Doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực về tình hình kinh doanh tại Việt Nam

Với sự lạc quan về môi trường kinh doanh như hiện nay, hầu hết doanh nghiệp châu Âu có mong muốn sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của EuroCham vừa công bố cho thấy sự lạc quan của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong quý 3. Khảo sát đã nhận được hơn 200 phản hồi từ đại diện các doanh nghiệp thành viên.

Chỉ số BCI thể hiện niềm tin vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, hiện tại ở mức 81 điểm, là kết quả cao thứ nhì kể từ cuối năm 2016. Mặc dù có sự sụt giảm nhẹ so với quý 2 - mức cao nhất trong 18 tháng qua, cảm quan kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu trong quý 3 vẫn tích cực. 

Các doanh nghiệp thành viên EuroCham tiếp tục hoạt động tốt trong quý rồi, với 57% phản hồi "Tốt" và 10% là "Rất tốt", chỉ 8% phản hồi tiêu cực. Khi phản hồi về kỳ vọng cho quý tiếp theo, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn lạc quan, với gần 60% phản hồi 'tốt' và 11% 'rất tốt' khi dự đoán tình hình kinh doanh đến cuối năm 2018. 

Các thành viên EuroCham cũng lạc quan khi phản hồi câu hỏi khảo sát triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam, với 58% dự đoán 'ổn định và cải thiện' và 32% dự đoán ‘không thay đổi’.

Phần lớn các doanh nghiệp Châu Âu có dự định tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. (Ảnh tư liệu)

Trong khi đó, chưa tới 10% đại diện doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh tế xấu đi. Về chi tiết hoạt động kinh doanh của các công ty châu Âu, kế hoạch nhân sự và đầu tư, cũng như triển vọng doanh thu trong quý tới, hơn một nửa số doanh nghiệp phản hồi dự định sẽ tăng lực lượng lao động của họ trong quý 4; trong đó, 41,9% tăng "trung bình" và 8,4% tăng "đáng kể". Chưa đến 8% dự định cắt giảm nhân lực. 

Tương tự, hơn 50% thành viên EuroCham tin rằng doanh nghiệp của họ sẽ tăng mức đầu tư vào quý cuối cùng của năm 2018, với 40,9% dự đoán mức tăng trưởng "trung bình" và 10,8% dự đoán mức tăng "đáng kể". Chỉ 6% dự định giảm mức đầu tư.  Các phản hồi về dự đoán doanh thu thậm chí còn ấn tượng hơn, với hơn 70% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán mức tăng trưởng "đáng kể" (15,3%) hoặc "trung bình" (56,2) trong số lượng đơn hàng hoặc doanh thu trong quý 4. 

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham nhận xét, kết quả của Chỉ số môi trường kinh doanh mới nhất của EuroCham là một ví dụ của sự tin tưởng mà doanh nghiệp châu Âu dành cho môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Sự tự tin này thể hiện thông qua các dự định trong đầu tư và phát triển nhân lực.

Cũng trong tháng 10 vừa qua, tại Brussels, EuroCham phối hợp với VCCI đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và gần 20 nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn từ khắp châu Âu mong muốn phát triển đầu tư của họ tại Việt Nam.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư châu Âu đối với sự kiện này cho thấy nhu cầu thâm nhập thị trường Việt Nam và kỳ vọng vào sự phê chuẩn của Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam. EuroCham sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phê chuẩn nhanh chóng của thỏa thuận lịch sử này và khuyến khích hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Riêng về Hiệp định thương mại Tự do EU – Việt Nam, cuối tháng 10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đệ trình Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam để chờ xét duyệt, đúng vào dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang thăm và làm việc tại châu Âu.

Các doanh nghiệp Việt Nam và EU đều đang đón chờ đến thời điểm Hiệp định thương mại Tự do EU – Việt Nam có hiệu lực, tạo điều kiện giao thương giữa hai phía. 

Đây là hiệp định thương mại toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á. Theo quy định, các thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam cần phải được Nghị viện châu Âu (EP) và 28 nước thành viên EU phê duyệt.

Thỏa thuận thương mại sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, trong đó, một số mặt hàng sẽ giảm thuế theo thời gian, lộ trình cụ thể và một số sẽ bị giới hạn về hạn ngạch.

Ví dụ, Việt Nam sẽ miễn thuế đối với xe ô tô nhập khẩu từ EU (mức thuế hiện đang là 78%)  trong 10 năm tới, miễn thuế đối với rượu vang (mức thuế hiện là 50%) trong 7 năm. Các doanh nghiệp từ EU cũng sẽ được đấu thầu các hợp đồng trong lĩnh vực công của Việt Nam.

Việt Nam cam kết bảo vệ 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU. Ngược lại, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm đối với một số sản phẩm của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép.

KHẢI HUYỀN/Dân Việt

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : doanh nghiệp