Kinh doanh homestay qua hình thức trực tuyến tăng mạnh

(NTD) - Thói quen du lịch thay đổi, nhu cầu kinh doanh dịch vụ chỗ ở tăng cao đã kéo theo sự xuất hiện và phát triển của các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent - OTA). Có thể kể đến những cái tên OTA lớn hiện nay như Booking.com, Expedia.com. Đặc biệt, trong lĩnh vực homestay, không thể không nhắc đến Airbnb và Luxstay.

Theo công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, tính riêng tại TP.HCM năm 2016, có khoảng 6.200 homestay. Còn số này tăng hơn gấp đôi vào năm 2017 và đạt hơn 20.000 chỗ ở trong nửa đầu năm 2018. Tại Hà Nội, số lượng chỗ ở cũng gia tăng từ 3.200 năm 2016 lên hơn 8.100 vào năm 2017. Trong nửa đầu năm 2018, con số này đã hơn gấp rưỡi năm 2017, đạt 11.200 chỗ ở.

Airbnb (AirBed & Breakfast) là mô hình được các chủ homestay Việt ưa thích nhất. Mỗi năm Việt Nam có 50-60 triệu khách du lịch, trong đó có khoảng 10 triệu khách du lịch nước ngoài. Nhờ vậy mà trong năm 2017, con số thống kê cho thấy có hơn 6.500 chủ nhà cho thuê phòng qua Airbnb và tăng lên từng ngày.

Một ứng dụng OTA Việt gần đây cũng nổi lên như là đối thủ nặng kí của Airbnb là Luxstay. Đây là một trong số ít OTA cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chăm sóc khách hàng 24/7 và phần mềm quản lý đặt phòng của người Việt. Bên cạnh đó, để cạnh tranh với đối thủ ngoại, Luxstay còn hỗ trợ marketing, đặc biệt là tạo dựng cộng đồng đối tác chủ hộ chia sẻ chỗ ở.

Ông Nguyễn Văn Dũng, CEO Luxstay cho biết, nhu cầu du lịch trải nghiệm ngày một tăng cao, khiến số lượng đặt phòng trên Luxstay tăng trưởng đều đặn khoảng 20%/tháng. Tháng cao điểm, công ty phục vụ tới 15.000 lượt đặt phòng và dự báo sẽ tăng gấp đôi vào dịp cuối năm. Hiện tại, nhiều khách sạn từ 1-3 sao đang bị ảnh hưởng rất lớn từ mô hình homestay.

Xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng 20 năm trở lại đây, ban đầu homestay hướng đến phục vụ đối tượng chủ yếu là du khách nước ngoài, khi lựa chọn hình thức du lịch này sẽ được ăn ngủ sinh hoạt tại nhà của người dân bản địa. Loại hình homestay sau đó ngày càng phát triển mạnh và được ưa chuộng bởi giúp du khách hiểu được văn hóa truyền thống cũng như tính cách người dân địa phương.

Theo nghiên cứu của Google và Temasek về nền kinh tế Internet Đông Nam Á, du lịch trực tuyến (online travel) hiện đang đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng và đóng góp doanh thu. Trong đó, thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam đã đạt 2,2 tỷ USD vào năm 2015 (cao gấp đôi nước láng giềng Philippine). Dự kiến, con số này sẽ cán mức 9 tỷ USD vào năm 2025.

 Dương Nguyễn

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : homestay, trực tuyến