Để cạnh tranh thành công phải có được chuỗi cung ứng nổi trội
Quản lý chuỗi cung ứng có vai trò cực kỳ quan trọng, bởi gắn liền với hầu hết hoạt động của doanh nghiệp (DN) sản xuất. Tối ưu hoá chuỗi cung ứng tại những thị trường như Việt Nam sẽ giúp mang lại nhiều tiết giảm đáng kể về mặt chi phí tài chính trong kinh doanh; đồng thời giúp cải thiện tính linh hoạt, hiệu quả thời gian và chất lượng dịch vụ.
Dưới đây là những chia sẻ của ông Julien Brun – Tổng giám đốc CEL Consulting - đối tác uỷ quyền của các tổ chức và hiệp hội cung ứng hàng đầu trên thế giới như APICS (Hiệp hội điều hành sản xuất của Mỹ), ISM ( Học viện Quản lý nhà cung cấp của Mỹ), MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ).
Ông có thể cho biết Quản trị cung ứng (Supply Chain Management) là gì? Vì sao DN lại cần quản trị cung ứng hiệu quả?
Tôi xin lấy ví dụ hành trình mà một đôi giày đã trải qua để đến với người tiêu dùng. Đó là sự phối hợp của nhiều khâu. Từ nhà cung cấp nguyên vật liệu (như vải, keo, chỉ…), các nhà máy gia công may giày trên khắp thế giới, các đơn vị vận chuyển, các cầu cảng nơi đôi giày đó được “nhập cảnh”, đoàn xe vận chuyển, máy bay, các trung tâm phân phối, các cửa hiệu bán sỉ, bán lẻ và cuối cùng mới đến tay người tiêu dùng. Đó là một chu trình khép kín, hoàn toàn được “can thiệp” bởi chuỗi cung ứng (Supply Chain Management).
Ví dụ đơn giản này cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của chuỗi cung ứng tại các DN. Quản lý chuỗi cung ứng gắn liền với hầu như tất cả hoạt động của các DN sản xuất, từ việc hoạch định và quản lý quá trình tìm nguồn hàng, thu mua, sản xuất thành phẩm từng nguyên liệu, quản lý hậu cần… đến việc phối hợp với các đối tác, nhà cung ứng, các kênh trung gian, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng. Nói chung, quản trị cung ứng gồm quản lý cung và cầu trong toàn hệ thống của các DN. Nhờ quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, những tập đoàn tầm cỡ thế giới như Dell và Wal-Mart đạt được từ 4% - 6% lợi nhuận cao hơn so với đối thủ. Các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Apple, Amazon, Unilever, Intel… cũng đồng thời là những chuỗi cung ứng tốt nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, nếu theo dõi thị trường chứng khoán, các thương hiệu triển khai quản trị cung ứng ở mức độ xuất sắc (best practice) thường có giá trị cổ phiếu cao hơn các đối thủ khác khoảng 40 điểm. Rõ ràng, yếu tố cơ bản để các DN cạnh tranh thành công ngày nay là sở hữu được một chuỗi cung ứng trội hơn hẳn các đối thủ. Nói cách khác, quản trị chuỗi cung ứng đã trở thành một bộ phận chiến lược của công ty.Trước đây, để tăng được 5% doanh thu, DN đầu tư tăng 5% chỉ tiêu trong kinh doanh và chưa đo lường được lợi nhuận. Tuy nhiên, ngày nay, quản lý cung ứng toàn chuỗi hiệu quả giúp DN giảm được 5% chi phí giá thành, hoạt động – điều này giúp DN tạo ra khoảng 5-10% lợi nhuận từ nội bộ mà không cần phải đầu tư thêm.Tối ưu hoá chuỗi cung ứng tại những thị trường như Việt Nam sẽ giúp mang lại nhiều tiết giảm đáng kể về mặt chi phí tài chính trong kinh doanh, đồng thời giúp cải thiện tính linh hoạt, hiệu quả thời gian, chất lượng dịch vụ. Điển hình như việc kiểm soát và tối ưu hoá chỉ riêng hoạt động logistics tại Việt Nam giúp tiết kiệm khoảng 5%-10% chi phí logistics và giúp giảm tồn kho 15% - 25%.
Như vậy, quản trị cung ứng chỉ áp dụng trong lĩnh vực sản xuất?
Khái niệm “Quản trị cung ứng” có thể được áp dụng cho hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, tài chính, bệnh viện, nhà hàng, giải trí...
Quản trị cung ứng chính xác là quản trị những gì, thưa ông?
Quản trị cung ứng giúp kiểm soát 3 dòng chảy: sản phẩm (hoặc dịch vụ), thông tin (IT) và con người. Quản trị cung ứng tốt giúp DN kiểm soát và quản lý tốt chi phí (Cost), dòng tiền mặt (Cash), và chất lượng dịch vụ khách hàng (Customer Service). Tại các tập đoàn đa quốc gia, chi phí quản trị cung ứng trên toàn chuỗi chiếm 90 - 95% tổng chi phí hoạt động của DN. Vì thế, quản lý cung ứng hiệu quả sẽ ngay lập tức mang lại hiệu quả tài chính cho kinh doanh và DN. Ví dụ, chi phí tồn kho giảm sẽ giúp giảm chi phí cố định, từ đó có thể giúp tăng lợi nhuận. Hoặc, nếu tốc độ phản hồi đơn đặt hàng tăng lên, thì sẽ giúp giảm chi phí bị mất đơn hàng, từ đó giúp tăng doanh thu cho công ty. Nghe ra có vẻ đơn giản nhưng thực tế, chính việc phải tìm ra điểm cân đối giữa 3 yếu tố: doanh thu, lợi nhuận và vốn lưu động làm cho việc quản trị cung ứng nhiều thách thức - vì trong quản trị cung ứng, luôn luôn có sự đánh đổi, được cái này mất cái kia, và không bao giờ có một sự tuyệt đối hoàn hảo trong các giải pháp quản trị cung ứng.
