Du lịch Tây Ninh: Viên ngọc chưa được mài sáng

(NTD) - Cách TP.HCM trên 100km theo hướng quốc lộ 22, Tây Ninh là địa danh quen thuộc và gần gũi với rất nhiều cư dân Nam bộ. Tuy nhiên, ở khía cạnh phát triển du lịch, vùng đất này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và còn rất nhiều điều thú vị chưa được khám phá.

Vùng đất văn hóa tâm linh

Muốn tắm biển, khách du lịch tìm đến Vũng Tàu, muốn tận hưởng khí trời mát mẻ, du khách sẽ lên Đà Lạt. Tây Ninh không nhận được sự ưu ái từ thiên nhiên nhưng lại là vùng đất sở hữu sự đa dạng các màu sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh.

Núi Bà Đen được xem là biểu tượng của Tây Ninh với nhiều kiến trúc tôn giáo trải dài trên sườn núi. Hằng năm, nơi đây thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch đến tham quan và viếng lễ vía Bà Đen (vào các mùng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch). Tòa Thánh Tây Ninh được xem là thánh địa của đạo Cao Đài cũng là điểm đến không chỉ dành riêng cho các tín đồ mà còn là nơi khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu bởi đây là công trình kiến trúc độc đáo của hai nền văn hóa Đông - Tây.

Tây Ninh còn có hai ngôi tháp cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ 8 là tháp Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng) và tháp Chọt Mạt (huyện Tân Biên). Đây là những di tích còn sót lại của nền văn hóa Óc Eo. Ngoài ra, Tây Ninh còn có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, nổi bật trong số đó là chùa Thiền Lâm (chùa Gò Kén) - ngôi chùa cổ hơn trăm tuổi được xem là nơi khai đạo của đạo Cao Đài và là trung tâm văn hóa Phật giáo Tây Ninh.

Ẩm thực đặc sắc

Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là đặc sản nối tiếng của Tây Ninh. Một chiếc bánh phải qua nhiều công đoạn (tráng, phơi nắng, nướng, phơi sương). Quan trọng nhất vẫn là khâu chọn nguyên liệu: Gạo làm bánh phải thơm, mới, không pha trộn. Lửa trong lò nướng phải đều không làm bánh bị cháy. Bánh thành phẩm sẽ có vị hơi mặn, mềm, dẻo được dùng để cuốn ăn cùng thịt luộc, rau sống chấm với nước mắm hoặc mắm nêm. Hiện nay, bánh tráng Tây Ninh còn được biến tấu thành nhiều hình thức khác nhau để làm đa dạng khẩu vị như bánh tráng me, bánh tráng bơ, bánh tráng muối…

Đặc biệt, Tây Ninh có rất nhiều loại rau rừng ăn sống mọc ở các khu vực gần sông như lá cóc, diếp cá, xăng máu… dùng để ăn cùng với bánh tráng. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, lượng rau mọc tự nhiên không đủ nên nhiều người đã mang các giống cây này về trồng ngay tại vườn nhà để bán lại cho người dân, các nhà hàng, khách sạn.

Tây Ninh còn nổi danh với các món ăn như bánh canh, muối ớt tôm… Bò tơ Tây Ninh là đặc sản được rất nhiều người yêu thích với nhiều cách chế biến khác nhau như nướng chao, nấu lẩu, xào sa tế, tái chanh… Ngoài ra, nem bưởi, mắm chua, ốc xu núi Bà cũng là đặc sản nổi bật của nơi này.

Viên ngọc chưa được mài sáng

Ở Tây Ninh, vào buổi tối, hầu như không có các địa điểm vui chơi, các khu phố ẩm thực hay các khu chợ mua sắm để níu chân khách du lịch nên họ thường đến đây tham quan trong ngày mà không ở lại đến sáng hôm sau.

Sông Vàm Cỏ Đông chảy qua Tây Ninh có thể xem là một trong những điểm khai thác du lịch đầy tiềm năng nhưng hiện vẫn chưa có bất cứ dịch vụ hay điểm dừng chân nào trên sông này. Với thủy trình chảy qua Tây Ninh là 98km, có thể thiết kế các dịch vụ du lịch đường thủy như ngắm sông bằng các du thuyền nhỏ hay các trò chơi vận động như để du khách trực tiếp trải nghiệm cảm giác chèo thuyền trên sông. Dọc hai bên bờ Vàm Cỏ Đông, cần xây dựng những vườn cây ăn trái để khách du lịch dừng chân tham quan hoặc xây dựng những homestay để phục vụ cho những khách có nhu cầu nghỉ dưỡng và tìm kiếm bầu không khí trong lành ven sông nhưng hiện vẫn chưa được khai thác.

Với lợi thế tiếp giáp TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An và đặc biệt là Campuchia, các tour du lịch kết hợp sẽ là một lựa chọn thích hợp để tạo nên sự đa dạng, mới mẻ. Chẳng hạn, khi đi từ TP.HCM sang Campuchia có thể ghé lại Tây Ninh một ngày để tham quan. Hoặc ngược lại, từ Campuchia có thể dừng chân tại Tây Ninh trước khi trở về TP.HCM.

Mặt khác, việc liên kết các doanh nghiệp địa phương để xây dựng các mô hình làng nghề làm bánh tráng, làm muối, trồng trà, nông trại sạch, nuôi yến… là điều hết sức cần thiết trong việc phát triển theo hướng đa dạng các loại hình du lịch.

Có thể thấy, Tây Ninh hoàn toàn có đầy đủ các yếu tố về tự nhiên lẫn con người để phát triển du lịch nhưng hiện nay vẫn chỉ là một viên ngọc chưa được mài kỹ lưỡng để tỏa sáng. Vừa qua, vào tháng 9/2018, Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh đã chính thức được thành lập. Hy vọng sắp tới sẽ có bước ngoặt quan trọng để Tây Ninh có những dấu ấn đột phá hơn về phát triển du lịch.

Bài & ảnh: Đức Tiến

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : Du lịch, Tây Ninh