phê duyệt và thành lập khu NNCNC với diện tích 117 ha, tại Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

Bước đầu, đã có 7 nhà đầu tư đang tiếp cận xúc tiến triển khai các dự án, như  Công ty CP Sữa Việt Nam với dự án trang trại bò sữa công nghệ cao, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng tại xã Hòa Phong; Công ty CP HAPRAS với dự án sản xuất rau an toàn tại xã Hòa Phong, tổng kinh phí 60,7 tỷ đồng; Công ty CP Greentech với dự án vùng rau, quả an toàn phương pháp thủy canh tại xã Hòa Ninh, tổng kinh phí 52 tỷ đồng; Công ty CP Dược Danapha với dự án sản xuất cây dược liệu (đinh lăng, nghệ...) tại xã Hòa Phú, Hòa Ninh; Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Afarm tại xã Hòa Phú…

Hiệu quả rõ rệt

Vùng núi của 2 thôn Trung Nghĩa (xã Hoà Ninh) và Đông Lâm (xã Hoà Phú) đều thuộc huyện Hoà Vang trước nay vốn heo hút, giờ đã mọc lên những khu nhà lưới. Hiện đây là 2 mô hình NNCNC quy mô lớn nhất và hiện đại nhất của TP. Đà Nẵng, được đưa vào hoạt động tháng 6/2017, mang lại lợi nhuận 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Với quy mô 4 ha, 2 mô hình này tập trung canh tác các loại rau ăn lá và ăn quả theo phương thức trồng địa canh sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong nhà lưới (mô hình Hòa Phú) và kết hợp sản xuất rau ăn lá bằng công nghệ thủy canh hồi lưu (mô hình Hòa Ninh). 

Công đoạn canh tác đều được cơ giới hóa và tự động hóa theo công nghệ nhà màng, có thể điều chỉnh các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió phù hợp cho cây trồng… Hiện nay các chủng loại rau quả đang được sản xuất rất phong phú với các loại xà lách, cà chua, cải xanh, ớt chuông, các loại dưa lưới, dưa kim...

Mô hình trồng hoa treo của anh Phạm Văn Hùng xã Hoà Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: VGP/MINH TRANG

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Ninh cho biết mô hình thử nghiệm ban đầu đã triển khai khá thành công. Hiện xã đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 5 ha đầu tư theo hướng này. Ngoài ra, trên địa bàn xã, đã hình thành mô hình trồng hoa treo và mô hình trồng bưởi mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, lợi nhuận 500 triệu đồng/năm.

Bên cạnh mô hình rau quả, các mô hình trồng hoa cũng đang được nhiều hộ nông dân đặt niềm tin do lợi ích kinh tế mang lại.

Với mô hình trồng hoa trong nhà lưới, trang bị hệ thống tưới phun, nhiều hộ nông dân đã đổi đời, như hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Hòa Châu), ông Lê Thành Trung (quận Cẩm Lệ) với mô hình trồng hoa lan mokara; hộ ông Phạm Văn Hùng ( xã Hoà Phong) với mô hình hoa treo cảnh...

Dựa trên thế mạnh của từng địa phương, huyện Hoà Vang cũng khuyến khích duy trì và mở rộng những mô hình đạt hiệu quả cao như: Hình thành và phát triển ổn định 22 ha trồng hoa tại 4 vùng chuyên canh; hơn 43 ha rau an toàn tại 5 vùng chuyên canh; 100 ha lúa tại 5 vùng trồng lúa hữu cơ; các sản phẩm chủ lực và các mô hình ứng dụng CNC như ớt Bồ Bản, gà đồi, gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, nếp đắng Hoà Liên, cua Trường Định...

Đại diện huyện nông thôn duy nhất tại Đà Nẵng nắm giữ vai trò chủ lực trong thúc đẩy NNCNC, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết từ năm 2016, xác định tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, huyện đã ban hành Đề án ”Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị”. Qua 2 năm triển khai, nhiều chủ trương, cơ chế chính sách được ban hành góp phần thu hút các hộ dân, doanh nghiệp tham gia. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành hơn 20 mô hình NNCNC mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Trong năm 2018, Hoà Vang tiếp tục dành 7 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây, huyện đã được Thành phố hỗ trợ dự án đầu tư mở rộng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Hoà Ninh với kinh phí 10 tỷ đồng, triển khai trong năm 2019.

Ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm TP. Đà Nẵng (Sở NN&PTNT), cho biết định hướng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát quỹ đất để tham mưu việc quy hoạch, ưu tiên quỹ đất để thu hút đầu tư vào NNCNC. Tập trung nghiên cứu, hỗ trợ thực hiện liên kết trong sản xuất sản phẩm NNCNC, nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị sản phẩm an toàn.

MINH TRANG/Chinhphu.vn

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : nhà đầu tư, nông nghiệp