Những năm gần đây, tình hình kinh tế trở nên khó khăn hơn, theo ông, các nhà quản lý DN tại thị trường Việt Nam phải đối đầu với những thách thức nào trong quản trị?
Hơn 90% các CEO hiện nay đang tập trung giải quyết các bài toán: Phải làm thế nào để giảm chi phí đến mức tối thiểu; làm thế nào để giảm tồn kho hoặc vốn lưu động; làm thế nào để tăng tối đa chất lượng phản hồi đơn hàng và giao hàng; làm thế nào quản trị lợi nhuận trên toàn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các thách thức khác CEO sẽ phải đương đầu sau đó như: quản trị độ phức tạp (complexity management), giảm thiểu rủi ro...
Ông có thể chia sẻ thêm các vấn đề thường hay mắc phải của các DN Việt Nam trong quản trị cung ứng?
Phân tích dựa theo mô hình 3 yếu tố chính của quản trị cung ứng ảnh hưởng ngay tới kết quả kinh doanh của DN là “Dịch vụ khách hàng – Dòng tiền mặt – Chi phí”, theo tôi, các DN Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập dự báo (forecasting) và lập kế hoạch (planning); phối hợp giữa các bộ phận còn yếu; quản lý tồn kho chưa hiệu quả; chưa có hệ thống và quy trình quản trị DN. Những yếu kém này là nguyên nhân cho một loạt các hệ quả khác như: năng suất thấp, chi phí hàng tồn kho cao, hàng bán được thì lại không có hàng để bán hoặc hàng không bán được thì đọng trong kho rất nhiều, giao hàng trễ, số ngày tồn kho cao( 45-50 ngày)...
Với kinh nghiệm tư vấn, triển khai dự án trong quản trị cung ứng tại các nước Đông Nam Á hơn 10 năm qua, và là đơn vị đi đầu trong việc phát triển các giải pháp công nghệ giúp quản lý và điều hành cung ứng, theo ông làm thế nào để các DN Việt Nam có thể quản lý tốt chuỗi cung ứng?
Theo thống kê của CEL Consulting, đa phần các DN gặp khó khăn trong quản lý hàng tồn kho đều bắt nguồn từ công tác dự báo nhu cầu thiếu chính xác dẫn đến lập kế hoạch mua hàng, kế hoạch sản xuất sai lệch với thực tế nhu cầu. Hiện nhiều DN vẫn chưa có phương án quản lý hiệu quả công tác lập kế hoạch và dự báo, gây ra sự phối hợp không thông suốt giữa các phòng ban trong quản lý cung cầu, dẫn đến dư thừa hoặc thiếu hụt hàng tồn kho, gây kẹt vốn hoặc mất doanh thu.
Các DN cần tập trung xem xét lại chiến lược và chuẩn hóa các chính sách, quy trình, hệ thống quản lý (ERP, BI) cũng như quy tắc phối hợp giữa các phòng ban nhằm đạt được sự thông suốt trong phối hợp và ứng phó kịp thời với những biến động trong thị trường hoặc những thay đổi từ phía khách hàng.
Theo khảo sát, trong năm 2015, chi phí vận tải hậu cần và mua hàng có thể tăng và biến động cao. Do đó, để giảm chi phí mua hàng, hậu cần trong trung và dài hạn, các DN cần phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp trong quản lý chất lượng, đầu tư và xây dựng chuỗi cung ứng tinh gọn (lean) thông qua các hợp đồng dài hạn, hỗ trợ phát triển nhân sự và quản lý.
Về công tác phát triển nhân sự, hầu hết các DN tại Việt Nam đều có thể nhận được nhiều lợi ích thông qua đầu tư đào tạo, nâng cao tay nghề chuyên môn của nhân sự các bộ phận mua hàng, hậu cần, xuất nhập khẩu, sản xuất và chuỗi cung ứng.
Nhìn chung, hiện các DN Việt Nam đang dần nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng trong quản lý chi phí, quản lý tiền mặt và chất lượng dịch vụ. Đứng trước tình hình kinh tế khó khăn, các DN Việt Nam có thể coi đó là một cơ hội cho phép thực hiện một bước chuyển mình thông qua đầu tư và hiện đại hóa chuỗi cung ứng. Nếu như giai đoạn 2008 - 2012 là giai đoạn mở rộng kinh doanh và kêu gọi đầu tư, thì giai đoạn 2014-2015 sẽ là giai đoạn tinh gọn hóa và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Cám ơn những chia sẻ của ông
Theo Ngày mới Saigon - NXB Thanh Niên
Từ khóa : Julien Brun,Tổng giám đốc,CEL Consulting