TP.HCM đề xuất xây nhà máy xử lý chất thải 100% vốn đầu tư nước ngoài

(DĐDN) – Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP chấp thuận cho Công ty Trisun Green Energy nghiên cứu hoàn chỉnh dự án xây nhà máy xử lý rác theo công nghệ plasma tại khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc, xã Phước Hiệp, Củ Chi, TP.HCM.

Công ty Trisun Green Energy (Úc) đề xuất được xây Dự án xây nhà máy xử lý rác theo công nghệ plasma với tổng vốn đầu tư 520 triệu USD

Dự án xây nhà máy xử lý rác theo công nghệ plasma sẽ đốt tất cả loại rác ở nhiệt độ 3.0000C, quy mô khoảng 13ha có tổng vốn đầu tư 520 triệu USD, công suất xử lý 2.000 tấn rác mỗi ngày.

Đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài 100%, dự kiến đơn giá xử lý rác sinh hoạt là 32 USD/tấn.

Tuy nhiên, theo Công ty Trisun Green Energy, nếu được giao 1.000 tấn rác/ngày, giá xử lý rác giảm còn 31,88 USD/tấn, nếu giao rác 2.000 tấn/ngày, giá có thể còn 29,88 USD/tấn.

Được biết, trước đó, từ cuối năm 2011, đề án xin xây dựng nhà máy đã trình UBND TP.HCM, đã được đánh giá và kiểm định. Nhà đầu tư đã hoàn chỉnh các yêu cầu thuyết minh dự án, chứng minh năng lực tài chính, thời gian vận hành…

Vào tháng 9/2015, tại cuộc họp với UBND TP.HCM và các ban ngành về dự án xử lý chất thải bằng công nghệ plasma của Công ty Trisun Green Energy (100% vốn của Úc), nhà đầu tư cam kết dự án sẽ được xây dựng trong 33 tháng, chỉ sử dụng quỹ đất 10 – 15 ha.

Theo giới thiệu của nhà đầu tư, họ sẽ dùng hệ thống đèn plasma đốt đưa nhiệt độ lên 3.000 – 7.000 độ C trong điều kiện thiếu ô xy để tạo năng lượng sét nhân tạo tiêu hủy các loại chất thải. Quá trình xử lý và nguyên liệu đầu ra không gây nguy hại, không thải ra chất thải.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, thời gian vận hành nhà máy là 50 năm. Mỗi ngày nhà máy có thể xử lý 2.000 tấn rác thải sinh hoạt, 700 – 1.000 tấn chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại, 1.000 – 2.000 tấn bùn thải. Sản phẩm thu được từ công nghệ đốt plasma là nhiệt lượng chuyển hóa thành điện năng sẽ bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên liệu không nguy hại thải ra sau khi đốt làm vật liệu xây dựng.

Về giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt, theo đề xuất thì chất thải rắn sinh hoạt là 32 USD/tấn (còn thương lượng) và xử lý bùn thải là 60 USD/tấn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đề xuất xử lý rác bằng công nghệ đốt plasma là phù hợp với tiêu chí xử lý rác của TP.HCM, giúp xử lý triệt để tất cả các loại chất thải, kể cả chất thải nguy hại, công suất xử lý cao, tiết kiệm đất, không cần phân loại, thu hồi và tái tạo năng lượng, tạo nguyên liệu làm vật liệu xây dựng.

Theo UBND TP.HCM, xử lý chất thải bằng công nghệ plasma được đánh giá là công nghệ tiên tiến nhất trong các loại công nghệ xử lý chất thải hiện nay. Tuy nhiên, UBND TP cũng cho rằng dự án cần nghiên cứu kỹ, làm rõ thêm một số nội dung để đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của Thành phố, đồng thời đảm bảo khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư.

Theo Vũ Hiền (enternews.vn)

Từ khóa : nhà máy xử lý chất thải,vốn đầu tư nước ngoài