Làng nghề hương thơm Kiền Bái
Những ngày này dọc các con đường ở xã Kiền Bái (Thủy Nguyên) đầy những nong phơi tưm tre đỏ rực xòe như đóa hoa trăm nghìn cánh. Khắp trong nhà, ngoài ngõ, đâu cũng thấy màu vàng của bột hương, màu đỏ của chân hương…
Nằm ngay trên trục đường chính của xã, cơ sở sản xuất hương thơm Thanh Lâm với gần chục công nhân đang tất bật làm việc. Người thì se hương, phơi hương, đóng gói… Thoăn thoắt se hương cùng các nhân công, bà Nguyễn Thị Lâm, chủ cơ sở chia sẻ: “Người làm hương bận rộn quanh năm. Nhưng càng gần Tết việc lại càng nhiều. Bởi lẽ trong thời gian này, thị trường cần một lượng lớn hương để chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán”.
Ông Phạm Khắc Ngọc, trưởng thôn 6 cho biết: Dù không phải nghề truyền thống nhưng nghề làm hương ở Kiền Bái đã có hơn 20 năm nay. “Lúc đầu chỉ một số người trong làng làm hương nhưng dần dần nó đã trở thành nghề chính của rất nhiều hộ. Đến nay xã đã có khoảng 60 hộ sản xuất hương quanh năm” – ông Ngọc nói.
Sản xuất hương thơm ở Kiền Bái có nhiều loại nhưng loại phổ biến nhất có lẽ là hương se. Theo bà Lâm, cách làm hương se không khó: chỉ cần trộn bột hương được xay nhuyễn từ nhiều loại hương liệu, gồm các thứ như: bột hương bài, quế, thuốc bắc với nước keo… Sau đó, lấy chân hương quấn bột, se lại với bột khô rồi đem phơi. Thứ tạo nên mùi thơm đặc trưng là hương liệu. Tuy nhiên, mỗi người lại có bí quyết pha trộn hương lieu riêng, không thể tiết lộ với người ngoài. Phối trộn nguyên liệu xong thì đến khâu se hương. Khâu này yêu cầu người làm phải thực hiện động tác nhanh, gọn mới làm ra được những nén hương có độ đồng đều về kích cỡ, lượng nguyên liệu sử dụng, thân hương nhẵn, khô, độ dính kết cao.
Cách làm đơn giản là vậy nhưng để nén hương thắp lên, có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất kỹ. Đầu tiên là chân hương. Đó phải được làm bằng loại tre, nứa ngâm được trẻ nhỏ, đều tăm tắp, có vậy mới dễ cháy. Tiếp đến là bột hương được nghiền từ cây hương bài. Hầu hết các hộ sản xuất hương ở Kiền Bái đều phải đến tận các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… thu mua rồi đem về phơi khô, nghiền nhỏ. Ngoài ra, mỗi que hương thường có thêm thành phần nhất định từ nhiều loại dược liệu khác nhau như đại hoàng, mộc hương,cam thảo, đinh hương… Tất cả tán thành bột mịn, pha trộn với nhau theo tỉ lệ nhất định.
Có thể nói, hương được tiêu thụ quanh năm, vả lại thị trường tiêu thụ rộng lớn. Do vậy, mấy năm nay nhiều hộ ở Kiền Bái có thu nhập khá, thậm trí không ít gia đình trong làng giàu lên từ làm hương. Thế nên, chuyện xây nhà cao tầng, mu axe ô tô từ làm hương của nhiều gia đình ở Kiền Bái không còn là chuyện hiếm. Gần đây, một số hộ sản xuất hương trong làng đã mạnh dạn đầu tư đến khâu đóng gói, in nhãn mác để tạo thương hiệu. Anh Bùi Hoàng Thăng, chủ cơ sở hương thơm Hồng Ngọc ở thôn 6 vui mừng cho biết: Mỗi vụ, gia đình anh làm khoảng 4 tấn hương, tạo công ăn việc làm cho hơn 15 lao động theo thời vụ thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Hàng làm ra được cơ sở của anh xuất đi Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế, vào TP. Hồ Chí Minh, thậm chí ra cả nước ngoài.
Theo dulichhaiphong.gov.vn
Từ khóa : Làng nghề,hương thơm,Kiền Bái