Chế biến thực phẩm tại Việt Nam: ‘Miền đất hứa’ cho nhà đầu tư
(Chinhphu.vn) - Giai đoạn 2010-2016, dù số lượng doanh nghiệp của ngành chế biến thực phẩm chưa lớn, mới chiếm 2,1% tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng doanh thu lại chiếm tới 7,3% (tương đương 54 tỷ USD) và tốc độ tăng trưởng tỷ suất sinh lời lên tới 12,5%/năm. Thông tin trên ghi nhận tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư cho công nghiệp chế biến thực phẩm vừa được tổ chức tại TPHCM.
Những con số ấn tượng
Chế biến thực phẩm là một trong những ngành Việt Nam đang ưu tiên phát triển đến năm 2025, tầm nhìn tới năm 2035. Trong đó, chủ trương nhất quán là ủng hộ cho áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế vào các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam những năm qua tăng trưởng rất đều đặn. Giai đoạn 2013-2017, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành thực phẩm chế biến tăng trung bình 6,82% hằng năm, còn ngành đồ uống thậm chí tăng trưởng tới 9,76%/năm. Riêng 10 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất thực phẩm và chế biến cũng đã tăng 8% so với cùng kỳ 2017.
Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2017 đạt gần 19 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm trước đó. Trong đó có những nhóm hàng tăng trưởng tốt và ổn định suốt nhiều năm qua như chè, rau quả, hạt điều… Hiện có khoảng 50.000 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm.
Minh chứng thêm cho “đầu ra” hết sức tiềm năng của ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam, bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư công thương (Cục Xúc tiến Thương mại) cho hay: Riêng giai đoạn 2010-2016, dù số lượng doanh nghiệp của ngành chế biến thực phẩm chưa lớn, mới chiếm 2,1% tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng doanh thu lại chiếm tới 7,3% (tương đương 54 tỷ USD) và tốc độ tăng trưởng tỷ suất sinh lời lên tới 12,5%/năm.
Tại thị trường nội địa, Việt Nam với quy mô dân số gần 94 triệu dân với quá nửa đang trong độ tuổi lao động cũng là cơ hội lớn cho tiêu thụ thực phẩm chế biến. Hiện thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu tiêu dùng hàng tháng của người Việt với khoảng 35%. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hằng năm của Việt Nam cũng chiếm khoảng 15% GDP và sẽ còn tăng lên khi mức thu nhập được cải thiện trong tương lai.
Thống kê từ năm 2013 đến năm 2017 cũng cho thấy chỉ số tiêu thụ thực phẩm chế biến tại Việt Nam đã tăng trung bình 9,12%/năm, đồ uống tăng trung bình 11,28%/năm. Trong đó, 2017 trở thành năm ấn tượng khi mức tiêu thụ của hai ngành này đều tăng xấp xỉ 18%.
Nếu như Việt Nam cần có lượng nguyên liệu tới 41,6 tỷ USD để bảo đảm “đầu vào” cho ngành chế biến thực phẩm thì ở đầu ra, thị trường Việt Nam cũng đồng thời đã tiêu thụ tới 2/3 lượng thực phẩm sản xuất ấy.
Những hạn chế của nông nghiệp Việt Nam hiện nay như năng suất còn thấp, khâu bảo quản chế biến sau thu hoạch còn kém phát triển… dù vậy cũng chính là “dư địa” để các nhà đầu tư “có đất dụng võ”.
Sức hút mang tên Việt Nam
Từ phía cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài lâu năm và đã có những thành công nhất định, Việt Nam đang được đánh giá là thị trường chưa bao giờ hết sức hút.
Theo ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, sau khi các bên phê chuẩn hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU thì giá trị giao thương giữa đôi bên sẽ còn tăng mạnh. Lúc đó, thị trường sẽ chứng kiến sự tăng tốc xuất khẩu của nhiều sản phẩm Việt Nam vào EU như hồ tiêu, cà phê.
Hiệp định Việt Nam-EU không chỉ đơn giản là dỡ bỏ hàng rào thuế quan cho đôi bên mà còn nhiều điều khoản liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, giúp sản phẩm Việt Nam dần chuẩn hóa theo chất lượng quốc tế. Cùng với đó, khoảng 40 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam sẽ được bảo hộ ở EU.
“Sau khi FTA Việt Nam-EU được triển khai, sẽ có nhiều doanh nghiệp từ EU tới Việt Nam để đầu tư. Cùng với đó, “dòng” công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất cũng như máy móc thiết bị hiện đại cho ngành nông nghiệp - chế biến thực phẩm sẽ “chảy” vào Việt Nam”, ông Jean Jacques Bouflet dự báo thêm.
Còn theo ông Thierry Rocaboy, Chủ tịch Ủy ban Ngành thực phẩm, nông thủy sản (Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam), thời gian qua, EU luôn thâm hụt thương mại với Việt Nam. Trong giai đoạn 2007-2017, mức thâm hụt này đã tăng gấp 6 lần, tức Việt Nam hưởng lợi lớn trong giao thương với EU. Cùng với FTA Việt Nam-EU, rau củ quả và rau gia vị là những mặt hàng mà Việt Nam có nhiều thế mạnh để thâm nhập thị trường EU.
Trong khi đó, với vị Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, đồng thời là Cựu đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Lee Hyuk cho rằng dư địa cho đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Bởi Việt Nam đang có chiến lược thu hút FDI cạnh tranh hơn, bền vững hơn khi không còn quá tập trung vào lợi thế nhân công giá rẻ cùng các ưu đãi khác về thuế như trước đây. Thay vào đó, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực cải cách các quy định pháp lý về đầu tư kinh doanh, xúc tiến đào tạo lao động lành nghề, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện và đáng tin cậy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) để cải thiện chất lượng sản phẩm. Đây chính là “lực hấp dẫn” với những nhà đầu tư xem trọng đổi mới sáng tạo. Đó cũng chính là lý do hiện có tới 4.200 doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam. “Tôi tin Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài”, ông Lee Hyuk nhận định.
Nhà tư vấn Yuho Richark Kim từ Công ty Luật Baker & McKenzie thì khuyến nghị “với nhà đầu tư ngoại thì M&A là con đường ngắn nhất để nhanh chóng gia nhập ngành chế biến thực phẩm ở Việt Nam. Đây cũng là những kinh nghiệm thành công của các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Nhật Bản…
Phương Hiền
Theo baochinhphu.vn
Từ khóa : Chế biến thực phẩm, nhà đầu tư