Cần phát triển thị trường mua bán nợ
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng bên cạnh các giải pháp đang thực hiện hiện nay, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường mua bán nợ nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu theo phương thức: hình thành sàn giao dịch mua bán nợ, đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ, tăng cường năng lực tài chính của các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ…
Đó là thông tin được đưa ra sáng nay, tại Hội nghị Quốc tế Diễn đàn các Công ty Quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện”.
Tại Hội nghị theo báo cáo của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC – 100% vốn Nhà nước, Bộ Tài chính là đại diện), từ năm 2011 đến nay, nợ xấu của Việt Nam cao nhất vào năm 2012 là 4,86% tổng dư nợ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và dư nợ tín dụng tăng trưởng quá cao trước đó. Sau đó, nợ xấu giảm dần ở mức 2,46% vào năm 2016, 2,34% vào năm 2017 và đến tháng 6 năm 2018 là 2,09%.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu này theo DATC, mới chỉ tính nợ xấu nội bảng, chưa tính các khoản nợ được cơ cấu lại, nợ xấu tiềm ẩn như cách tính của Ngân hàng Thế giới hay các tổ chức tài chính quốc tế khác đang thực hiện. Do vậy, nếu tính nợ xấu theo phương thức đó thì tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam phải cao hơn. Ví như năm 2012, được coi là tỷ lệ nợ xấu cao nhất thì phải là 8,6% (tháng 3/2012) và 10% (tháng 6/2012), cuối năm 2017 là 7,7% và tháng 6/2018 là 6,67% tương ứng với giá trị tuyệt đối là 486 nghìn tỷ đồng. Như vậy, theo thời gian, dù với cách tính nào thì tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần
Theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC, với các số liệu trên đây, cũng chỉ phản ánh quy mô nợ xấu trong các tổ chức tín dụng chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế. Bởi nếu tính mức độ nợ xấu của nền kinh tế thì phải tính đến cả các khoản nợ có tính chất nhà nước và các khoản cấp vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Theo thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thì năm 2017, khoản nợ mà các doanh nghiệp Nhà nước phải trả là hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu bình quân năm 2017 là 1,25 lần, trong đó có 20 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.
Theo phân tích của ông Lê Việt Dũng, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp, Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên nhân dẫn đến nợ xấu là do cung ứng vốn từ các tổ chức tín dụng chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính cho nền kinh tế, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm hơn 95% tổng tài sản các định chế tài chính. Chưa kể thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng chiếm trên 70% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh.
Theo thống kê của DATC, với vai trò là mua nợ và tái cấu trúc doanh nghiệp, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, trong 15 năm qua, DATC đã xử lý trên 90.000 tỷ đồng nợ trong và ngoài nước cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ trên 3000 doanh nghiệp xử lý nợ trong quá trình cổ phần hóa, xử lý nợ để tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu cho 180 doanh nghiệp, trong đó có 80 doanh nghiệp nhà nước với giá trị chuyển nợ thành vốn góp trên 1.400 tỷ đồng.
. Ảnh minh hoạ
Còn với vai trò là một tổ chức xử lý nợ quốc gia theo hình thức là mua – bán và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, từ 2013 – 2018, ước tính VAMC đã xử lý được khoảng 40% tổng số nợ xấu qua VAMC (bán qua VAMC). Theo thống kê của VAMC, mới thành lập được 5 năm và từ năm 2017, mới hoạt động mua nợ theo giá thị trường nhưng doanh số mua nợ của VAMC lũy kế đến 30/9/2017 đạt trên 3.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, VAMC cũng thừa nhận, hoạt động xử lý nợ của VAMC mới chỉ dừng ở việc đôn đốc, thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ cho các khách hàng có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và bán nợ… Các hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua chuyển nợ thành vốn góp, đầu tư, mua cổ phần chưa được triển khai nên cũng làm giảm hiệu quả xử lý nợ xấu.
Để hiệu quả hơn nữa trong xử lý nợ xấu, đặc biệt hướng đến mục tiêu đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng xuống mức dưới 3%, theo DATC, cần phải có các giải pháp bổ sung như thứ nhất cần xây dựng bộ quy tắc cho phép áp chế tái cơ cấu doanh nghiệp không qua tòa án.
Thứ hai cho phép áp dụng cơ chế thị trường khi xử lý các khoản nợ có tính chất nhà nước bình đẳng như với các khoản nợ thương mại để tạo sự hài hòa lợi ích giữa thu hồi nợ với bảo vệ sự sinh tồn của doanh nghiệp. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp tái thiết được miễn tiền phạt thuế, xóa một phần nợ thuế…Thứ ba là cho phép các ngân hàng được tái cấp vốn phù hợp phương án phục hồi doanh nghiệp và có cơ chế phối hợp, hợp tác xử lý nợ giữa các nước.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : phát triển thị trường, mua bán nợ