Thấy gì từ việc DN Thái chính thức thâu tóm chuỗi kinh doanh Cash & Carry ở Việt Nam?

(DĐDN) – Ngày 7/1/2016, Tập đoàn bán lẻ METRO (Đức) thông báo đã thực hiện xong mọi thủ tục để hoàn tất thương vụ chuyển giao toàn bộ chuỗi kinh doanh Cash & Carry ở Việt Nam cho đối tác Thái Lan TCC.

Khách mua sắm tại một trung tâm Cash & Carry của Metro

Theo đó, TCC mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro tại Việt Nam, bao gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu euro.

TCC là công ty do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi kiểm soát và công ty này ở thời điểm đầu năm 2015 nắm đến 73,7% cổ phần tại BJC.

Ông Charoen đã đầu tư thành công tại một loạt các doanh nghiệp như đồ uống, sản phẩm tiêu dùng, bất động sản, dịch vụ nông nghiệp, tài chính… cả trong khu vực ASEAN lẫn tại Úc, Anh và Mỹ.

Như vậy, kể từ khi chính chức công bố thông tin mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam hồi tháng 8/2014, tập đoàn Thái Lan đã phải mất hơn 1 năm mới hoàn thành thương vụ này, do vấp phải nhiều sự phản đối của các cổ đông BJC hồi đầu năm 2015 vì lo ngại về những rủi ro tài chính và pháp lý.

Với kinh nghiệm dạn dày trong lĩnh vực bán lẻ, BJC (công ty con của Tập đoàn TCC) sẽ tiếp tục khai thác thị trường đầy tiềm năng của Metro Cash & Carry Việt Nam. TCC cũng cho biết, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, Tập đoàn BJC sẽ trực tiếp làm việc với Metro Cash & Carry Việt Nam, nhưng trước mắt vẫn giữ nguyên tên công ty và các mục tiêu phát triển, sản phẩm, dịch vụ của Metro như trước đây, nhằm khai thác thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam cũng như đẩy mạnh đưa hàng Thái vào Việt Nam qua chuỗi kinh doanh này.

Tại Việt Nam, Công ty BJC bắt đầu đầu tư từ năm 1995 với việc đầu tư một nhà máy chai thủy tinh tại Bình Dương. Cho đến nay, BJC đã đầu tư và sở hữu Nhà máy sản xuất giấy vệ sinh Cellox, Nhà máy sản xuất đậu phụ Ichiban, Nhà máy sản xuất chai thủy tinh, Nhà máy sản xuất lon nước giải khát với công suất 850 triệu lon/năm. BJC cũng hợp tác chặt chẽ với Thai Corp International Vietnam. Quý I/2014, doanh thu của BJC tại Việt Nam đã đạt khoảng 45 triệu USD, chiếm 66% doanh thu nước ngoài của BJC.

Trước thương vụ Metro, BJC đã mua chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart (liên doanh giữa Tập đoàn Phú Thái và Công ty Itochu của Nhật Bản) và đổi tên thành B’s mart. Theo các chuyên gia, việc mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ đưa BJC lên một vị trí mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh tại khu vực Đông nam Á; đồng thời bổ sung vào mạng lưới phân phối hiện có của BJC tại Việt Nam, hoàn thành chuỗi cung ứng và đưa doanh nghiệp này vươn lên trong thị trường phân phối hiện đại.

Được biết, Metro Cash & Carry Việt Nam đi vào hoạt động trong lĩnh vực bán buôn từ năm 2002, đến nay có 19 trung tâm tại Việt Nam với hơn 3.300 nhân viên.

Trong những năm qua, Metro Cash & Carry Việt Nam đã đầu tư mạnh và liên tục vào phát triển hạ tầng thương mại, cũng như lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm trong nước. Bên cạnh đó, Metro còn tổ chức tập huấn cho hơn 20.000 hộ nông dân, ngư dân giúp nâng cao sản lượng, an toàn sản phẩm để tiếp cận tốt hơn với nền thương mại hiện đại cũng như nâng cao năng lực trong dài hạn.

Theo số liệu tổng hợp về đầu tư của Metro ở Việt Nam, tính đến tháng 5/2013, tổng vốn đầu tư của 19 trung tâm Cash & Carry là hơn 301 triệu USD. Chưa có con số cập nhật đến ngày công bố bán cho BJC, nhưng giới quan sát cho rằng khoản đầu tư giữa năm ngoái đến nay là không đáng kể, bởi từ năm 2012 đến nay là giai đoạn đỉnh điểm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các nhà phân phối. Trong tình hình chung ấy, Metro đã tạm khép lại việc mở rộng đầu tư và chỉ tập trung kinh doanh hàng hóa. Vốn điều lệ của Metro Cash & Carry Việt Nam đến thời điểm nói trên rơi vào khoảng 103,57 triệu USD.

Có thể nói, thương vụ BJC mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam được xem là ngòi nổ cho nhiều thương vụ mua bán sáp nhập của các doanh nghiệp Thái Lan với các doanh nghiệp bán lẻ Việt.

Bán toàn bộ chuỗi Cash & Carry ở Việt Nam, nhưng Tập đoàn Metro đã đạt được thỏa thuận mua lại Classic Fine Foods Group (CFF) – một nhà phân phối thực phẩm cao cấp có trụ sở ở Singapore và đang hoạt động tại nhiều thành phố khác nhau bao gồm cả TP.HCM.

CFF cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng và khách sạn hàng đầu ở các thành phố lớn thuộc khu vực châu Á và Trung Đông. Ngoài ra, công ty còn phục vụ các hãng hàng không, các chuỗi siêu thị và các cửa hàng đặc sản.

Rất có khả năng, sau  khi chính thức giao toàn bộ chuỗi kinh doanh Cash & Carry ở Việt Nam, Metro sẽ không rút khỏi thị trường Việt Nam mà sẽ tập trung vào mảng dịch vụ phân phối thực phẩm ở các nhà hàng và khách sạn, một mảng kinh doanh khá thành công với Cash & Carry trong nhiều năm qua ở Việt Nam.

 

Theo Thu Hiền (enternews.vn)

Từ khóa : Thái,Cash & Carry