Chuẩn bị đón hàng loạt FTA, dòng vốn đổ vào Việt Nam tăng mạnh mẽ

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam nổi lên như một thị trường đầy hấp dẫn, nhất là trước triển vọng hàng loạt HIệp định thương mại tự do (FTA) sẽ được ký kết và có hiệu lực cho giai đoạn tới.

Được lợi từ chuyển dịch dòng vốn trước chiến tranh thương mại

Một báo cáo mới công bố hôm 22/10 của Maybank Kim Eng Research Pte. cho thấy từ tháng giêng đến tháng 7, FDI ròng của Thái Lan tăng 53% so với một năm trước đó lên mức 7,6 tỷ USD, với dòng vốn đầu tư vào sản xuất tăng gấp 5 lần. Tại Philippines, FDI ròng đầu tư vào sản xuất tăng 861 triệu USD, cao hơn nhiều so với 144 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tại Việt Nam, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, đầu tư sản xuất từ nước ngoài đã tăng 18%, trong đó có dự án sản xuất polypropylene trị giá 1,2 tỷ USD của Tập đoàn Hyosung, Hàn Quốc. Việt Nam đang nỏi lên như là một thị trường thu hút dòng vốn từ Trung Quốc dịch chuyển sang, trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng leo thang.

Ngoài yếu tố địa lý là ngay bên cạnh Trung Quốc giúp việc dịch chuyển các nhà máy dễ dàng hơn, thì với ưu thế có đường bờ biển dài, nhiều hải cảng quan trọng cũng giúp hoạt động thương mại được dễ dàng hơn. Trong khi đó, lực lượng lao động của Việt Nam cũng dồi dào với chi phí nhân công vẫn còn ở mức ổn định đối với các tập đoàn đầu tư đa quốc gia.

Các số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy giới doanh nghiệp tại Trung Quốc, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài tại đây đang tích cực chuyển dịch hoạt động đầu tư, sản xuất ra khỏi nước này, vì lo ngại các hàng rào thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc không còn lợi thế cạnh tranh.

Từ khi quan hệ kinh tế Mỹ-Trung căng thẳng, Mỹ đã áp dụng ba vòng trừng phạt thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc với tổng giá trị 250 tỷ USD. Điều này dẫn đến việc Trung Quốc cũng trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ đánh thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong bối cảnh các vòng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang lâm vào bế tắc, dù hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nước dự kiến sắp diễn ra trong tháng 11 tới.

 

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giúp dòng vốn dịch chuyển sang Việt Nam

Đến việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do

Bên cạnh hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, điều đáng lưu ý nhất là sắp tới Việt Nam sẽ tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do mới, trong khi những hiệp định đã ký trước đây cũng bắt đầu có hiệu lực. Đơn cử như TPP -11 dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 01/2019, khi New Zealand, Australia, Việt Nam và Canada đang chuẩn bị hoàn tất phê chuẩn TPP-11 trong những tuần tới.

Trước đó hồi đầu tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng chia sẻ Việt Nam có thể phê chuẩn TPP-11 trước tháng 11, khi dự kiến sẽ trình Quốc hội trong cuộc họp đang diễn ra. Thủ tướng cũng cho rằng Hiệp định TPP-11 sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng về thương mại và kinh tế.

Được biết Hiệp định sẽ tạo ra khối thương mại tự do chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Ngoài ra, một khi có hiệu lực, khối CPTPP sẽ chiếm tới 13% tổng GDP toàn cầu. 99,9% hàng công nghiệp và 98,5% nông sản xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được hưởng quyền tiếp cận thị trường miễn thuế. Canada sẽ giảm thuế 6,1% đối với ôtô trong vòng 5 năm tới và Việt Nam cũng sẵn sàng bãi bỏ 70% thuế đối với mặt hàng này trong thời gian 10 năm.

Không những vậy, hiệp định thương mại giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EU) cũng chuẩn bị được ký kết (EVFTA).  Được biết Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dự kiến cuối năm 2018, và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019.

Theo cam kết trong EVFTA, các nước EU sẽ xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong 7 năm, từ ngày EVFTA có hiệu lực, hơn 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho Việt Nam.

Việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại không chỉ giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang các thị trường mới với các thuế suất ưu đãi hơn, mà còn tạo điều kiện để Chính phủ tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và thương mại và tăng cường mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Điều này sẽ càng khiến dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là các dòng vốn từ các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ. Theo  báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia hàng đầu xuất khẩu hàng hóa sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích so với các hiệp định thương mại khác đã tham gia bởi EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung, hỗ trợ nhau.

MẪN NHI

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : vốn đầu tư